Mạng xã hội là nơi chúng ta chia sẻ, giao lưu và kết bạn với mọi người. Nhờ có mạng xã hội, cuộc sống trở nên thú vị hơn, gắn kết hơn, bởi dù không thể gặp mặt được nhau nhưng ta vẫn có thể hỏi thăm, trò chuyện đối phương. Tuy nhiên, việc lạm dụng mạng xã hội quá mức, cái gì cũng đăng có thể khiến cuộc sống của bạn gặp phiền toái.
Đặc biệt, việc đăng ảnh, thông tin cá nhân của trẻ nhỏ lên mạng xã hội có thể gây ra những nguy hiểm không ngờ. Chẳng hạn như 3 trường hợp xảy ra ở Trung Quốc dưới đây:
- Năm 2018, cô Hà sống ở thành phố Tô Châu nhận được cuộc gọi từ một người đàn ông lạ, nói rằng con trai cô sắp bị bắt cóc rồi đấy. Nghĩ rằng đây là trò đùa nên cô Hà không để tâm cho lắm. Tuy nhiên 3 ngày sau, khi đi bảo dưỡng xe, cô Hà phát hiện có người lắp thiết bị định vị vào gầm xe của mình. Quá sợ hãi, cô đã báo cảnh sát.
Sau khi tiến hành điều tra, cảnh sát đã nhanh chóng bắt giữ gã Hồ, bạn tiểu học của cô Hà. Đáng chú ý, gã Hồ là người bạn mà rất lâu rồi cô Hà không liên lạc. Vậy tại sao một người bạn từ thuở xa lơ, xa lắc lại nhắm đến con trai cô Hà?
Đó là bởi trên Weibo (mạng xã hội của Trung Quốc), cô Hà thường xuyên đăng ảnh khoe con trai và ngôi nhà sang trọng của gia đình. Đồng thời cô cũng đăng cả ảnh ngôi trường con đang theo học.
Con trai cô Hà suýt bị bắt cóc vì sự bất cẩn của mẹ. (Ảnh minh họa)
Gã Hồ hiện đang túng quẫn, nợ nần chồng chất nên đã theo những gì cô Hà đăng tải, lén đến nhà và trường của cô để theo dõi 2 mẹ con. Thông qua định vị và những hình ảnh cô Hà, gã Hồ và đồng bọn đã thu được một lượng lớn thông tin. Cũng may là cô Hà đi bảo dưỡng xe và phát hiện ra thiết bị định vị. Nếu không, hậu quả sẽ không thể lường trước được!
Thực tế, cô Hà không phải trường hợp đầu tiên bị kẻ xấu nhắm đến vì hay đăng ảnh con trên mạng xã hội.
- Vào tháng 3 năm 2019, anh Lý ở Thượng Hải, từng nhận được một bức thư đe dọa, trong đó mô tả rõ quá trình trưởng thành, hoàn cảnh gia đình và thói quen sinh hoạt của con gái ông Lý. Kẻ gửi thư đã tống tiền anh Lý 1,7 triệu Nhân dân tệ.
Sau khi cảnh sát điều tra vụ việc rõ ràng, họ phát hiện ra rằng tên tội phạm đã gửi "thư đe dọa" là một người bạn trên WeChat của anh Lý.
Hóa ra anh Lý thường xuyên đăng những thông tin cơ bản của các thành viên trong gia đình lên mạng xã hội. Sau khi thấy gia đình anh Lý khá giả, kẻ xấu nảy sinh ý định tống tiền, viết thư đe dọa.
- Hay trường hợp khác, một bà mẹ có con gái làm mẫu nhí thường xuyên chia sẻ địa chỉ thanh lý và ký gửi của con gái lên mạng xã hội. Vài tháng sau, người mẹ đột nhiên nhận được rất nhiều tin nhắn riêng khó coi.
Hóa ra, những bức ảnh mà chị đăng lên mạng đã lọt vào "mắt xanh" của những kẻ ấu dâm. Chúng đã mua lại những món đồ của con gái chị và làm những hành động biến thái.
Trên đây chỉ là 3 trong số rất nhiều trường hợp đã xảy ra, do sự bất cẩn của cha mẹ trong việc đăng tải hình ảnh, thông tin cá nhân của con cái lên mạng xã hội.
Thực ra, trong mắt cha mẹ, việc đăng tải hình ảnh con cái, cuộc sống bình thường hàng ngày không có gì là ghê gớm. Nhưng trong mắt những kẻ xấu, đó lại chính là "tư liệu quý giá" để chúng thực hiện hành vi tội ác. Bởi thông qua những bức ảnh trên mạng xã hội, tội phạm có thể dần tìm ra những thông tin cơ bản và nắm vững thói quen hành vi của trẻ.
Chính vì vậy, cha mẹ cần có ý thức bảo vệ quyền riêng tư của bản thân và con cái, lưu ý không đăng hoặc hạn chế đăng những điều sau lên mạng xã hội, cụ thể là: Thông tin vị trí (nhà, trường học, những nơi thường lui đến), hoàn cảnh gia đình, ảnh chính diện của con cái. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên tắt một số chức năng của mạng xã hội, chẳng hạn như chức năng cho phép ứng dụng theo dõi vị trí người dùng,...
Nguồn: Sohu