Mở cuộc điều tra người lao động Việt Nam bị lừa dọn dẹp khu thảm họa hạt nhân Nhật Bản

Tất Đạt |

Bộ Tư pháp Nhật Bản xác nhận qua điện thoại đã cử người xác minh vụ việc. Được biết, nam thanh niên Việt Nam 24 tuổi đã từng làm cho một công ty xây dựng tại tỉnh Iwate.

Nguồn tin ban đầu

Japan Times dẫn lời chính quyền địa phương cho biết, Bộ Tư pháp Nhật Bản hiện đang điều tra trường hợp một nam thanh niên Việt Nam tới Nhật theo chương trình thực tập sinh nước ngoài của chính phủ và bị lừa tham gia hoạt động dọn dẹp tại các khu vực nhiễm phóng xạ nặng nề sau thảm họa hạt nhân hồi năm 2011.

Theo báo Nikkei, công ty nói trên đã phủ nhận các cáo buộc tố hãng này vi phạm luật lao động. Trong bản báo cáo, công ty khẳng định nam thanh niên Việt Nam được xếp các công việc tương tự như những lao động Nhật Bản khác, và không gặp bất kì nguy hiểm nào tới sức khỏe.

Nhưng theo Liên đoàn Lao động Zentoitsu tại Tokyo, phía đại diện của nam thanh niên 24 tuổi, thay vì được sắp xếp để tháo dỡ và làm công việc kỹ thuật công cộng, anh này lại bị điều đi làm dọn dẹp tại khu nhiễm xạ ở tỉnh Fukushima.

Tổng thư ký Liên đoàn Shiro Sasaki - chuyên gia về vấn đề thực tập lao động - cho biết nam thanh niên Việt Nam tới Nhật Bản vào tháng 9/2015 sau khi ký hợp đồng với công ty.

Sau đó, anh này được gửi tới Koriyama ở tỉnh Fukushima hơn 12 lần để dọn dẹp khu vực thành phố trong khoảng thời gian từ tháng 10/2015 tới tháng 3/2016.

Sau đó, nam thanh niên tham gia dỡ bỏ các công trình trong khu vực bị phong tỏa ở thị trấn Kawamata trước khi chính quyền địa phương dỡ bỏ lệnh cấm hoạt động tại đây vì nồng độ phóng xạ cao.

Nam thanh niên Việt Nam cho biết anh không hề được thông báo về việc phải dọn dẹp trong khu vực nhiễm xạ hạt nhân ở tỉnh Fukushima.

Tư liệu về thảm họa rò rỉ phóng xạ hạt nhân tại Fukushima năm 2011.

"Điều đó cho thấy người lao động đã bị lừa và được đưa tới Nhật Bản để làm việc dọn dẹp," ông Sasaki nói.

Ông Sasaki cho rằng người sử dụng lao động có thể đã vi phạm Đạo luật Hợp đồng Lao động, Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động và Đạo luật An toàn và Sức khoẻ Công nghiệp.

Ông Sasaki khẳng định liên đoàn đang hỗ trợ việc đàm phán giữa nam thanh niên Việt Nam và công ty xây dựng.

Theo đó, có khả năng nam thanh niên sẽ được đền bù theo đúng luật định. Trước đây, anh này chỉ được trả khoản tiền 140.000 yên mỗi tháng (tương đương 30 triệu VNĐ), trong khi những công nhân Nhật Bản làm việc tương tự được trả gần gấp 3 lần.

Lỗ hổng pháp luật Nhật Bản

Chương trình Thực tập Kỹ thuật do chính phủ Nhật Bản hỗ trợ được thiết kế để giúp sinh viên và người lao động nước ngoài học hỏi kĩ năng chuyên môn. Nhưng trên thực tế, nhiều nơi đã lợi dụng chương trình này để bù đắp tình trạng thiếu hụt lao động tay chân ở Nhật Bản.

"Thực tập sinh kỹ thuật không nên bị điều đi để làm những công việc gây nguy hại tới sức khỏe như vậy; sự nguy hiểm của phóng xạ là không thể bàn cãi," ông Sasaki nói.

Nam thanh niên Việt Nam đã xin nghỉ việc từ cuối tháng 11 năm ngoái vì lí do sức khỏe và vì công ty xây dựng từ chối giải thích vụ việc.

Japan Times đã tiếp cận được các tài liệu cho thấy nam thanh niên nói trên đã bị nhiễm phóng xạ khi làm việc tại Kawamata. Theo liên đoàn lao động, chủ lao động đã giấu thông tin này và từ chối khoản tiền phụ cấp rủi ro trong hợp đồng lao động.

Mở cuộc điều tra người lao động Việt Nam bị lừa dọn dẹp khu thảm họa hạt nhân Nhật Bản - Ảnh 2.

Nhân viên y tế trong quá trình xử lí hậu quả tại khu vực. Ảnh: AP

"Dù sao đi chăng nữa, việc dọn dẹp ở nơi nhiều phóng xạ là rất nguy hiểm và người lao động phải nhận thức rõ được mình đang làm gì," luật sư Shoichi Ibuski tóm tắt luật lao động. "Đó không phải là loại công việc mà ai cũng sẵn sàng làm. Đây là vấn đề nhân quyền hơn là vấn đề pháp lí."

Ông Ibuski nhấn mạnh trường hợp của người đàn ông Việt Nam cho thấy lỗ hổng lớn trong hệ thống pháp luật Nhật Bản, vốn được tạo ra để giúp người lao động từ các quốc gia đang phát triển có được kĩ năng cần thiết để áp dụng tại quê nhà.

Những công ty nhận lao động nước ngoài theo chương trình thực tập được yêu cầu phải nộp kế hoạch đào tạo chi tiết cho Bộ Tư pháp để giám sát. Ông Ibuski nhận định có thể chủ lao động đã không nộp tài liệu này cho chính phủ.

Một quan chức khác cho biết luật lao động không cấm thuê người lao động nước ngoài làm việc dọn dẹp phóng xạ và về mặt lý thuyết, chủ lao động hoàn toàn có thể làm như vậy. Nhưng công ty sẽ phải mở một chương trình đào tạo với mục tiêu rõ ràng cho người lao động.

"Thật khó có thể tưởng tượng một thực tập sinh có thể dùng kinh nghiệm lao động ở nước mình để xử lí các khu vực phóng xạ ở Nhật Bản," ông nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại