Sáng ngày 9/9 (nhằm ngày 11/8 âm lịch), nghệ sĩ Minh Nhí đã làm lễ giỗ Tổ nghề tại nhà riêng ở quận Phú Nhuận. Tới cúng Tổ nghề tại nhà danh hài Minh Nhí có rất nhiều học trò và đồng nghiệp của anh như: Thúy Nga, Hạnh Thúy, Quốc Thuận, đạo diễn Quốc Thảo, nghệ sĩ Lê Giang, diễn viên Trịnh Minh Dũng, Hữu Bình...
Không chỉ hướng dẫn cho học trò nghi thức cúng Tổ mà mình được truyền lại từ ba của NSƯT Thành Lộc - cố NSND Thành Tôn, mà danh hài Minh Nhí còn chia sẻ nhiều câu chuyện về sự linh thiêng của Tổ mà anh đang thờ phụng.
Bị cấm diễn và lời khấn Tổ ngày giỗ
Hồi mới vào nghề, nghệ sĩ Minh Nhí tới chùa thỉnh bài vị Tổ nghề sân khấu về thờ phụng. Mọi người trong nghề, ai cũng khuyên anh, ngoài 30 tuổi hẵng thờ cúng, đừng thờ sớm quá, không tốt.
Thế nhưng, Minh Nhí đã thỉnh về rồi, không thể đem bài vị Tổ nghề lên chùa được. Không ngờ, từ ngày thỉnh bài vị Tổ nghề về thờ, tên tuổi anh nhanh chóng được khán giả yêu mến. Minh Nhí chia sẻ "Tổ nghề ở nhà tôi linh thiêng lắm", rồi anh kể...
Bàn thờ Tổ ở nhà riêng của danh hài Minh Nhí. Trên cùng là bàn thờ Phật. Bên phải là Di Lặc, bên trái là bàn thờ Tổ nghề sân khấu, dưới là bàn thờ cha mẹ.
Quãng năm 2005, Minh Nhí phải đối mặt với giai đoạn khủng hoảng nhất cuộc đời mình. Anh bị cấm diễn 6 tháng và đình chỉ công tác giảng dạy tại trường Đại học sân khấu điện ảnh TPHCM.
Tất cả những gì anh gầy dựng bao nhiêu năm bỗng chốc tan biến như bong bóng xà phòng. Anh đi tới đâu cũng như có người canh chừng, theo dõi trong khi bạn bè đồng nghiệp xa lánh.
"Tôi còn nhớ, ngày giỗ Tổ năm đó dù đang bị cấm diễn nhưng tôi vẫn làm lễ cúng. Đúng 7 giờ tối, tôi thắp nhang vái ông Tổ "nếu con không có nghiệp này nữa thì Tổ cho con trông thấy đi, Tổ kêu con đi làm nghề khác đi. Nếu con còn duyên thì cho con sớm đi diễn lại. Con buồn quá rồi".
Tôi khấn xong thì đi ngủ. Đúng 7 giờ sáng hôm sau, tôi nhận được điện của Cục, báo đã có giấy phép cho biểu diễn lại", nghệ sĩ Minh Nhí kể.
Hạnh Thúy: Đi đâu làm gì cũng về nhà thầy Minh Nhí cúng Tổ
Danh hài Minh Nhí có rất nhiều học trò nổi tiếng, trong số đó, không thể không kể đến Việt Hương, Thúy Nga, Hạnh Thúy, Cao Minh Đạt...
Thúy Nga và Việt Hương nổi tiếng từ lúc còn rất trẻ, ra trường chưa được bao lâu, trong khi Hạnh Thúy mãi vẫn chưa được Tổ đãi. Chị long đong, lận đận kiếm tìm sự nổi tiếng qua từng vai diễn, mồ hôi và nước mắt.
Đêm 30, rạng sáng mùng 1 Tết năm đó, Hạnh Thúy được nghệ sĩ Minh Nhí "dụ" tới nhà xông đất vì Thúy Nga và Việt Hương quá đắt show.
Năm nào cũng thế, Hạnh Thúy luôn về nhà Minh Nhí cúng Tổ bằng tất cả sự thành tâm của mình.
Thầy trò ngồi tâm sự, Hạnh Thúy tủi thân khóc vì mình... rảnh quá trong khi bạn bè đã được khán giả nhớ mặt biết tên. Nghệ sĩ Minh Nhí khuyên Hạnh Thúy thắp nhang cúng Tổ, anh khấn vái cùng, xin ông Tổ ngó xuống cô học trò bé nhỏ, tận tâm với nghề của mình rồi "hái lộc" một phong bao lì xì chia duyên cho Hạnh Thúy.
Không biết vì ông Tổ linh thiêng hay vì Hạnh Thúy đã tới độ chín của nghề mà kể từ dạo ấy, Hạnh Thúy trúng nhiều vai hay, sự nghiệp hanh thông, thuận lợi. Giờ Hạnh Thúy không chỉ là diễn viên, đạo diễn mà còn là Nghệ sĩ ưu tú vì và góp phần đào tạo các thế hệ diễn viên trẻ ở công tác giảng dạy.
Và cũng từ độ ấy, năm nào cũng thế, tới ngày cúng Tổ, dù đi đâu làm gì, Hạnh Thúy đều tới nhà "ông thầy" để thắp hương.
Có năm, Hạnh Thúy phải đi diễn xa, tới 12h đêm mới về tới Sài Gòn. Thay vì về nhà, chị chạy thẳng tới nhà thầy, đòi thầy mở cửa cho vào cúng Tổ.
Khi đứng trên bục giảng truyền dạy kiến thức về diễn xuất cho thế hệ sau, Hạnh Thúy vẫn khuyên học trò của mình nên tới cúng Tổ nhà "lão sư Minh Nhí" vì "ông Tổ ở nhà thầy Minh rất linh thiêng".
Cao Minh Đạt bỏ nghề đi bán card visit và sự trở lại ngoạn mục
Không chỉ có Hạnh Thúy mà Cao Minh Đạt cũng từng được hưởng "lộc ân" của Tổ nghiệp ở nhà nghệ sĩ Minh Nhí. Hồi học năm 2, vì cảm thấy không có duyên với nghề nên Cao Minh Đạt bỏ nghề đi bán card visit. Nghệ sĩ Minh Nhí biết học trò mình có tố chất nên kêu lại nhà, rồi khuyên anh khấn xin ông Tổ phù hộ.
Nghệ sĩ Minh Nhí cũng ra khấn vái cùng và xin cho cậu học trò của mình. Ít lâu sau, bộ phim "Những đứa con thành phố" casting tìm diễn viên, Cao Minh Đạt trúng vai và nổi lên từ đó.
Thúy Nga là một trong những nghệ sĩ có mặt sớm nhất cúng Tổ tại nhà nghệ sĩ Minh Nhí.
Mặc dù rất kín tiếng và hiếm khi trả lời truyền thông báo chí, mặc dù chỉ biết lặng lẽ làm nghề và làm nghề nhưng cái tên Cao Minh Đạt được người người biết đến và yêu mến qua những vai diễn cá tính trên màn ảnh truyền hình.
Gần đây nhất, Minh Khải, con nuôi của danh hài Minh Nhí cũng được ông Tổ ngó xuống. Minh Khải được chọn đóng nam chính phim "Ngốc ơi tuổi 17". Đó cũng là bộ phim điện ảnh đầu đời của Khải. Phim quay từ hơn 2 năm trước, khi Khải chuẩn bị bước sang tuổi 17 nhưng vì nhiều lý do mà mãi chưa ra rạp.
Hồi tháng 8 vừa rồi, bộ phim "Thưa mẹ con đi" ra rạp, dù quay sau "Ngốc ơi tuổi 17" rất nhiều. Minh Khải tủi thân khóc. Nghệ sĩ Minh Nhí thấy vậy, khuyên con trai nên ra thắp nhang khấn ông Tổ.
Khải nghe lời, mua bánh kẹo ra thắp hương. Không biết Khải nói những gì, tâm sự những gì với ông Tổ mà đứng trước bàn thờ Tổ cả tiếng đồng hồ. Sáng hôm sau, Khải hân hoan nhận được thông báo của nhà sản xuất, phim chính thức ra rạp vào tháng 11 này và nói cậu đi chụp poster.
Tạm kết: Tất cả nghệ sĩ khi bước vào nghề này đều tin rằng ở trên đầu luôn có ông Tổ. Ông Tổ sẽ ngó xuống, dẫn đường chỉ lối cho người nghệ sĩ nếu họ thực sự có tài, có tâm, niềm tin và đam mê vào cái nghề mà họ hay ông Tổ đã chọn.
Dù giai thoại về ông Tổ của ngành sân khấu còn rất nhiều điểm chưa được chứng thực nhưng dù thế nào đi nữa, đó cũng là lời nhắc nhớ về nguồn gốc cho những người làm nghệ thuật. Dù không thể lý giải một cách khoa học về những câu chuyện trên thì người xưa có câu: "có thờ có thiêng có kiêng có lành".