Trong văn hóa thời phong kiến Trung Hoa nói riêng và Đông Á nói chung, việc chôn cất, xây mộ cho người đã mất có ý nghĩa rất quan trọng. Với tầng lớp đặc biệt như vua chúa, việc dựng lăng tẩm còn được chú trọng hơn. Có không ít vị Hoàng đế đã dành hàng chục năm trời để xây lăng cho mình và gia quyến, tiêu tốn số của cải vô tận.
Vào thời nhà Minh, Hoàng đế Minh Hiến Tông có một vị phi tần vô cùng nổi tiếng là Vạn Quý phi, tên thật là Vạn Trinh Nhi. Một điều thú vị là sủng phi này hơn nhà vua tới gần 20 tuổi, đáng tuổi mẹ của Minh Hiến Tông. Vạn Quý phi xuất thân chính là nhũ mẫu của nhà vua. Khi lớn lên, bà lại trở thành thê thiếp của ông và cực kỳ được Hoàng đế tin tưởng, sủng ái.
Theo sử sách ghi lại Vạn Quý phi còn đắc sủng sinh kiêu, lấn át cả chính cung Hoàng hậu và thường xuyên hãm hại nhiều phi tần khác. Vạn Trinh Nhi chính là người nắm quyền lực tối thượng ở hậu cung, còn từng ép Ngô hoàng hậu bị đày vào lãnh cung để trở thành người chủ trên thực tế.
Tranh vẽ Minh Hiến Tông và sủng phi hơn mình 2 chục tuổi trong lịch sử
Vì hơn nhà vua quá nhiều tuổi, Vạn phi không sinh được người con nào cho Minh Hiến Tông. Bà mất năm 1487, hưởng thọ 57 tuổi. Hoàng đế vô cùng đau lòng. Ông ra lệnh tổ chức đám tang của ái phi xa hoa theo quy cách một hoàng hậu. Lăng mộ nơi Vạn Quý phi an nghỉ cũng được xây riêng biệt ở nơi phong thủy rất đẹp, không giống như các phi tần khác được chôn cất chung một lăng.
Mộ của bà được đặt ở chân núi Tô Sơn, cách Bắc Kinh 7km về phía tây bắc. Phía trước lăng có một sân vuông với khu vườn tráng lệ, rộng 138m, sâu 197m, xung quanh lát gạch men xanh và lợp mái vàng sang trọng. Chiếc văn bia lớn bằng đá để tưởng nhớ chủ nhân cũng không thể thiếu.
Lăng Vạn Quý phi được đồn đại là rất linh thiêng, bất khả xâm phạm
200 năm sau, vào thời Hoàng đế Càn Long nhà Thanh, ông từng lên kế hoạch xây dựng công trình quy mô lớn. Dự định xây dựng này có bao gồm mảnh đất có ngôi mộ Vạn Quý phi. Càn Long thấy rằng mộ của phi tần tiền triều có vị trí phong thủy cực kỳ đắc địa và đẹp nên muốn xây một khu vườn lớn ở đây.
Càn Long chỉ có ý định di dời vị trí ngôi mộ chứ tất nhiên không định mạo phạm hài cốt người đã mất hoặc cướp mộ. Thế nhưng khi các công nhân mới chỉ bắt đầu công việc di dời, tất cả mọi người đã phải kinh hồn bạt vía. Sự kiện này đã khiến kế hoạch xây vườn của Càn Long phải dừng lại ngay lập tức. Sau đó, Hoàng đế cũng ra lệnh tuyệt đối không một ai được động vào ngôi mộ, khu vườn mà ông mong muốn cũng phải dời đi nơi khác.
8 chữ trên bia đá như lời nguyền, cũng như thần chú bảo vệ ngôi mộ
Hóa ra, khi chỉ mới đào đến cửa mộ, các người thợ đã phát hiện ra một tấm bia đá. Trên đó khắc đúng 8 chữ nhưng nội dung của nó khiến ai nấy đều phải sợ hãi và từ bỏ mọi ý định xâm phạm, khai quật lăng mộ Vạn Quý phi. 8 chữ khắc trên bia là: "Ngươi không động ta, ta không động ngươi".
8 chữ này rõ ràng có ý hăm dọa những kẻ dám động đến lăng mộ ái phi Minh Hiến Tông. Đó cũng chính là lý do dù chắc chắn được chôn với rất nhiều vàng bạc châu báu, lăng mộ Vạn Quý phi cũng chưa bao giờ bị đạo tặc ghé thăm. Có thể chỉ ngay từ bước đầu tiên, chúng cũng đã phải run rẩy như những người thợ của vua Càn Long. 8 chữ đơn giản nhưng hú hồn này đã thực sự trở thành "lời nguyền" giúp bảo vệ lăng mộ bất khả xâm phạm.
Hiện trạng lăng mộ không còn quá tốt, nhưng có lẽ cũng không ai dám tu sửa, thay đổi gì
Ngày nay, lăng mộ của Vạn Trinh Nhi xây từ hơn 500 năm trước vẫn sừng sững ở vị trí ban đầu dù qua bao biến động của lịch sử. Tuy nhiên, mộ phần đã có tình trạng xuống cấp, không còn vẻ uy nghi ban đầu nữa.
Nguồn: Sohu