Ngày 30/6/1998, Anh gặp Argentina ở một trong những trận cầu hay nhất lịch sử các kỳ World Cup. Một trận đấu có tất cả yếu tố tạo nên kịch tính cho một trận bóng đá: thẻ đỏ, ngã vờ, phạt đền, bàn thắng bị khước từ, sút luân lưu và siêu phẩm.
Người thực hiện siêu phẩm ấy là Michael Owen.
Để nói về siêu phẩm này, không thể không nói đến… Roberto Ayala.
Ayala ngày ấy 25 tuổi, đội phó của Argentina và là một trong những trung vệ hay nhất thế giới. Năm 2001, Ayala thậm chí còn được tôn vinh là hậu vệ hay nhất châu Âu. Nhưng ba năm trước đó, anh đã bị cậu nhóc con 18 tuổi Michael Owen làm cho bẽ mặt.
Trước khi gặp Anh, Argentina đang là đội chơi phòng ngự hay nhất giải. Họ có một Diego Simeone đầy khôn ngoan ở vị trí đánh chặn, một Carlos Roa bắt rất hay và một Javier Zanetti công thủ toàn diện ở cánh, cùng một Ayala là hòn đá tảng ở vị trí trung vệ. Họ không để lọt lưới một bàn nào suốt ba trận vòng bảng và cực kỳ tự tin khi đón tiếp Anh ở vòng 1/8.
Nhưng hàng thủ vững vàng ấy đã để lọt lưới hai bàn chỉ sau 16 phút đầu. Argentina là đội đi tiếp, nhưng Ayala không bao giờ muốn nhớ đến trận cầu ấy khi bị một cậu nhóc 18 tuổi làm cho bẽ mặt.
Đầu tiên là pha phạm lỗi dẫn đến tình huống phạt đền. Ayala chỉ vừa tiếp cận, Owen đã ngã lăn ra sân. Trọng tài chỉ ngay vào chấm 11 mét. Ayala sững sờ nhìn cậu nhóc láu cá đứng dậy và rời khỏi vòng cấm. Sau này Owen thừa nhận: anh đã cố tình chờ Ayala chạm vào mình để kiếm về một quả phạt đền.
Ayala còn chưa hoàn hồn, anh nhận thêm một cú sốc nữa chỉ sau đó 7 phút. Một mình Owen đánh bại hai trung vệ của Argentina trước khi sút quả bóng vào góc xa khung thành Carlos Roa.
Đường chuyền của David Beckham cho Owen thực chất là hơi hố. Nó đưa quả bóng ra sau lưng, thay vì trước mặt. Nhưng Owen đã biến bất lợi thành cơ hội. Cú ta lông đưa quả bóng lên phía trước. Từ chỗ đứng dưới Jose Chamot phải 5 mét, Owen thoát qua như một cơn lốc. Trước mặt là Ayala, trung vệ lừng lẫy. Bên cánh phải, Paul Scholes đang lao lên. Một đường chuyền cho Scholes và xâm nhập vòng cấm để đón đường chuyền ngược lại là điều mà đa số tiền đạo sẽ làm.
"Trong đầu tôi lúc ấy như vang lên tiếng hét: chạy đi, chạy đi, đừng chuyền", Owen tâm sự với nhà báo Henry Winter sau này. "Và tôi đã làm đúng như thế".
Owen chuyển hướng bóng sang phải, Ayala đã cố nhanh nhất có thể, nhưng Owen của "tuổi teen" quả thực quá nhanh cho bất kỳ trung vệ nào. Khoảng trống mở ra, Carlos Roa ngửi mùi nguy hiểm và lao ra, nhưng Owen đã tung cú sút căng vào góc xa. Từ lúc Owen ta lông chạm bóng đến khi bóng tung lưới chỉ có vỏn vẹn sáu giây. Một bàn thắng kinh điển, trong một trận cầu kinh điển.
Bàn thắng ấy chính thức biến Owen thành người hùng quốc gia. Và nó cũng ghim vào ký ức của người xem bóng đá.
Nói đến Owen, người ta buộc phải nhớ về nó, như cú volley của Zinedine Zidane ở chung kết Champions League 2002, như cú dốc bóng từ giữa sân của Ronaldo vượt qua hết các cầu thủ Compostela, như cú sút trái chuối của Roberto Carlos ở Tứ Hùng 1997, như pha độc diễn của Ryan Giggs vào lưới Arsenal bán kết Cúp FA, như cú bấm bóng của Eric Cantona vào lưới Sunderland ở Old Trafford.
Bàn thắng ấy cũng tóm gọn sự nghiệp của Owen: một sự nghiệp được xây trên tốc độ và sự lạnh lùng. Khi Owen đã vượt qua ai, người ấy chỉ còn thấy lưng của anh chứ chớ mong đuổi kịp. Và khi Owen dứt điểm, anh gần như không cần quan tâm thủ môn là ai. Anh từng nói: "Một thủ môn có thể làm gì khi tiền đạo sút vào góc chết?"
Bàn thắng ấy mở ra một sự nghiệp rất đáng nhớ của Owen tại đội tuyển Anh. Ba năm sau đó, tại Munich, Owen lập cú hattrick vào lưới đội tuyển Đức, trong chiến thắng 5-1 của Anh ở vòng loại World Cup 2002. Henry Winter, tác giả của quyển sách: "50 years of hurt: The Story of England football and why we never stop believing" sau này đã viết một câu kinh điển trên tờ The Times: "Cú hattrick ấy cũng vô tình đẩy Anh vào một cuộc hôn mê".
Vì sao lại nói như vậy? Vì Owen quá xuất sắc, nên đội tuyển Anh ngỡ như mình đã tìm được một lối chơi tối ưu: đó là chỉ cần rót quả bóng dài lên phía trên thì trung phong sẽ làm nốt phần còn lại.
Theo Winter, đây là lý do mà dù sở hữu những tiền vệ làm bóng thuộc hàng đẳng cấp thế giới như Steven Gerrard, Paul Scholes, Frank Lampard, suốt một thời gian dài người Anh không ngóc đầu lên nổi ở những giải đấu lớn, mãi cho đến khi Gareth Southgate thực hiện cách mạng tại World Cup 2018 vừa qua.
Winter không phải là cây bút hiếm hoi "đổ tội" cho Owen. Jonathan Wilson, một cây bút chuyên về chiến thuật, cũng chê lối chơi của Anh từ sau France 1998 trở nên quá nghèo nàn, với chỉ duy nhất một bài chuyền dài, trong bối cảnh các đội tuyển đều đã chuyển sang đá nhanh, nhỏ và tranh chấp từng tấc đất ở giữa sân.
Khi Owen tung cú nước rút 6 giây thần thánh trước hàng thủ Argentina, tất nhiên anh hoàn toàn không biết những điều ấy.
Anh không biết mình chuẩn bị bước vào một sự nghiệp lẫy lừng với đỉnh cao là Quả bóng vàng năm 20001, không biết mình sẽ trở thành một ngôi sao trong dải ngân hà của Real Madrid, không biết rồi số phận sẽ mang mình đến Man United và trở thành kẻ thù của chính những CĐV Liverpool từng yêu mến mình. Anh cũng không biết mình vô tình là tác nhân khiến lối chơi của Anh nghèo nàn hơn nhiều năm sau đó.
Khi mở tốc độ để vượt qua Chamot và đối diện với Aala, trong đầu anh chỉ vang lên mệnh lệnh của chính anh: chạy đi, đừng chuyền!