Đấm ra lực 534 kg, bàn tay của Mike Tyson đã khổ sở như thế nào?

Nam Phong |

Cái giá phải trả cho vinh quang không bao giờ rẻ, nhưng với Mike Tyson, nó xứng đáng bởi tay đấm thép này chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đầu hàng.

Mike Tyson bén duyên với quyền Anh một cách rất đặc biệt ở một nơi cũng vô cùng đặc biệt - một trại cải tạo thanh thiếu niên tại Elmwood, sau khi đã kinh qua một vài nơi tương tự với những thành tích bất hảo của mình.

Người thầy đầu tiên của ông, có thể coi là vậy, người đã mang đến khái niệm đầu tiên về quyền Anh trong ông - Bobby Stewart, chỉ là một nhà vô địch quốc gia hạng nghiệp dư, có một thú vui "tao nhã", dạy quyền Anh cho trẻ nhỏ, mà một phần trong số chúng có hoàn cảnh giống như Mike Tyson - thành viên thường trực của trại cải tạo tại Elmwood.

Tất nhiên, Mike Tyson sớm bộc lộ được tiềm năng của mình, dù chuỗi ngày sau đó là những ngày dài tập luyện và chịu trận. Quãng thời gian đó cũng không kéo dài, Stewart đã nhanh chóng tìm cho ông một người thầy khác, Cus D'Amato.

Đấm ra lực 534 kg, bàn tay của Mike Tyson đã khổ sở như thế nào? - Ảnh 1.

"Tao sẽ mang mày đến một VĐV quyền Anh huyền thoại. Cus D'Amato. Mày chưa bao giờ nghe đến cái tên ấy đâu. Nhưng ông ấy sẽ giúp mày nâng trình độ lên cao hơn nữa".

"Sao vậy? Có chuyện gì ở đây sao?", tôi hỏi. Khi ấy tôi chả tin ai ngoài Bobby cả. Vậy mà bây giờ ông ấy định "sang nhượng" tôi cho một người khác.

"Mày chỉ cần tin ông ấy là được" Bobby nói.

Những chấn thương đi cùng năm tháng

Trận đấu chính thức đầu tiên của Mike Tyson, tất nhiên chỉ ở hạng nghiệp dư, được tổ chức trong một phòng tập nhỏ tại khu Bronz, cũng do một học trò của Cus làm chủ. Kể từ đó, một huyền thoại quyền Anh hạng nặng - như những nhận định đầu tiên của Cus về cậu học trò của mình, đã ra đời, đi cùng nó là những chuỗi ngày vắt kiệt tinh hoa của một cơ thể hoàn mỹ.

"Trong mọi trường hợp, khi vật A tác dụng lên vật B một lực, thì vật B cũng tác dụng lại vật A một lực. Hai lực này có cùng giá trị, cùng độ lớn, nhưng ngược chiều".

Đòn tấn công hợp lệ duy nhất trong quyền Anh được chấp nhận là đòn đấm, được phân thành các kĩ thuật đấm thẳng, đấm móc ngang và đấm móc lên, chia ra tương ứng hai bên trái phải.

Đấm ra lực 534 kg, bàn tay của Mike Tyson đã khổ sở như thế nào? - Ảnh 2.

Để gia tăng lực cho cú đấm, một vận động viên quyền Anh có một serie các cách tăng cường các nhóm cơ trong cơ thể, không nhất thiết chỉ là các nhóm cơ liên quan đến tay và vai, bao gồm cả các nhóm cơ ở cả 2 chân trụ, đầu gối, cơ vùng lưng và eo, giúp tăng xuất phát điểm của lực phát ra cũng như thăng bằng của cơ thể.

Chúng ta có thể xem xét một số thống kê nghiên cứu về lực của một cú đấm, cụ thể như sau:

- Lực đấm trung bình của một người đàn ông bình thường, không qua luyện tập võ thuật tương đương khoảng 22 đến 45 kg;

- Một nghiên cứu về 7 vận động viên quyền Anh tại Olympic từ hạng thấp nhất tới hạng cân siêu nặng cho biết, lực đấm của họ nằm trong khoảng từ 202 cho đến 483 kg;

- Một nghiên cứu khác áp dụng trên 70 vận động viên quyền Anh đẳng cấp cao cho kết quả lực đấm trung bình của họ đạt mức 352 kg;

- Lực đấm của tay đấm huyền thoại Rocky Marciano được ghi nhận có sức nặng ở mức 420 kg.

Mike Tyson được xem như một trong những võ sĩ quyền Anh vĩ đại nhất trong lịch sử, và tất nhiên, với một lực đấm xứng tầm. Theo một thống kê trên trang web thrillist.com, cú đấm của ông có thể đạt mức 534 kg, lực tương đương với việc bị một chiếc xe Vespa với vận tốc 15km/giờ đâm vào.

Đấm ra lực 534 kg, bàn tay của Mike Tyson đã khổ sở như thế nào? - Ảnh 3.

Chúng ta đều biết về lí thuyết vật lí cơ bản định luật III Newton: "Trong mọi trường hợp, khi vật A tác dụng lên vật B một lực, thì vật B cũng tác dụng lại vật A một lực. Hai lực này có cùng giá trị, cùng độ lớn, nhưng ngược chiều.".

Dù con số thực tế có thể còn chịu nhiều ảnh hưởng của các yếu tố khác, song phản lực từ cú đấm tác động ngược lại tới cơ thể của Mike Tyson, đặc biệt là vùng bàn tay, cổ tay và vai, là vô cùng đáng kể.

Mục tiêu những cú đấm của Mike Tyson thường là vùng đầu, một trong những bộ phận có phần khung xương cứng nhất trên cơ thể. Những chấn thương ở tay hay vai, ngoài ra ở các vùng nhạy cảm khác như hông, đầu gối… có nguy cơ xuất hiện bất cứ lúc nào.

Cách ngăn ngừa các hiểm họa chấn thương tốt nhất với Mike Tyson, không phải là với những dụng cụ hỗ trợ tốt nhất hay bác sĩ tốt nhất, mà là luyện tập.

Đấm ra lực 534 kg, bàn tay của Mike Tyson đã khổ sở như thế nào? - Ảnh 4.

Những tổn thương tâm lý

Tuy vậy, những chấn thương, như một phần tất yếu của một vận động viên quyền Anh, vẫn luôn biết cách tìm đến ông. Dù có một cơ thể lý tưởng, song Iron Mike vẫn có một tiền sử chấn thương khá lớn.

Ông đã bị gãy xương bàn tay trước thềm bảo vệ ngôi vô địch thế giới hạng nặng với Frank Bruno. Mike Tyson đã phải hoãn trận đấu kể trên cho tới tháng 10/1988. Mike Tyson đã bị gãy xương bàn tay, đồng thời bị gãy xương ngón giữa sau khi knock out Mitch Green bằng một cú đấm trên phố vào 4h sáng! (Mitch Green từng là một bại tướng dưới tay Mike Tyson vào năm 1986).

Tháng 9/1990, Mike Tyson có một vết rách dài trong khi luyện tập. Sau khi phải khâu tới 48 mũi, trận đấu tranh đai vô địch hạng nặng của ông hai mươi ngày sau đó bắt buộc bị hoãn.

Tháng 10/1995, Mike Tyson bị rạn xương ngón tay cái trong khi luyện tập. Bác sĩ riêng của ông Gary S. Marrone đã đề xuất hủy trận đấu của ông 3 tuần sau đó khi lo ngại vết nứt đang trong quá trình phục hồi và có nguy cơ tái phát. Bất chấp cảnh báo của bác sĩ, Mike Tyson vẫn tiếp tục tham gia trận đấu theo đúng lịch trình và giành chiến thắng.

Đấm ra lực 534 kg, bàn tay của Mike Tyson đã khổ sở như thế nào? - Ảnh 5.

Bất chấp chấn thương, Mike Tyson vẫn liên tục gặt hái những thành công ở phong độ đỉnh cao.

Những chấn thương ở tay của Mike Tyson xảy đến nhiều hơn khi sự nghiệp của ông đi dần đến đoạn kết. Kể từ năm 1996, đã hơn 3 lần Iron Mike gặp phải những vấn đề ở tay ảnh hưởng đến trận đấu. Những chấn thương đến dồn dập hơn, những thất bại tai hại, thậm chí là muối mặt. Phong độ của ông đã bắt đầu lao dốc từ 2 trận thua trước Evander Holyfield (năm 1996-1997).

Tháng 1/1999, huấn luyện viên của ông - Tommy Brooks xác nhận tay trái của Tyson gặp phải khá nhiều vấn đề trong khi luyện tập, thậm chí là khó cử động bình thường. Dù cho đã trở lại thi đấu, điều đó vẫn dấy lên một nghi ngại cho sự nghiệp của ông, cộng hưởng cùng chấn thương ở chân sau tai nạn xe hơi năm 1998.

Tuổi tác và sức khỏe đều cùng đứng lên chống lại ông trên võ đài. Năm 2004, ông nhận một thất bại gây sốc khác trước Danny Williams. Chỉ sau 4 hiệp, sau một serie những cú đấm liên tục, Mike Tyson đã bị knock out nằm dài trên sàn đấu.

Sau trận đấu, huấn luyện viên của ông Freddie Roach thừa nhận ông đã gặp phải một chấn thương ở đầu gối trái trong khi luyện tập và thậm chí không thể nhấc nổi tay phải trước đó.

Sau hơn 20 năm đứng trên võ đài, đôi tay nắm lấy tất cả vinh quang của ông cũng đã phải hứng chịu vô vàn chấn thương lớn nhỏ. Và rồi cũng đến lúc, đôi tay ấy ra dấu xin dừng lại.

Đấm ra lực 534 kg, bàn tay của Mike Tyson đã khổ sở như thế nào? - Ảnh 6.

Rồi cũng đến lúc Mike Thép phải dừng lại.

Đôi chân ông cũng không còn đứng vững trên sàn đấu, sau khi nhận thất bại thứ 6, thất bại cuối cùng trong sự nghiệp. Hôm ấy, 11/6/2005, Kevin McBride, một lính mới của làng quyền Anh, đã cất cái tên huyền thoại Mike Tyson vào ngăn kéo của lịch sử.

Cuộc sống của Mike Tyson gắn liền với bộ môn quyền Anh, ông đã đạt đến đỉnh cao danh vọng và vật chất cùng đôi bàn tay của mình, xong nó cũng để lại cho ông những sang chấn tâm lý đáng kể cùng những ám ảnh bạo lực. Bản thân ông chưa bao giờ thừa nhận bản thân bị ảnh hưởng bởi những chấn thương vùng đầu khi thi đấu, rằng thần kinh mình hoàn toàn bình thường!

Báo chí thời gian ông còn thi đấu, đặc biệt sau trận đấu lịch sử năm 1996 cũng liên tục đơm đặt những câu chuyện về sự thật ông mắc một chứng bệnh thần kinh, gào thét chạy vòng quanh bệnh viện sau khi bị tổn thương ở đầu và ngực, hay thậm chí về việc ông đã mua súng và lên một kế hoạch tự sát!

Ông đã phủ nhận hoàn toàn những đơm đặt đó trong tự truyện của mình, coi đó như một chiến dịch nhằm vùi ông xuống tận cùng của báo giới khi đó, cùng với đó là âm mưu hòng cướp lấy quyền quản lý khối tài sản khổng lồ của ông.

Đấm ra lực 534 kg, bàn tay của Mike Tyson đã khổ sở như thế nào? - Ảnh 7.

"Cơn điên" của Mike Tyson lên đến đỉnh điểm với pha cắn tai Evander Holyfield.

Nhưng quả thực, trong suốt sự nghiệp thi đấu của mình, như ông đã thừa nhận, khá nhiều lần Mike Tyson phải sử dụng thuốc an thần để chống chọi lại những cơn stress gây ra bởi báo giới, áp lực từ thi đấu và áp lực từ chính những người phụ nữ của mình!

Thậm chí, vào năm 1998, Mike Tyson bị buộc phải tham gia một kì đánh giá toàn diện về sức khỏe tâm thần nhằm xác nhận ông có khả năng quay lại với quyền Anh, sau một năm bị thu hồi chứng chỉ thi đấu.

Một nghiên cứu đánh giá về những chấn thương vùng hộp sọ trong thể thao, mối liên hệ giữa chấn thương và bạo lực của Riplee năm 2013 đã chọn Mike Tyson là đối tượng nghiên cứu chính.

Mike Tyson xuất thân là đứa trẻ ngỗ ngược, đã tham gia ẩu đả nhiều lần trên đường phố và bị đo đất một cơ số lần. Là một vận động viên quyền Anh lâu năm, Mike Tyson đã bị hạ knock out 3 lần, đồng thời phải hứng chịu rất nhiều những cú đánh vào đầu và va đập mạnh.

Đấm ra lực 534 kg, bàn tay của Mike Tyson đã khổ sở như thế nào? - Ảnh 8.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump rất thân thiết và hết lòng ủng hộ Mike Tyson.

Tất cả những tổn thương này đã được ghi chép lại đầy đủ trong bản đánh giá về tình trạng tâm thần của ông vào năm 1998. Ông cũng được ghi nhận có rất nhiều dấu hiệu, là một dẫn chứng tiêu biểu cho mối liên hệ giữa hành vi bạo lực và các chấn thương vùng hộp sọ.

Ông đã bị bắt vì thực hiện hành vi hiếp dâm năm 1992, cắn đứt một phần tai đối thủ của mình Evander Holyfield trong khi thi đấu năm 1996… Những hành vi bạo lực và thiếu kiểm soát của ông trong cuộc sống được đánh giá là những biểu hiện của một căn bệnh tổn thương thần kinh mãn tính, nguy hiểm hơn những chấn thương vùng hộp sọ thông thường.

Tuy vậy, sau tất cả những rắc rối và khó khăn, Mike Tyson đang và sẽ trở lại, một Iron Mike điên cuồng và mạnh bạo cả ở trên võ đài cũng như trong cuộc sống thường ngày.

Người đứng vững cuối cùng trên võ đài mới là người chiến thắng!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại