Miền Tây Amazon hoang dã: Vùng đất mang lại nguồn tiền 'khủng' nhưng cuộc sống 'rẻ mạt'

MAI NGUYỄN |

Các doanh nghiệp bất hợp pháp đã tạo thành một mạng lưới liên kết ở vùng xa xôi của Brazil, nơi đe dọa các cộng đồng bản địa và hệ sinh thái địa phương.

Sự đối lập trong khu rừng nhiệt đới

Gần khúc cua gấp khúc trên sông Itaquaí, nằm trên một bờ bùn dốc đứng, một công trình kiến ​​trúc bằng gỗ đơn độc đánh dấu tiền đồn cuối cùng của một cuộc kháng chiến mong manh.

Đây là trạm kiểm soát không chính thức được sử dụng bởi người ủng hộ quyền bản địa Bruno Pereira, một ngôi nhà sàn biệt lập mà ông hy vọng có thể giúp hạn chế tội phạm có tổ chức tràn lan, đang đe dọa khu rừng nhiệt đới nguyên sơ của Thung lũng Javari xa xôi, các hệ sinh thái phía trong cùng các cộng đồng bản địa gọi nơi đây là nhà.

Nhưng hai tuần sau khi xác của hai người đàn ông mất tích Pereira và nhà báo Dom Phillips được tìm thấy, vấn đề an ninh tại nơi đây càng trở nên "nóng".

Miền Tây Amazon hoang dã: Vùng đất mang lại nguồn tiền khủng nhưng cuộc sống rẻ mạt - Ảnh 1.

Sông Itaquaí. Ảnh: Danilo do Carmo.


Tiền đồn thường xuyên được các thành viên của Univaja, một tổ chức bảo vệ quyền bản địa mà Pereira từng làm việc lui tới. Nhưng nơi đây hiện đang được điều khiển bởi một cư dân duy nhất: một người Peru 76 tuổi tên là Juan da Silva và con chó labrador đen của ông.

Được trang bị một ngọn đuốc, một chiếc cần câu cá, vài lon thức ăn và thỉnh thoảng là một chiếc đài, ông luôn lo lắng cho tính mạng của mình hàng đêm.

Da Silva nói: "Tôi muốn ra khỏi đây. Tôi không muốn chết. Tôi muốn sống".

Tiền đồn chính là nơi nhà báo Phillips và Pereira ngủ qua đêm trước khi họ bị giết. Da Silva chỉ vào những chiếc móc giữ võng của họ, được bắt chặt vào các cột gỗ dưới mái hiên nhỏ.

Ông Pereira đã ngủ ở phía bên phải, phía nhìn ra một cửa sông nhỏ nơi những người đánh cá bất hợp pháp đi qua để vào hồ với hàng nghìn con cá pirarucu có giá trị - và một con đường vào vùng đất bản địa cách một trạm kiểm soát của Chính phủ vài dặm về phía thượng nguồn.

"Những người đánh cá sẽ rất tức giận nếu chúng tôi không cho họ đi qua", Da Silva kể, chỉ tay về phía dòng suối, nơi một con chim bói cá Amazon có mào với bộ lông xù xì đang đậu trên cành đang sục sạo trên mặt nước. "Đôi khi tôi không thể ngăn họ lại, bởi vì nếu tôi làm vậy, họ sẽ giết tôi".

Miền Tây Amazon hoang dã: Vùng đất mang lại nguồn tiền khủng nhưng cuộc sống rẻ mạt - Ảnh 2.

Cộng đồng làng São Rafael. Ảnh: Guardian.


Đó là những sự tương phản trong khu rừng nhiệt đới Amazon chưa được báo cáo, nơi vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ đã trở thành bối cảnh để gia tăng bạo lực.

Đó là bối cảnh cho cuộc chiến tranh giành quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên ngày càng gay gắt, đặc biệt là sau cuộc bầu cử Tổng thống cực hữu của Brazil, ông Jair Bolsonaro, vào năm 2018.

Các quan chức thực thi pháp luật cho biết Thung lũng Javari, một khu vực có diện tích bằng đất nước Bồ Đào Nha và là nơi tập trung đông nhất thế giới của các bộ lạc bản địa không giao tiếp, hiện là tuyến đường buôn bán ma túy lớn thứ hai của Brazil, nơi các ngành công nghiệp đánh bắt, khai thác gỗ và khai thác bất hợp pháp đan xen đã phát triển mạnh mẽ trong suốt thập kỷ trước.

Cách trạm kiểm soát tạm thời vài dặm về phía hạ lưu, tại cộng đồng đánh cá nhỏ của São Rafael, Chủ tịch làng, ông Manoel Vítor Sabino da Costa, được gọi là "Churrasco", đã nói về nhiều mối đe dọa mà ông phải đối mặt trong những năm gần đây.

Pereira và Phillips đã cố gắng gặp ông ngay trước khi họ bị giết. Pereira đã làm việc với dân làng ở đây, cố gắng hướng họ tránh xa nạn đánh bắt bất hợp pháp - nhiều loài trên sông phải tuân theo quy định nghiêm ngặt để quản lý trữ lượng, và người ta cấm đánh bắt cá trong lãnh thổ bản địa xa hơn ở thượng nguồn.

Miền Tây Amazon hoang dã: Vùng đất mang lại nguồn tiền khủng nhưng cuộc sống rẻ mạt - Ảnh 4.

Manoel Vítor Sabino da Costa, được biết đến với cái tên Churrasco. Ảnh: The Guardian.


Những ngành công nghiệp "béo bở"

Nhưng một con cá pirarucu, một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới, nặng tới hơn 100 kg, có thể được bán với giá 1.000 USD theo giá thị trường, trong khi một con rùa sông Amazon có thể được bán với giá 200 USD.

Người dân địa phương cho biết các hoạt động bất hợp pháp đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây.

Một người dân gần đây đã phát hiện một chiếc thuyền có ba người đàn ông mang theo súng ngắn, chất đầy cá đánh bắt bất hợp pháp.

Miền Tây Amazon hoang dã: Vùng đất mang lại nguồn tiền khủng nhưng cuộc sống rẻ mạt - Ảnh 5.

Một ngư dân mang theo một con cá pirarucu lớn - loài cá khổng lồ ở Amazon có thể bán với giá 1.000 USD mỗi con. Ảnh: AFP.


Theo một báo cáo của Univaja, những người đánh cá bất hợp pháp đã sử dụng những chiếc thuyền nhỏ để đi vào vùng đất của người bản địa dưới bóng tối bao phủ, và sau đó quay trở lại để giao sản phẩm đánh bắt của họ cho những chiếc thuyền lớn hơn đang đợi trên dòng sông chính.

Alexandre Saraiva, một cảnh sát liên bang cấp cao cho biết, ngành công nghiệp đánh bắt cá trái phép ở Thung lũng Javari đã trở nên béo bở như buôn bán ma túy và hoạt động dưới sự bảo trợ của tội phạm có tổ chức.

Saraiva từng là Thống đốc của bang Amazonas cho đến năm 2021, khi ông bị chính quyền Bolsonaro "gạt bỏ" sau khi dẫn đầu một cuộc điều tra liên quan đến việc cựu Bộ trưởng Môi trường Brazil Ricardo Salles khai thác gỗ trái phép trong rừng nhiệt đới.

Ông nói: "Chúng tôi đã dừng hàng chục chiếc thuyền chở cả ma túy và cá pirarucu ở Manaus, thủ phủ của bang Amazonas", đồng thời cho biết, trong một trường hợp, các sĩ quan của ông đã bắt được một chiếc thuyền chở 600 con rùa sông, với giá trị hơn 100.000 USD.

Ông giải thích: "Chi phí đánh bắt bất hợp pháp không tốn một đồng. Họ không cần phải tốn tiền cho cá ăn, chúng tương đối dễ đánh bắt và nhân công rẻ. Một ngư dân sẽ kiếm được khoảng 1.000 - 2.000 reais Brazil (khoảng 400 USD) cho cả tháng làm việc. Và công việc này liên quan đến rủi ro pháp lý ít hơn nhiều so với buôn bán ma túy".

Miền Tây Amazon hoang dã: Vùng đất mang lại nguồn tiền khủng nhưng cuộc sống rẻ mạt - Ảnh 6.

Một con cá pirarucu bị quân đội bắt giữ sau cuộc điều tra của cảnh sát liên bang khám nghiệm một chiếc tàu bị lực lượng đặc nhiệm bắt giữa tại Atalaia do Norte, Amazonas. Ảnh: AFP.


Khai thác gỗ là một hoạt động tội phạm béo bở khác. Saraiva đã mô tả trường hợp của một nhân vật tội phạm địa phương, Alcides Guizoni, người đã bị kết án 6 năm tù vì buôn lậu cocaine, và sau đó xoay trục các hoạt động của mình sang khai thác gỗ bất hợp pháp trong hơn 4 năm.

Lợi nhuận tiềm năng kiếm được ở Thung lũng Javari đã thu hút các tổ chức tội phạm trên khắp đất nước, bao gồm Gia đình Phương Bắc, Bộ Tư lệnh Đỏ và Bộ Tư lệnh Thủ đô Thứ nhất, 3 trong số các nhóm tội phạm có tổ chức lớn nhất Brazil - và một trùm ma túy địa phương hoạt động tại phía Peru của sông Javari, được gọi là "Colombia".

Một thảm kịch được báo trước

Khoảng trống trong quản lý đã khiến những người ủng hộ như Pereira và Univaja buộc phải thực hiện các hoạt động giám sát ngày càng nguy hiểm mà không có sự hỗ trợ của Chính phủ.

Sau khi Phillips và Pereira mất tích, Tổng thống Bolsonaro dường như đổ lỗi cho chính họ khi nói rằng hai người đã tham gia "một cuộc phiêu lưu không được khuyến khích".

"Dom Phillips không tham gia một 'cuộc phiêu lưu'. Anh ấy là một phóng viên chiến trường ghi lại một cuộc chiến tranh", Saraiva khẳng định.

Miền Tây Amazon hoang dã: Vùng đất mang lại nguồn tiền khủng nhưng cuộc sống rẻ mạt - Ảnh 7.

Một cuộc biểu tình bên ngoài văn phòng Funai ở Atalaia do Norte. Ảnh: The Guardian.


Saraiva lập luận rằng Chính phủ Brazil có quá đủ nguồn lực để chấm dứt tình trạng tội phạm gia tăng ở đây, trích dẫn kinh nghiệm của bản thân trong việc chống khai thác vàng bất hợp pháp trong lãnh thổ bản địa Yanomami bằng cách sử dụng quân đội nhằm vào cơ sở hạ tầng bất hợp pháp như tàu thuyền và thiết bị.

"Nhưng chính quyền Tổng thống Bolsonaro đã không làm điều đó vì thiếu ý chí chính trị", ông nhấn mạnh.

Đằng sau những cánh cửa đóng kín, một thủ lĩnh cấp cao của bộ lạc Kanamari kể về vấn đề buôn bán ma túy ngày càng gia tăng đã tàn phá cộng đồng của ông như thế nào.

Sông Javari đánh dấu biên giới giữa Brazil và Peru, nơi trồng coca - loại cây được sử dụng để làm cocaine đã tăng gần 20% trong năm qua, theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc. Các phòng thí nghiệm rừng rậm bên bờ sông Peru đã biến đổi trái phép coca thành cocaine và sau đó đưa chúng qua sông để lưu trữ trên vùng đất thổ dân được bảo vệ ở Brazil, nơi cảnh sát Peru không có quyền tài phán.

"Bằng cách đó sẽ không có ai tìm thấy được", ông nói.

Những kẻ buôn người cũng đã bắt đầu tuyển dụng những người đàn ông và trẻ em trai bản địa trẻ tuổi vào các hoạt động buôn bán ma túy.

Bị thu hút bởi các khoản tiền khủng vài trăm USD cho 1 tháng làm việc, hứa hẹn về quần áo và điện thoại di động, những người được tuyển dụng có thể phải đối mặt với sự hành quyết nếu họ cố gắng trốn thoát.

Miền Tây Amazon hoang dã: Vùng đất mang lại nguồn tiền khủng nhưng cuộc sống rẻ mạt - Ảnh 8.

Delcimar Tamakuri Magalhaes Kanamari - Trưởng nhóm bản địa và thành viên Univaja. Ảnh: The Guardian.


Nhiều cộng đồng bản địa tại Amazon bị đe dọa bởi những người da trắng đến đánh cá, những người khai thác gỗ từ Peru và những kẻ buôn người ở Colombia, đồng thời là mối đe dọa từ những người thợ săn và những người truyền đạo trong khu vực.

Nhà báo Phillips đã dành phần lớn sự nghiệp gần đây của mình để đưa tin về tình trạng bạo lực mà các cộng đồng bản địa ở đây phải trải qua, bao gồm cả vụ thảm sát một bộ tộc bị cô lập bởi những người khai thác vàng vào năm 2017.

Khi lễ tưởng niệm sự ra đi của hai người đàn ông kết thúc vào tuần trước, nhà nhân chủng học Almerio Alves Vadique đã phát biểu trước những bông hoa nhiệt đới màu cam.

"Đây là một thảm kịch được báo trước", ông nói với đám đông im lặng. "Hôm qua đó là Bruno và Dom. Nhưng ngày mai có thể là bất kỳ ai trong số những người ở đây".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại