Mẹ muốn thừa kế… tinh trùng của con

HOÀNG YẾN |

Người chết có gửi lại tinh trùng trong bệnh viện, vậy đó có phải là di sản hay không? Mẹ anh ấy có quyền sử dụng nó để cùng con dâu chưa hôn thú thụ tinh trong ống nghiệm?

Bà Vòng Ngọc Huyền (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) có người con trai đã qua đời. Trước khi mất, người con này có gửi tinh trùng của anh ấy trong bệnh viện.

Bây giờ, bà muốn lấy tinh trùng để thụ tinh trong ống nghiệm với vợ (chưa đăng ký kết hôn) của người con ấy. Vậy theo pháp luật hiện hành, bà Huyền có thực hiện được mong muốn ấy?

Kịp gửi tinh trùng trước lúc đi xa

Bà Huyền cho biết Trần Đình Tuấn (SN 1996) là con trai độc nhất của bà. Mọi hy vọng, lẽ sống của bà đều dồn hết vào anh Tuấn.

Không may anh Tuấn bị bệnh hiểm nghèo. Khi phát hiện, các bác sĩ đưa ra lời khuyên anh nên đem gửi tinh trùng tại BV Từ Dũ vào cuối năm 2014 đầu 2015 trước khi tiến hành điều trị.

Nghe lời bác sĩ, mẹ con bà đã qua BV Từ Dũ làm thủ tục để gửi ba mẫu tinh trùng của Tuấn.

Bệnh tình ổn định, tháng 10-2016, Tuấn tổ chức đám cưới với chị VTBD tại một nhà hàng quận 10 trong sự chúc phúc của bà con thân tộc, láng giềng.

Bà Huyền tưởng từ nay có thể yên tâm vui vầy bên con trai, con dâu và chờ đợi ngày được đón cháu nội để vui hưởng tuổi già. Nhưng hạnh phúc chưa được tày gang, bà và con nhận hung tin anh Tuấn trở bệnh.

Việc đăng ký kết hôn cho anh Tuấn còn chưa kịp làm, lúc này cả nhà tập trung chữa bệnh cho Tuấn. Sau đó thì không hề có phép màu như cổ tích, anh Tuấn đã qua đời vào tháng 6-2017 khi chưa kịp để lại “giọt máu” nối dõi nào.

Sau này, niềm hy vọng chợt lóe khi bà và con dâu nhớ đến việc anh Tuấn đã gửi mẫu tinh trùng tại BV Từ Dũ. Các mẫu tinh trùng này hiện đang được lưu trữ tại khoa Hiếm muộn của bệnh viện.

Tinh trùng có phải là di sản thừa kế?

Liên hệ bệnh viện , bà Huyền và con dâu được hướng dẫn phải đi xác nhận mối quan hệ giữa anh Tuấn và chị D. Mẹ chồng, con dâu đã đi khắp nơi để xin xác nhận.

Rất nhiều người đã xác nhận anh Tuấn và chị D. đã tổ chức đám cưới như đã nêu gồm có tổ trưởng dân phố, trưởng ban điều hành khu phố, phó chủ tịch UBND phường…

Từ đó, gia đình bà gửi đơn xin BV Từ Dũ xem xét, giải quyết cho con dâu D. được sử dụng tinh trùng của anh Tuấn để làm thụ tinh trong ống nghiệm.

Tuy nhiên, BV Từ Dũ không đồng tình vì cho rằng chị D. và cả bà Huyền không có quyền theo pháp luật hiện hành.

Không bỏ cuộc, bà có đơn gửi lại bệnh viện xem xét ở một góc nhìn khác về pháp luật thừa kế để giải quyết.

Cụ thể, sau khi tham khảo ý kiến luật sư, bà cho rằng với tư cách là mẹ ruột, là người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của anh Tuấn, bà được quyền yêu cầu BV Từ Dũ trao lại cho bà ba mẫu tinh trùng của con trai để bà “hưởng thừa kế” vì đây là di sản do con bà để lại.

Cũng theo bà, công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm. Không có quy định pháp luật nào cấm công dân để lại di sản là tinh trùng, cũng không có quy định pháp luật nào cấm xem tinh trùng gửi giữ tại cơ sở khám chữa bệnh là di sản.

“Và điều tôi đang yêu cầu BV Từ Dũ giải quyết theo đơn này hoàn toàn không phạm phải điều cấm của pháp luật” - bà Huyền nói.

Mới đây, BV Từ Dũ lại lần nữa phúc đáp lại kiến nghị của bà Huyền. Bệnh viện nêu quan điểm: Việc xác định tinh trùng là tài sản và có được thừa kế hay không thì không thuộc thẩm quyền giải quyết của bệnh viện.

Việc yêu cầu được nhận thừa kế bà Huyền nên liên hệ các phòng công chứng thực hiện theo quy định pháp luật.

Bà Huyền đã liên hệ Phòng Công chứng số 1 tại TP.HCM và được cho biết vấn đề này còn rất mới nên sẽ xin ý kiến các cơ quan liên quan trên tinh thần giải quyết đúng Luật Công chứng và cả phù hợp với vấn đề nhân đạo.

Chị D. nói mình tự nguyện

Trao đổi với phóng viên, chị D. cho biết bản thân chị suốt thời gian qua sát cánh với bà Huyền mong được mang thai sinh cháu cho bà.

Chị rất hy vọng được bệnh viện chấp nhận cho thụ tinh với tinh trùng của chồng mình, dù chị và anh Tuấn chưa kịp đăng ký kết hôn nhưng đã có thời gian dài chung sống và yêu thương nhau thực lòng…

Vẫn còn tranh cãi

Vấn đề pháp lý gây tranh cãi trong trường hợp này là tinh trùng có được coi là tài sản và được thừa kế hay không.

Theo quan điểm của luật sư bà Huyền, khoản 1 Điều 105 BLDS 2015, “tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Khái niệm vật được hiểu là đối tượng của thế giới vật chất, bao gồm động vật, thực vật và tồn tại ở mọi trạng thái (rắn, lỏng, khí).

Vật tồn tại một cách khách quan mà con người có thể cảm nhận được bằng giác quan của mình. Nói dễ hiểu, vật là thứ mà con người có thể nhìn thấy được, nếm ngửi được, cầm nắm được, sờ mó được...

Theo đó, tinh trùng thỏa mãn đủ các dấu hiệu của vật và được xác định là tài sản theo khoản 1 Điều 105 BLDS 2015.

Và theo Điều 612 BLDS 2015, “di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”. Tinh trùng là tài sản nên khi người để lại tinh trùng qua đời thì nó trở thành di sản .

Đồng thời, theo BLDS 2015 (cũng như pháp luật dân sự từ ngày lập pháp đến nay), di sản được để lại cho người thừa kế theo hai hình thức: Theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 650 BLDS 2015, nếu người chết không để lại di chúc thì di sản của họ được chia thừa kế theo pháp luật, theo thứ tự hàng thừa kế. Anh Tuấn có ba mẫu tinh trùng gửi tại BV Từ Dũ.

Nay anh Tuấn chết không để lại di chúc nên ba mẫu tinh trùng này trở thành di sản, thuộc quyền thừa kế của những người thừa kế theo pháp luật của anh. Và người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của anh Tuấn chính là bà Huyền, mẹ ruột của anh.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến còn băn khoăn về lập luận khá mới mẻ này. Một thẩm phán của Tòa Dân sự TAND TP.HCM (xin không nêu tên) cho rằng tinh trùng không thể là di sản để được thừa kế mà nó gắn liền với quyền nhân thân của mỗi người.

Chỉ người đó mới có quyền quyết định việc sử dụng, khi họ chết coi như chấm dứt. Theo ông, nếu gọi tinh trùng là di sản để lại thì không ổn, vì khi đó giao dịch dân sự liên quan sẽ trái thuần phong mỹ tục theo luật Việt Nam.

Chỉ có vợ hợp pháp mới có quyền sử dụng?

Chỉ có vợ hợp pháp mới có quyền duy trì, sử dụng tinh trùng của người chồng đã gửi. Chị D. chưa đăng ký kết hôn với anh Tuấn theo đúng pháp luật hiện hành nên không được xem là vợ chồng.

Ở trường hợp này, chị D. không có đơn đề nghị và cũng không phải là vợ hợp pháp nên không có quyền sử dụng tinh trùng đã gửi để làm thụ tinh trong ống nghiệm.

Bà Huyền là mẹ của anh Tuấn (có đơn đề nghị được sử dụng tinh trùng của anh Tuấn để làm thụ tinh trong ống nghiệm với chị D.) không phải là người có quyền theo quy định của pháp luật hiện hành. Do vậy, BV Từ Dũ không thể thực hiện theo đơn kiến nghị và nguyện vọng của bà Huyền.

(Trích trả lời của BV Từ Dũ gửi bà Huyền)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại