Những người mẹ thường hay tự nhủ rằng "Tôi yêu con vô điều kiện", thế nhưng đôi khi vẫn mắng con "Con mà không ngoan là mẹ không yêu đâu", "Con mà học dốt thì mẹ không chơi với con nữa"... Những câu nói vô tình như thế khiến tình yêu thương trở nên "có điều kiện". Điều kiện ở đây là con phải ngoan, phải nghe lời...
Có bao giờ bạn tò mò về chuyện trong lòng con mình là một người mẹ như thế nào? Đó cũng là điều mà chị Linh (30 tuổi, sống tại Hà Nội) muốn gửi gắm qua câu chuyện nhỏ dưới đây.
Chọn con ngoan hay con hạnh phúc?
"Chiều đi làm về thấy con trai có bạn đến chơi nhà, hai bạn chơi lego rồi tưởng tượng ra nhiều kịch bản vui vẻ. Mẹ ngồi bàn gọt hoa quả để xay sinh tố cho hai bạn thì khá bất ngờ khi Tee gọi mẹ.
Tee: Mẹ ơi, bạn hỏi con là mẹ cậu có yêu cậu không?
Mình bảo con thấy sao con cứ trả lời bạn như vậy thôi mà.
Tee: Mẹ tớ rất yêu tớ vì tớ cảm nhận được thế.
Bạn Tee: Mẹ tớ cũng yêu tớ, nhưng tớ phải được 9 điểm tiếng Anh cơ.
Tee: Tớ điểm kém mẹ tớ vẫn yêu tớ, điểm cao hay điểm thấp mẹ tớ vẫn yêu tớ, điểm kém 4 điểm mẹ vẫn yêu.
Mẹ khá bất ngờ vì con trả lời với bạn như vậy. Trong lòng khá nhiều băn khoăn về yêu con như thế nào cho đúng".
Chia sẻ thêm về câu chuyện của mình, chị Linh tâm sự cảm thấy rất bất ngờ xen lẫn hạnh phúc khi biết con đã nghĩ về mẹ như thế.
"Mỗi gia đình lại có một quan điểm dạy con riêng. Với bản thân hai vợ chồng mình, chúng mình mong con trở thành một người hạnh phúc hơn là một người thành công vượt trội. Quan trọng là bố mẹ tôn trọng, yêu thương và chấp nhận cá tính của con.
Mình sẽ không lấy việc con giỏi tính toán, giỏi tiếng Anh, giỏi gì đó ra để đánh giá con kém hay giỏi vì đâu cần một đứa con thật giỏi để là hình ảnh đẹp đáng tự hào cho cha mẹ.
Khi con giận dỗi, bực dọc, mình cũng chấp nhận cho con thể hiện thái độ như vậy vì hiểu rằng con không cần phải là một đứa trẻ vì sợ mà răm rắp nghe lời. Mà điều mình mong muốn con có thể tự xử lý cảm xúc, những cảm xúc tiêu cực chính là để con học cách trưởng thành hơn.
Mình từng mất ngủ cả đêm khi con nói dù mẹ có tức giận con, mắng con thì con vẫn yêu mẹ. Mình đã từng được học về tình yêu vô điều kiện nhưng chính con mới là người đem lại chứng ngộ cho mẹ về bài học đó", bà mẹ trẻ tâm sự.
Và sau cùng, chị Linh nhắn gửi tới con trai: "Mẹ nói với ba rằng giờ ra ngoài có quá nhiều tiêu chuẩn áp đặt lên con. Cần quá nhiều điều kiện để con được yêu thương... còn chấp nhận được con chỉ có ba mẹ thôi, vậy nên nếu điều con làm không gây hại cho con, không gây hại cho người khác thì hãy đừng khắt khe quá.
Để chọn giữa một đứa CON NGOAN và một đứa CON HẠNH PHÚC thì mẹ sẽ chọn làm cho con hạnh phúc. Và mẹ hiểu rằng, để làm được như vậy chính mẹ cũng cần phải dũng cảm, không để cho những định kiến kéo mẹ ra khỏi con đường mẹ đã chọn.
Mẹ không dám chắc rằng mẹ sẽ không cáu gắt, tức giận với con. Vì mẹ cũng chỉ là đang trên đường học những bài học của riêng mẹ, học cách để yêu thương, chấp nhận một người đúng như họ là. Và con, chính là một người thầy trên hành trình đó của mẹ. Yêu con".
Làm thế nào để con trở thành một em bé thực sự hạnh phúc?
- Đừng cố gắng trở thành những bậc cha mẹ hoàn hảo: Đôi khi chính người lớn đặt ra những mục tiêu cao hơn nhiều so với những gì mình có vì mong muốn bản thân trở nên hoàn hảo trong mắt con cái. Một khi cha mẹ đặt ra những tiêu chuẩn không thể cho mình, họ cũng sẽ đặt con cái vào những kỳ vọng không thực tế. Phương pháp này khiến cha mẹ loay hoay trong cách thể hiện cảm xúc và cố gắng kiểm soát mọi thứ.
- Dạy con bài học từ sai lầm thay vì chỉ biết xử phạt: Trẻ em bắt chước và học theo hành vi của người lớn. Nếu con làm gì sai, cha mẹ nên dùng những phương pháp tích cực, giải thích cho con hiểu tại sao hành vi này không được chấp nhận. Trừng phạt đôi khi khiến con không hiểu được hệ quả do hành động đó gây ra và lý do mình bị phạt. Trẻ em nên được cho cơ hội sửa sai với sự giúp đỡ của người lớn.
- Tạo ra những kỷ niệm hạnh phúc cho con: Những ký ức đẹp khi còn nhỏ sẽ giúp một đứa trẻ biết cách phản ứng với những sự kiện tương tự sau này. Nhiều nghiên cứu chỉ ra những đứa trẻ có nhiều ký ức hạnh phúc sẽ lớn lên khỏe mạnh, hài lòng với cuộc sống vì có cái nhìn tích cực và kỹ năng giải quyết căng thẳng tốt hơn. Những đứa trẻ này ít có khả năng bị trầm cảm và có xu hướng xây dựng mối quan hệ lành mạnh hơn với mọi người.
- Ưu tiên nỗ lực hơn kết quả: Đôi khi trong cuộc sống, mọi thứ không đi theo kế hoạch dù chúng ta đã cố gắng rất nhiều. Nếu con không may gặp phải điều này, cha mẹ hay ghi nhận nỗ lực của con thay vì chỉ nhìn vào kết quả. Trước khi muốn con đủ mạnh mẽ để vượt qua thất bại, cha mẹ cần giúp con thấy nỗ lực đã bỏ ra được trân trọng và ghi nhận.
- Dạy con nhận ra cảm xúc của mình: Bỏ qua những cảm xúc tiêu cực không có nghĩa chúng sẽ biến mất. Vì vậy, thay vì dạy con "đừng nghĩ đến chuyện đó nữa", cha mẹ có thể khuyến khích con nói ra và có thể khóc, không nên kìm nén cảm xúc. Sau đó, việc phụ huynh cần làm là tìm hiểu lý do khiến con cảm thấy tiêu cực, tìm cách giải quyết, đồng thời dạy con thể hiện cảm xúc một cách lành mạnh và lịch sự.
- Để con là chính mình: Một số cha mẹ xây dựng hình tượng và tiêu chí của một đứa trẻ hoàn hảo rồi áp đặt lên con mình với mong muốn con sẽ cố gắng để đạt điều đó. Tuy nhiên, việc này ảnh hưởng mạnh mẽ đến lòng tự trọng của con, khiến con cảm thấy bực bội và thất vọng về bản thân, né tránh và không muốn đến gần cha mẹ.