Chương trình "60 phút mở" khiến người xem tranh luận khi nhà báo Tạ Bích Loan hỏi nhóm tình nguyện rằng: "Họ từ thiện vì ai, để giúp đỡ hay do muốn thể hiện, chứng tỏ bản thân?".
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chị Trần Mai Anh - mẹ nuôi của bé Thiện Nhân xung quanh vấn đề làm từ thiện.
Mệnh lệnh từ trái tim
PV: Xin chị có thể chia sẻ đôi điều về tâm trạng của chị ngày quyết định mang bé Thiện Nhân về nhà nuôi và chữa trị cho bé?
Chị Trần Mai Anh: Khi biết thông tin về bé Nhân, tôi nghĩ rằng, nếu như mình không đón bé Nhân về thì mình không thể có điều kiện chăm sóc bé được tốt nhất là chữa bệnh cho Nhân vì khoảng cách hai người quá xa. Thế nên phương án duy nhất đối với tôi lúc đó là mang cháu về nhà.
Hành động này bắt đầu tự sự thôi thúc của bản thân là phải chữa trị cho bé Thiện Nhân và tôi nghĩ rằng tôi có thể tìm cho cháu cách chữa bệnh chứ lúc đó mình cũng chưa nghĩ nhận Thiện Nhân làm con.
Lúc đó, tôi rất thương bé, thương đến mất ăn mất ngủ và nếu tôi không đón cháu về, tôi cảm thấy rất ám ảnh.
Tôi nghĩ mọi thứ là duyên số. Đến lúc này tôi mới thấy quyết định của tôi dạo trước là đúng đắn, còn lúc trước chỉ là thấy cần thì làm.
Và tôi cũng nghĩ rằng, nếu dựa vào lý trí thì lúc đó chắc tôi không làm được việc này vì tôi sẽ nghĩ ra nhiều thứ thiệt hơn và chưa chắc đã có can đảm để đón bé Thiện Nhân về nuôi.
Lúc đó, tôi nghĩ rằng nếu mình giúp hết sức, thì mình sẽ cải biến được cuộc đời cháu bé không ít thì nhiều. Bởi tôi tự tin cái tôi cho Thiện Nhân sẽ hơn cái bé đang có dù chỉ là rất nhỏ: bé được ăn no, mùa đông có áo ấm, không bị các bệnh nhiễm trùng đơn giản...
Chính vì quyết định ngày đó mà mình trở thành may mắn. Bởi vì mình có thêm một người con trai rất ngoan, rất tình cảm.
Nhiều lúc bé Thiện Nhân chính là chỗ dựa của đời tôi, bé rất đàn ông và bản lĩnh. Cũng chính bé Nhân giúp cho 2 người con của mình trở thành những người anh em yêu thương nhau bằng tình cảm dạt dào, không có ngăn cách.
PV: Có lẽ đó chính là cái được của chị...
Chị Trần Mai Anh: Đó chính là cái được của tôi. Vì có người con thông minh, bản lĩnh, tự chủ trong mọi việc như vậy là mơ ước của không ít người. Tôi thấy tôi may mắn vì được làm mẹ của cháu Thiện Nhân.
PV: Xuất phát từ đâu chị quyết định tăng cường các hoạt động từ thiện giúp đỡ các bé có hoàn cảnh không may mắn về cơ thể sau khi đã chăm sóc bé Thiện Nhân?
Chị Trần Mai Anh: Sau khi chữa trị cho Nhân xong, tôi có quen nhiều bác sỹ tại các nước. Sự may mắn đó đến từ những lần tôi đưa cháu Thiện Nhân đi chữa bệnh ở nước ngoài và cũng có sự góp mặt của các con tôi.
Các con tôi đã cùng với tôi chăm sóc bé Thiện Nhân, chúng vui chơi với nhau như anh em ruột thịt.
Và những hành động này cũng như việc tôi dù không phải là mẹ đẻ của Thiện Nhân nhưng hết sức giúp con đã khiến các bác sỹ ngạc nhiên và cảm động. Họ đã đối xử với chúng tôi với một tình cảm nhiều hơn là tình cảm của một bác sỹ đối với bệnh nhân.
Sau khi bé Nhân được chữa trị xong thì các bác sỹ muốn sang thăm Việt Nam - quê hương của Thiện Nhân.
Lúc ấy, tôi là một người mẹ có con chữa bệnh rồi thì tôi lại chia sẻ thông tin với những người mẹ khác có con tương tự như mình về thông tin bác sỹ sang Việt Nam, để nếu có thể thì nhờ các bác sỹ khám cho.
Trước đó, tôi cũng đã đánh tiếng với các bác sỹ về việc ở Việt Nam cũng có một số cháu bé như Nhân và mong muốn được khám và các bác sỹ đã đồng ý.
Tôi chỉ nghĩ như vậy thôi chứ không nghĩ đến việc mình sẽ làm một chương trình gì đó đâu. Việc này hoàn toàn giống như việc chia sẻ về kinh nghiệm làm cha, làm mẹ trên các diễn đàn thôi.
Điều tôi bất ngờ chính là việc không chỉ có 1-2 bà mẹ gửi hồ sơ đến mà có đến chục người. Lúc ấy, thực sự là mình choáng. Bây giờ con số hồ sơ đã lên đến một nghìn.
Phải nói thật là bây giờ mình "rơi" vào tình huống: Mình có kinh nghiệm, có thông tin vì đã chữa bệnh cho con trong nhiều năm, có quen biết các bác sỹ.
Và tôi cũng biết có hàng trăm, hàng nghìn những ông bố, bà mẹ khác không có thông tin, không có bác sỹ, cũng đang hàng ngày đau khổ, thậm chí là tuyệt vọng vì căn bệnh của con giống mình 10 năm trước.
Và đương nhiên, trong tình huống hội đủ các yếu tố như vậy, tôi bắt buộc phải tiếp tục cố gắng để kết nối. Sự bắt buộc ấy là tự bản thân tôi, đó là những mệnh lệnh từ lương tâm, từ trái tim mình.
"Tôi không nghĩ là mình đang làm từ thiện"
PV: Hiện dư luận đang có những suy nghĩ trái chiều về hoạt động từ thiện, thậm chí, có ý kiến cho rằng một số người hoạt động từ thiện chỉ là để khoe mẽ và thoả mãn sự ích kỷ cá nhân nào đó như là mong muốn sự nổi tiếng hay sự khen ngợi từ cộng đồng.
Nếu bị đánh giá như vậy, chị có cảm thấy buồn không và việc đó có ảnh hưởng đến các công việc từ thiện hiện nay của chị không?
Chị Trần Mai Anh: Thứ nhất, những việc tôi đã làm và chia sẻ như trên là những việc tôi thực sự mong muốn, đó là sự mách bảo từ con tim. Nếu tôi không làm việc đó thì tôi cảm thấy mình bị ám ảnh.
Vì thế, làm những việc đó, trước tiên là để cho bản thân tránh tự bị ám ảnh, cảm thấy nhẹ lòng hơn. Ngoài ra, những việc tôi làm còn có thể giúp đỡ được cho nhiều hoàn cảnh khác.
Tôi không nghĩ là mình đang làm từ thiện. Tôi chỉ nghĩ tôi đang là người mẹ, có con bị bệnh đã được chữa khỏi và tôi đang giúp những bà mẹ khác có con bị bệnh như thế. Và chúng ta vẫn giúp nhau như thế trong cuộc đời này...
Có thể công việc tôi giúp hơi đặc thù hơn một chút là các bệnh về bộ phận sinh dục nam và nữ. Còn có các ông bố bà mẹ khác đang giúp nhau như bệnh đơn giản hơn như trẻ bị sổ mũi, bị ho, viêm phế quản...
Trong những năm vừa qua, tôi đã chứng kiến nhiều cháu bé sau một ca phẫu thuật đã quay trở lại cuộc sống của một người hoàn toàn bình thường. Những lúc như vậy, tôi cảm thấy hạnh phúc, việc làm của mình có ý nghĩa.
Dù việc làm của tôi có bị ai đó hiểu lầm hay đánh đồng với những hành động của người khác, tôi cũng không bị ảnh hưởng, tôi vẫn sẽ tiếp tục hành trình mình đang muốn đi, công việc của mình muốn làm, và nếu việc muốn làm đó của tôi có lại có thể mang lại hạnh phúc cho nhiều người hơn, thì đúng là tôi may mắn quá.
PV: Vậy nếu được hỏi chị làm từ thiện để làm gì, chị sẽ trả lời như thế nào?
Chị Trần Mai Anh: Tôi sẽ trả lời là để tôi không còn bị day dứt, ám ảnh những trường hợp bị bệnh tương tự như con tôi.
Tôi thấu hiểu một đứa bé có bệnh như thế và người mẹ có đứa con như vậy ra sao. Và chính vì thế mình mới chia sẻ để làm cho những bà mẹ và những đứa con bị bệnh như con mình cũng được như con mình.
Khi tôi nhận bé Nhân về và đi chữa trị cho cháu, tôi đã nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người. Và như một lẽ tất nhiên, không ai chỉ nhận mà không cho đi, tôi nghĩ mình cần phải giúp đỡ người khác.
PV: Khi làm những việc từ thiện như vậy, chị nghĩ mình được nhiều hơn hay người được làm từ thiện được nhiều hơn?
Chị Trần Mai Anh: Sự so sánh như vậy thì không định giá được. Khi tôi đã làm việc gì đó với mong muốn thật tâm của mình, tôi sẽ làm hết khả năng.
Khi đã làm hết sức có thể và mình hiểu với những nỗ lực, cố gắng ấy (trong khả năng của mình), cái mà người bên kia được nhận cũng là cái điều tốt nhất mà mình có thể mang đến cho họ nên tôi không áy náy, phân vân để nghĩ lại nữa.
Vậy là, con số mà tôi đạt được ở đây chính là 100% vì mong muốn của mình đã đạt được.
Còn người bên kia, ngoài sự giúp đỡ của mình, họ còn có thể nhận được sự giúp đỡ lớn hơn từ người khác nữa (mỗi người một khả năng) nên sự giúp đỡ của mình đối với họ chưa chắc đã được 100% mong muốn của họ. Vì thế, nếu so sánh thì tôi được nhiều hơn.
PV: Trong mắt mọi người, chị đang đứng ở vị trí "người cho". Vậy, đã bao giờ chị đặt mình dưới góc độ "người nhận" chưa?
Chị Trần Mai Anh: Tôi đã được đóng vai trò của người nhận. Chính vì thế với bản thân tôi, tôi mong muốn cái mình được nhận đúng như cái mình mong muốn.
Nên chính vì vậy khi trao tặng ai, cho ai cái gì kể cả tình cảm thì cũng nên trao cho họ cái họ thiếu, họ cần. Nếu mình chỉ làm việc để thoả mãn bản thân thì đôi khi sẽ có sự vênh nhau.
Tôi có thể lấy ví dụ về chính bé Thiện Nhân. Rất nhiều người khi gặp bé Nhân và yêu quý cháu thì có mong muốn chụp ảnh với cháu để làm kỷ niệm. Mong muốn này không sai vì có yêu quý thì mới muốn chụp ảnh cùng.
Nhưng bé Nhân lại là một bé trai, thích chạy nhảy, không thích biểu diễn vì mỗi người có một nội tâm khác nhau. Cháu là người đã trải qua những nỗi đau cả về tinh thần lẫn thể xác nên những suy nghĩ, những mong muốn của Nhân rất mạnh mẽ, sâu sắc so với lứa tuổi.
Vì vậy, Nhân có thích chụp ảnh với người vừa mới quen trên đường, nhưng giữa một đám đông những người xa lạ thì cháu không thích.
Chính vì thế, tôi mới nói rằng, tình yêu trao cho nhau đôi lúc cũng không khớp. Và những trách cứ cháu Thiện Nhân lạnh lùng, không thân thiện vì không thích chụp ảnh cùng người khác là không chính xác.
Tôi nghĩ rằng, trong các trường hợp cho và nhận khác cũng tương tự. Một người thích ăn các món sống mà cố mời những người không ăn được đồ sống ăn chỉ vì yêu thương nhau thì trong trường hợp này, sự cho và nhận cũng không khớp nhau, thậm chí, ảnh hưởng tiêu cực lẫn nhau.
Xin cám ơn chị.