Vào tháng 12/2009, Không quân Pakistan đã cử phi đội F-7PG tham gia cuộc tập chung cùng với tiêm kích tàng hình thế hệ năm F-22 Raptor của Không lực Hoa Kỳ trên bầu trời sa mạc Trung Đông. Ngoài nhiệm vụ chung, hai loại tiêm kích còn thử nghiệm một vài bài đối kháng.
F-7PG là định danh xuất khẩu của dòng chiến đấu cơ J-7 do Trung Quốc chế tạo trong nước dựa trên nguyên mẫu MiG-21 của Liên Xô, tuy nhiên biến thể này đã có rất nhiều thay đổi so với nguyên bản.
Cụ thể, máy bay có phần mũi và sống lưng thuôn nhỏ tương tự MiG-21 F-13, đi kèm cặp cánh delta kép diện tích lớn hơn 8%, giúp F-7PG có khả năng thao diễn vượt trội, khắc phục phần lớn nhược điểm trong không chiến quần vòng của MiG-21 cũ.
Chiếc tiêm kích nâng cấp này được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, trong đó trung tâm là radar quét mảng pha điện tử thụ động Grifo-PG do Italy sản xuất, nó phát hiện mục tiêu từ cự ly 57 km, bám bắt từ khoảng cách 37 km, triển khai được tên lửa không đối không dẫn đường hồng ngoại ngoài tầm nhìn như PL-8/9.
Tiêm kích F-7PG của Không quân Pakistan
Tuy rằng thời gian hoạt động trên không rất ngắn (ước chừng 40 phút nếu mang thêm thùng nhiên liệu phụ) nhưng vẫn là đủ để thực hiện nhiệm vụ "đánh chặn" truyền thống. Bên cạnh đó, sau khi hiện đại hóa thì F-7PG được nhận xét không thua kém gì tiêm kích thế hệ 4.
Điều này càng được minh chứng rõ hơn qua kết quả thu về từ cuộc tập trận, các phi công Pakistan cho biết "Không gì có thể thoát khỏi lòng bàn tay chúng tôi", máy bay có khả năng thao diễn tuyệt vời, tầm nhìn từ buồng lái cũng rất tốt.
Vậy có thực sự là F-7PG đủ sức chiến đấu ngang ngửa với F-22 - chiếc tiêm kích hàng đầu thế giới hiện nay?
Tiêm kích F-7PG của Pakistan song hành cùng F-22 trong cuộc tập trận
Đầu tiên phải nhắc lại rằng điểm mạnh của F-22 nằm ở tính tàng hình và được lắp đặt radar mảng pha quét chủ động cực mạnh. Phương thức tác chiến chủ yếu của F-22 là không chiến ngoài tầm nhìn, sẽ tiêu diệt máy bay đối phương từ cự ly rất xa trong khi kẻ thù chẳng hề hay biết đến sự có mặt của nó.
Nhưng để giữ bí mật, khi tập trận F-22 luôn giấu tham số radar bằng cách chỉ bật chế độ luyện tập, thậm chí còn đeo thêm thiết bị làm tăng diện tích phản xạ radar như biện pháp "chấp điểm lợi thế".
Đã bỏ đi ưu thế lớn nhất của mình, nhưng trong không chiến quần vòng F-22 lại chấp điểm lần 2 khi can thiệp kỹ thuật để hạn chế bớt việc giấu tín hiệu hồng ngoại, khiến nó có thể bị lộ diện trước khí tài ngắm bắn quang - điện.
Thậm chí trong những lần đối đầu trực tiếp, máy bay huấn luyện siêu âm T-38 Talon của Mỹ cũng rất nhiều lần giành chiến thắng trước F-22 trong không chiến cự ly ngắn.
Đáng tiếc rằng giữa luyện tập và thực chiến luôn tồn tại khoảng cách rất xa, khi tung toàn bộ sức mạnh, không có gì bảo đảm rằng thành tích đáng mơ ước khi cho chiến đấu cơ thế hệ cũ đối đầu máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ năm sẽ lặp lại nếu phải "một mất một còn".