Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), mưa lũ những ngày qua đã làm hàng nghìn hồ chứa lớn, nhỏ ở miền Bắc và Bắc Trung bộ đầy nước. Theo đó, hiện toàn miền Bắc có gần 3.000 hồ chứa, trong đó, gần 2.700 hồ chứa nhỏ (dùng đập đất).
Ðến nay, đã có 7 hồ chứa lớn và trên 740 hồ chứa nhỏ đã đầy nước (Trong đó Hòa Bình gần 520 hồ, Lào Cai 77 hồ, Bắc Giang 70 hồ, Hà Giang 50 hồ...).
Khu vực này cũng có gần 140 hồ xung yếu nằm rải rác ở các tỉnh (nhiều nhất là Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Quảng Ninh...) có nguy cơ xảy ra sự cố cao khi mưa lớn.
Mưa lũ gây thiệt hại nghiêm trọng ở Lào Cai. Ảnh: TTXVN
Trong khi đó, ở các tỉnh Bắc Trung bộ, gần 1.030 hồ chứa loại nhỏ (Thanh Hóa 420 hồ, Nghệ An gần 510 hồ, Hà Tĩnh 142) và 46 hồ chứa lớn đã đầy nước đang bị cảnh báo.
Ngoài ra, khu vực này cũng có gần 100 hồ xung yếu, cần quan tâm đặc biệt, để hạn chế thiệt hại khi xảy ra sự cố.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Thủy lợi lo ngại về nguy cơ mất an toàn do hàng nghìn hồ đập đang đầy nước, nhiều diện tích cây trồng vẫn chưa được tiêu thoát hết, còn đang bị ngập lụt, úng, trong khi dự báo, miền Bắc sẽ có một đợt mưa lớn trên diện rộng, có thể kéo dài đến đầu tháng 8 tới.
Bởi, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ ngày 25-26/7 mưa lớn sẽ mở rộng ra toàn bộ khu vực vùng núi và trung du Bắc bộ, trọng tâm mưa to đến rất to tập trung ở các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu (50-150mm/ngày).
Từ ngày 27/7, mưa lớn có xu hướng mở rộng xuống các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và Thanh Hóa và có khả năng kéo dài đến đầu tháng 8.
Theo ông Tỉnh, các địa phương cần tranh thủ kỳ triều cường và mực nước sông đang xuống, vận hành tối đa công suất các công trình thủy lợi để tiêu úng và tiêu nước đệm trong hệ thống kênh mương xuống mức chủ động ứng phó với ảnh hưởng của đợt mưa tới.
Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai cũng yêu cầu các địa phương tăng cường bơm tiêu úng để hạn chế thiệt hại diện tích lúa, hoa màu, sẵn sàng kế hoạch phục hồi, tổ chức lại sản xuất phù hợp đối với diện tích bị mất trắng.
Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam ưu tiên đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho các trạm bơm tiêu úng.
Với các hồ chứa, ông Tỉnh cho biết, cần chủ động hạ thấp mực nước các hồ chứa có cửa van xuống mức chủ động đón mưa, lũ, bảo đảm an toàn công trình và không xả lũ bất thường làm ảnh hưởng đến vùng hạ du.
“Các địa phương theo dõi, kiểm tra hồ chứa nước, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ đang đầy nước, hồ chứa xung yếu, sẵn sàng triển khai việc xử lý giờ đầu khi có nguy cơ xảy ra sự cố công trình”- ông Tỉnh nói.
Thống kê nhanh từ các địa phương cho thấy, đến chiều 24/7, mưa lũ đã làm 34 người chết và mất tích, 26 người bị thương.
Trong đó, 27 người chết (Yên Bái 13 người, Sơn La 6 người, Lào Cai 1 người, Phú Thọ 3 người, Hòa Bình 1 người, Thanh Hóa 3 người), 7 người mất tích (Yên Bái 4 người, Phú Thọ 1 người, Thanh Hóa 2 người).
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Thủy lợi lo ngại về nguy cơ mất an toàn do hàng nghìn hồ đập đang đầy nước, nhiều diện tích cây trồng vẫn chưa được tiêu thoát hết, còn đang bị ngập lụt, úng, trong khi dự báo, miền Bắc sẽ có một đợt mưa lớn trên diện rộng, có thể kéo dài đến đầu tháng 8 tới.