Cuối cùng Facebook đã chính thức chuyển sang một cái tên mới – Meta – chính thức định hình cho tầm nhìn hướng tới một siêu vũ trụ số (hay một metaverse) của CEO Mark Zuckerberg dành cho người khổng lồ mạng xã hội này.
"Chúng tôi tin rằng metaverse – hay siêu vũ trụ số - sẽ là sự kế thừa của internet di động, chúng ta sẽ có thể cảm thấy như gặp nhau ở hiện tại – giống như chúng ta đang ở ngay đây với mọi người – bất kể khoảng cách giữa chúng ta là bao xa." Nhưng Meta – công ty với cái tên mới – sẽ làm thế nào để đạt tới tương lai đó?
Được xem như một siêu vũ trụ số, metaverse là nơi thế giới kỹ thuật số và thế giới thực gặp nhau. Nó là không gian nơi các đại diện kỹ thuật số của mọi người – các avatar – tương tác tại nơi làm việc, vui chơi, gặp gỡ ở văn phòng làm việc, cùng đi tới một buổi hòa nhạc hoặc thậm chí thử quần áo.
Tại trung tâm của vũ trụ số là thực tế ảo, nơi thế giới kỹ thuật số mà bạn bước vào qua các thiết bị Oculus VR của Facebook – giờ có tên Meta Quest. Ngoài ra các thiết bị này cũng bao gồm cả thực tế tăng cường – nơi các vật thể kỹ thuật số tạo thành lớp phủ lên thế giới thực – tương tự như tựa game Pokemon Go hay gần đây là kính thông minh được tạo nên nhờ sự hợp tác giữa Ray-Ban và Facebook.
Không chỉ vậy, Meta còn có sẵn một phiên bản chuyên nghiệp hơn của metaverse, vốn đang trong quá trình phát triển: Horizon Workrooms, ứng dụng cho phép các nhân viên làm về thể thao của Oculus có thể bước vào văn phòng ảo và tổ chức các cuộc họp với nhau.
Minh chứng cho tiềm năng của tầm nhìn này, vào thứ Hai vừa qua, ông Nick Clegg, phó chủ tịch Facebook về các vấn đề toàn cầu, đã tổ chức các cuộc họp nhóm hoàn toàn trên trong các văn phòng metaverse với đầy các bảng trắng và bàn làm việc ảo.
Vào tháng trước, ông Clegg cho biết metaverse sẽ là một loạt các thế giới được liên kết với nhau, nơi người dùng có thể di chuyển liền mạch từ thế giới của Facebook sang các thế giới khác của Apple hay Google hay của một nhà phát hành game nào đó. Hai tuần trước, Facebook cũng thông báo kế hoạch tạo ra 10.000 việc làm mới ở Liên minh Châu Âu trong nỗ lực xây dựng metaverse này.
Thuật ngữ này được nhắc đến lần đầu trong Snow Crash, một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của tác giả người Mỹ, Neal Stephenson. Phần mô tả trên Amazon cho biết, nó được viết "trong những năm từ 1988 đến 1991 khi tác giả nghe thấy những bản nhạc ồn ào, không ngừng và trầm cảm."
Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết, Hiro là một hacker đồng thời là một người giao pizza cho băng nhóm mafia. Trong lần đầu tiên giải thích về thế giới ảo này, cuốn tiểu thuyết này cho biết. "Hiro hoàn toàn không có ở đây. Anh ta ở trong một vũ trụ do máy tính tạo ra với các hình ảnh được máy tính vẽ vào trong tròng mắt và đưa vào thông qua cặp tai nghe. Địa điểm tưởng tượng này còn được gọi là Metaverse. Hiro dành nhiều thời gian trong Metaverse."
Michael Abrash, nhà khoa học trưởng của hãng Oculus thuộc Facebook và là một nhân vật chủ chốt trong việc kinh doanh VR cho biết: "Tất cả mọi thứ đều bắt đầu từ Snow Crash."
Con số có thể lên đến hàng tỷ USD mỗi năm. Trong tuần này, công ty từng cho biết, việc đầu tư vào bộ phận Facebook Reality Labs – nơi công ty phát triển về AR và VR – sẽ làm giảm lợi nhuận hoạt động khoảng 10 tỷ USD trong năm 2021.
Đó là một số tiền khổng lồ, nhưng Facebook cũng kiếm được những khoản doanh thu lớn không kém với bộ phận kinh doanh cốt lõi nhằm thu thập dữ liệu người dùng và tính phí với các nhà quảng cáo khi họ muốn tiếp cận các dữ liệu đó để quảng cáo hướng mục tiêu. Với khoảng 2,8 tỷ người dùng mỗi ngày trên các ứng dụng khác như WhatsApp, Instagram, Messenger và chính Facebook, công ty thu được lợi nhuận ròng 29 tỷ USD vào năm ngoái. Chắc chắn họ có thể gánh vác được khoản đầu tư khổng lồ này.
Cũng tương tự như các mạng xã hội hiện nay, mối quan tâm lớn nhất bao trùm lên các siêu vũ trụ số này vẫn là quyền riêng tư và bảo mật cho người dùng – đặc biệt là khi đây có thể là nơi diễn ra hầu hết hoạt động của người dùng trong tương lai.
Ví dụ, nếu trên mạng xã hội, các nhà quảng cáo mới chỉ chạm được đến tên tuổi, giới tính của bạn, thì trong một thế giới ảo, họ còn có thể biết được ngôn ngữ cơ thể, phản ứng sinh lý của bạn, biết được bạn đang tương tác với ai và như thế nào.
Facebook thông báo đã dành ra một chương trình đầu tư trị giá khoảng 50 triệu USD để đảm bảo metaverse sẽ được xây dựng một cách có trách nhiệm, với việc ngân sách này sẽ được phân bổ cho các tổ chức và học viện nghiên cứu bao gồm Đại học Quốc gia Seoul và cộng đồng Women in Immersive Tech.
Hiện tại, thật khó tưởng tượng Facebook có thể ra mắt bất kỳ sản phẩm mới nào trong thời gian tới. Những tiết lộ và lời khai của nhân viên cũ Frances Haugen đang biến công ty trở thành mục tiêu nhắm đến của các chính trị gia, các nhà quản lý cũng như các nhóm vận động ở cả châu Âu và châu Mỹ.
Quả thật vào tháng trước, nhiều báo cáo cho biết Facebook đã phải tạm dừng phát triển một sản phẩm – Instagram Kids – do sự giận dữ trước những lời khai và tiết lộ của cô Haugen. Ngay cả trong một nghiên cứu riêng do công ty tự thực hiện, Facebook cũng cho thấy rõ ràng là họ gặp khó khăn trong việc kiềm chế cũng như ngăn chặn tác động nguy hại đối với sản phẩm của họ đến người dùng.
Ông Clegg từng nói rằng, sẽ phải mất đến 10 năm để xây dựng được metaverse. Liệu trong quá trình lâu dài đó, công ty có xoa dịu được các lo ngại từ công chúng, các cơ quan giám sát cũng như chính phủ về mình hay không?