Ngày 3/10, bà Hồ Mai Phương (57 tuổi, mẹ ruột của hoa hậu Phương Nga) đã gửi đơn khiếu nại đến Văn phòng Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao… để yêu cầu thay đổi cơ quan điều tra vụ án của hoa hậu Trương Hồ Phương Nga (29 tuổi, ngụ Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Khiếu nại Cơ quan CSĐT chưa khách quan
Trong đơn khiếu nại, bà Phương cho rằng, cơ quan điều tra và điều tra viên đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền bào chữa của bị can, bị cáo mà pháp luật đã quy định đối với hoa hậu Phương Nga.
"Ngay từ đầu vụ án, khi con tôi bị bắt tạm giam, mặc dù Phương Nga đã liên tục yêu cầu, đề nghị luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch là luật sư bào chữa cho mình, nhưng cơ quan CSĐT Công an TPHCM và điều tra viên (ĐTV) không chấp nhận, mà không nói lý do vì sao", bà Phương nói.
Về việc này, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch - Đoàn Luật sư TPHCM cho biết: "Tôi có nộp thủ tục đề nghị Cơ quan CSĐT cấp giấy chứng nhận bào chữa cho hoa hậu Phương Nga nhưng Cơ quan CSĐT đã từ chối đề nghị của tôi. Vì vậy tôi cũng không đủ tư cách để gặp hoa hậu Phương Nga, cũng như có mặt ở các buổi làm việc giữa hoa hậu Phương Nga và ĐTV."
Trong đơn khiếu nại, bà Phương cũng đặt ra câu hỏi là vì sao bị cáo Nguyễn Đức Thùy Dung được quyền có luật sư bào chữa tham gia ngay từ ban đầu, mà hoa hậu Phương Nga lại gặp khó khăn khi yêu cầu luật sư bào chữa cho riêng mình, mặc dù cả hai người đều bị khởi tố và bị bắt tạm giam như nhau?
Đơn khiếu nại của bà Phương đã gửi cho 12 cơ quan Nhà nước.
Bà Phương nói:"Con tôi đã không tin và không khai bất cứ điều gì với cơ quan CSĐT trong thời gian bị bắt tạm giam, mà đợi đến ngày mở phiên tòa sơ thẩm vừa qua (21/9/2016) mới nói toàn bộ mảng tối của vụ án. Cô Dung cũng phản cung ngay từ câu hỏi đầu tiên của hội đồng xét xử. Và tòa đã trả lại hồ sơ yêu cầu cơ quan điều tra phải điều tra bổ sung".
"Tôi không thể tin tưởng vào Cơ quan CSĐT và ĐTV hiện tại, nên tôi làm đơn khiếu nại này yêu cầu cơ quan Nhà nước các cấp xem xét không giao vụ án cho PC45 Công an TPHCM tiếp tục thụ lý vụ án nữa.
Tôi mong rằng vụ án được giao cho cơ quan điều tra khác cùng cấp hoặc rút về C45 thụ lý, giải quyết để đảm bảo tính thận trọng, khách quan, toàn diện, tạo niềm tin để Phương Nga hợp tác khai báo nhằm làm rõ toàn bộ bản chất thật sự của vụ án", bà Phương nói thêm.
Yêu cầu thay đổi Cơ quan CSĐT hiện tại của bà Phương.
Luật sư: Nhiều tình tiết quan trọng cần làm rõ
Trong đơn kiến nghị yêu cầu điều tra làm rõ vụ án, luật sư Nguyễn Văn Dũ (luật sư của hoa hậu Phương Nga) – Đoàn Luật sư TPHCM, cho rằng vụ án này còn nhiều tình tiết rất quan trọng chưa được làm rõ.
Theo luật sư Dũ, trong quá trình bị tạm giam chờ xét xử, Phương Nga cho luật sư Dũ biết Nga và ông Mỹ đã nhiều lần ăn, ở chung tại các khách sạn, resort trong nước và nước ngoài.
Chứng minh lời khai trên của Phương Nga, luật sư dẫn chứng tài liệu trong hồ sơ vụ án thể hiện từ ngày 28/5/2012 đến ngày 21/11/2013, hai người đã xuất cảnh 17 lần cùng ngày bay, giờ bay, cùng sân bay.
Luật sư Dũ đề nghị Cơ quan CSĐT yêu cầu Cục Quản lý xuất nhập cảnh phải cung cấp số hiệu chuyến bay, hãng máy bay, loại ghế, số ghế, nơi đến của hoa hậu Phương Nga và ông Cao Toàn Mỹ.
Bởi vì đây là cơ sở để chứng minh mối quan hệ tình cảm giữa hai người là có thật chứ không phải mối quan hệ bình thường, không có gì đặc biệt như kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT ngày 16/2/2016 và cáo trạng ngày 10/3/2016 của VKSND TPHCM.
Thống kê 17 chuyến bay trong đơn kiến nghị của luật sư Nguyễn Văn Dũ.
Luật sư Dũ cũng cho rằng, trong phiên tòa vừa qua (21/9) hoa hậu Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung đã khai ông Mỹ và Phương Nga có lập một hợp đồng tình cảm, tình dục hoặc thỏa thuận tình cảm thông qua một hộp thư điện tử (gmail).
Nội dung của hợp đồng là ông Mỹ chu cấp tiền cho Phương Nga và cô chấp nhận sống như vợ chồng với ông Mỹ theo thời gian 7 năm.
Luật sư Dũ kiến nghị cơ quan CSĐT cần điều tra làm rõ hợp đồng này, vì Thùy Dung xác định đã đọc được hợp đồng thông qua địa chỉ gmail mà cô cung cấp. Luật sư Dũ cũng nhấn mạnh, hợp đồng này là chứng cứ quan trọng để xác định mối quan hệ của ông Mỹ và hoa hậu Phương Nga.
Nếu như email có nội dung hợp đồng đã bị xóa thì cần phục hồi thông qua việc đề nghị Công ty Google (quản lý gmail) giúp đỡ truy lục, phục hồi và cung cấp.
"Ngoài hai nội dung trên có liên quan đến bản chất mối quan hệ của bị cáo Nga và ông Mỹ - liên quan hữu cơ, biện chứng với bản chất số tiền ông Mỹ chuyển cho bị cáo Nga - liên quan đến việc có tội phạm lừa đảo hay không, còn có nhiều nội dung khác chưa được làm sáng tỏ, cũng cần điều tra thận trọng trước khi xét xử.
Vì vậy tôi kiến nghị đến quý vị xem xét, yêu cầu cơ quan CSĐT làm rõ", Luật sư Dũ thể hiện quan điểm trong đơn kiến nghị.