Sau hạn hán sẽ có lũ lớn
Theo thống kê của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, trong khoảng hơn 20 năm qua, sau những đợt hạn hán thì thường xuyên xảy ra những đợt lũ lớn.
Cụ thể, đã xuất hiện 10 đợt hạn hán trên diện rộng trong các năm: 1993-1994, 1994-1995, 1995-1996, 1997-1998, 2001-2002, 2004-2005, 2006-2007, 2009-2010, 2015-2016 và 2019-2020.
Hình ảnh mưa lũ ở sông Hoàng Long năm 2017. Ảnh minh họa: Nghiêm Anh Hải.
Trong các năm kể trên, lũ lịch sử đã xuất hiện trên sông Đà năm 1996, sông Gianh, sông Thu Bồn năm 2007 và sông Hoàng Long năm 2017. Lũ lớn diện rộng trên nhiều sông đã xuất hiện trong các năm 1996, 2002, 2005, 2006, 2008, 2010, 2016, 2017, cho thấy mối liên hệ nhất định giữa các năm lũ lớn xuất hiện vào mùa lũ ngay sau năm có hạn hán nặng.
Đặc biệt, trong 15-20 năm qua, xuất hiện 4 đợt hạn nặng với chu kỳ lặp lại khoảng 5 năm và sau đó đều xuất hiện lũ lớn diện rộng: Năm 2006 (sau đợt hạn 2004-2005), xuất hiện tại Bình Định, đỉnh là 6/9 sông trên BĐ3.
Năm 2010 (sau đợt hạn 2009-2010), lũ lớn xuất hiện từ Nghệ An đến Ninh Thuận, đỉnh lũ 8/9 trong khu vực trên BĐ3; Năm 2016 (sau đợt hạn kỷ lục 2015-2016), xuất hiện lũ lớn diện rộng từ Quảng Bình đến Ninh Thuận, đỉnh lũ 6/9 trong khu vực trên BĐ3.
Theo nhận định chung tổng lượng mưa tháng có xu thể ở mức xấp xỉ và thấp hơn TBNN, tuy nhiên theo số liệu thực tế cho thấy mưa lớn trong một thời gian ngắn có tổng lượng thấp hơn tổng lượng mưa tháng đã gây nên những trận lũ lớn và đặc biệt lớn.
Ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia.
Ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia nhận định: “Với dấu hiệu thống kê như vậy, có cơ sở để nhận định về tính phức tạp theo hướng lũ lớn trên các hệ thống sông trong mùa lũ năm nay và năm 2021”.
Ngoài ra, trong thời gian qua do hạn hán nhiều tỉnh, thành ở Miền Trung và Nam Bộ đã triển khai đắp nhiều đập tạm nhằm nâng cao trình mực nước phục vụ lấy nước và ngăn mặn; các hồ chứa xung yếu chưa được gia cố (chủ yếu là các hồ nhỏ).
Nhận định lũ đầu nguồn sông Cửu Long không lớn, nhưng do các dòng sông, kênh rạch bị thu hẹp nhiều nên vận tốc dòng chảy sẽ tăng nguy cơ cao gây vỡ các đê, đập tạm này. “Do đó đề nghị các tỉnh, thành có kế hoạch dỡ bỏ các công trình đập tạm không kiên cố, gia cố các công trình đê, hồ chứa xung yếu trước mùa mưa lũ”, ông Khiêm đề nghị.
Theo ông Khiêm, mưa lũ ở Bắc Bộ tập trung trong tháng 9-10/2020, mùa mưa đến muộn và có khả năng kết thúc sớm. Ở Bắc miền Trung, mưa lớn có khả năng dồn dập vào giai đoạn cuối tháng 9 đến đầu tháng 11/2020. Miền Bắc có khả năng ít bão, nhưng miền Trung bão tập trung hơn vào nửa cuối năm.
Nửa cuối 2020 sẽ mưa nhiều, xuất hiện lũ lớn
Ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, nửa đầu năm 2020 cả nước có nắng nóng, nửa cuối năm khả năng cao sẽ có mưa nhiều và xuất hiện lũ lớn.
“Đáng chú ý, tại thời điểm này, miền Nam Trung Quốc đang lụt lớn. Theo quy luật, khi khu vực miền Nam Trung Quốc mưa lớn thì chỉ sau 1-2 tháng tại Việt Nam sẽ mưa rất to. Tại thời điểm này, các tỉnh miền núi phía Bắc, nhất là Hà Giang, Cao Bằng đang có đám mây lớn, có thể trong nay mai sẽ có lũ quét khu vực này”, ông Khiêm nhận định.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, mưa lớn tập trung nhiều vào giai đoạn cuối năm, tập trung ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ. Trong tháng 7/2020, tổng lượng mưa ở khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế thấp hơn từ 10-25%, khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận cao hơn từ 10-20% so với trung bình nhiều năm(TBNN).. Tháng 10 – 11/2020 khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình ở mức xấp xỉ TBNN, khu vực từ Quảng Trị đến Bình Thuận cao hơn từ 15 – 40%. Tháng 12/2020 ở Bắc và Trung Trung Bộ thấp hơn 15-30%, Nam Trung Bộ cao hơn từ 20-40%.
Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, từ tháng 7-9/2020, tổng lượng mưa (TLM) phổ biến ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ. Sang tháng 10, tháng 11, tháng 12/2020, TLM phổ biến cao hơn từ 15-30% so với TBNN; riêng khu vực Tây Nguyên tháng 11/2020 có TLM cao hơn từ 30-50% so với TBNN. Mùa mưa tại khu vực Tây Nguyên. Nam Bộ có thểt kết thúc muộn hơn trung bình.
Đỉnh lũ năm 2020, trên các sông Bắc Bộ phổ biến ở mức BĐ1-BĐ2, riêng trên sông Thao, sông Hoàng Long và các sông nhỏ từ BĐ2-BÐ3, hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội và hạ lưu sông Thái Bình ở mức dưới BĐ1. Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại khu vực vùng núi, đặc biệt khu vực Tây Bắc.
Đỉnh lũ năm 2020, tại hạ lưu các sông chính từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh ở mức BĐ1-BĐ2, xấp xỉ đỉnh lũ TBNN; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ2-BĐ3, một số sông trên BĐ3, tương đương đỉnh lũ TBNN. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.
Đỉnh lũ năm 2020, ở đầu nguồn sông Cửu Long trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc ở mức BĐ1-BĐ2, thấp hơn đỉnh lũ TBNN từ 0,2-0,4m. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào nửa cuối tháng 9/2020. /.