Người mẹ lận đận và đứa con đi “xin”
Ngày 18/7, tại TAND quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ đã diễn ra buổi hoà giải xác định… mẹ và quyền nuôi con giữa chị Nguyễn Thị Huyền Trân (35 tuổi, ngụ phường 6, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) và Trung tâm công tác xã hội (CTXH) Cần Thơ.
Toà đã chính thức xác định cháu Tr.Th.Y.Th. (SN 12/10/2015) là con của chị Trân và giao cháu cho chị Trân trực tiếp nuôi dưỡng sau gần 8 tháng lưu lạc. Câu chuyện bi hài của mẹ con chị Trân bắt nguồn từ việc nghe lời thầy bói!
Ôm con gái trong lòng, chị Trân kể, chị kết hôn được 5 năm thì chồng bỏ theo người phụ nữ khác. Sau đó, chị Trân rời quê lên Bình Dương xin làm công nhân.
Khốn khổ là hồ sơ xin việc bị trả lại vì chị Trân quá tuổi so với yêu cầu của công ty. Chị Trân đành mượn giấy CMND của người bạn tên Nguyễn Thị Thuý An (SN 1987), rồi dán ảnh mình vào để nộp lại hồ sơ.
Qua mặt được bộ phận tuyển dụng, chị Trân trở thành công nhân ở Khu Công nghiệp Mỹ Phước, huyện Bến Cát.
Năm 2015, chị Trân gặp người đàn ông đối xử khá tốt với mình. Biết tuổi mình cũng không còn trẻ nên chị Trân đã “xin” người đàn ông này 1 đứa con để làm chỗ dựa sau này.
Ngày 6/10/2015, chị sinh 1 bé gái tại Bệnh viện Hùng Vương, TP. HCM. Để hợp thức hoá các thủ tục, chị Trân khai tên mình trong giấy chứng sinh là Nguyễn Thị Thuý An.
Khi cháu bé được 1 tuần tuổi thì bé bỗng dưng xuất hiện 2 bớt son trên đầu và bên hông. Bé cũng “trở nết” khóc quấy, dỗ cách nào cũng không nín. Nhìn đứa cháu quấy suốt ngày, đưa đến thầy thuốc cũng không khỏi, bà Hồng Thị Ửng (53 tuổi, mẹ của Trân) đã tìm đến 1 vị thầy tâm linh ở TP. HCM để nhờ hoá giải.
“Thầy bảo con bé và mẹ nó kỵ mạng, cứ nuôi thì tai ương khó lường, có thể mất mẹ hoặc mất con. Trong thời gian này, tốt nhất là đem cho ai đó trong nhà nuôi đỡ 1 tháng rồi đón về thì mọi chuyện sẽ qua. Nhưng tuyệt đối không được nói trước với người mình định bỏ con trước nhà điều gì”, bà Ửng kể.
Ngày 5/11/2015, chị Trân và mẹ đưa cháu bé từ TP. HCM lén về nhà vợ chồng em gái ruột của Trân là Nguyễn Thị Ngọc Chi (28 tuổi, tạm trú tại ấp Đông Lợi, xã Đông Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang).
“Khi tôi sinh, em tôi bận chưa lên thăm nên nó chưa biết mặt cháu. Hơn nữa nó rất thích con gái nên tôi mới quyết định đưa con về nhà em”, chị Trân nói. Sau khi lén đặt bé nằm trước hiên căn nhà tạm bằng cây lá, chị Trân và mẹ núp bên hông nhà cho đến khi thấy Chi phát hiện và bồng cháu vào nhà.
“Lúc đó, vợ chồng tôi đang ở trong nhà thì nghe có tiếng con nít khóc ngay trước cửa. Tôi tưởng ai ẵm con nhỏ qua chơi nhưng khi ra mở cửa thì thấy 1 em bé bị ai đó bỏ rơi cạnh cửa nhà mình”, Chi kể.
Căn nhà tạm của chị Chi, nơi chị Trân vờ bỏ con
Vợ chồng Chi bồng đứa bé lên rồi nhờ hàng xóm báo với chính quyền địa phương. Công an xã Đông Phước đến ghi nhận sự việc, cháu bé được tạm giao cho Chi chăm sóc để hôm sau sẽ lập biên bản.
“Tôi dỗ cháu một hồi thì nó ngưng khóc. Lúc đó tôi bàn với chồng sẽ nhận nuôi đứa bé gái này vì vợ chồng tôi mới chỉ có 1 con trai. Nghe vậy, trưởng công an xã cũng đồng ý và bảo nếu sau thời gian quy định mà không có mẹ ruột đến nhận thì tôi sẽ được ưu tiên nuôi cháu bé”, Chi cho biết thêm.
Nhờ cái bớt son, đứa trẻ được cho là có quý tướng
Ngày 6/11/2015, UBND xã Đông Phước cùng Phòng LĐTB&XH huyện Châu Thành, Trung tâm Dân số kế hoạch hoá gia đình (KHHGĐ) huyện Châu Thành đến nhà vợ chồng chị Chi để lập biên bản về đứa trẻ bỏ rơi.
“Đang trong lúc làm việc thì có người đến xin tôi nhường lại cháu bé cho họ nuôi, họ sẽ cho tôi 10 triệu đồng. Nhưng vợ chồng tôi không đồng ý”, Chi nói.
Thông tin đứa trẻ bỏ rơi có bớt son trên đầu nhanh chóng lan ra toàn xã. Người dân bắt đầu xì xào đồn thổi rằng 2 cái bớt son là điềm tốt. Có người cho rằng, đấy là con trời, con Phật đầu thai!
Và theo đó họ “tiên đoán”, cháu bé sau này ắt phải là quý nhân, là tài năng hiếm có nên cha mẹ mặc tình hưởng giàu sang phú quý.
Chị Chi cho biết: “Có người còn ra giá 1 cây vàng, thậm chí là 2 cây vàng để được giành quyền nuôi đứa bé. Nhưng vợ chồng tôi đều cự tuyệt vì nghĩ phải có duyên dữ lắm thì người ta mới bỏ bé trước căn nhà nơi hẻo lánh như nhà mình”.
Sự việc trở nên phức tạp khi UBND xã Đông Phước và Phòng LĐTB&XH huyện Châu Thành bất ngờ đổi ý, không cho vợ chồng chị Chi được ưu tiên nhận cháu bé làm con nuôi.
“Tôi nhớ rõ có 1 chiếc xe ô tô biển số trắng của Hậu Giang chạy xuống, rồi cán bộ xã bảo có lệnh từ tỉnh xuống là phải đưa cháu bé về tỉnh giải quyết. Họ ép vợ chồng tôi phải ký vào biên bản bàn giao cháu bé”, chị Chi kể.
Biên bản của UBND xã Đông Phước nêu: “Được sự chỉ đạo của Phòng LĐTB&XH huyện Châu Thành; Trung tâm Dân số - Kế hoạch hoá gia định huyện; Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, giao cháu bé về Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hậu Giang quản lý”.
Tuy nhiên, đứa trẻ được chuyển ra đến Trung tâm Y tế huyện rồi gửi thẳng đến nhà 1 cán bộ cấp tỉnh ở Hậu Giang cũng có nguyện vọng nhận nuôi!
Một người dân chứng kiến sự việc từ đầu đến cuối thắc mắc: “Theo tôi, phải chăng chính vì nhận thấy cháu bé này có quý tướng nên vị cán bộ kia cũng muốn giành nuôi đứa bé?
Bởi thông thường, khi nào trẻ bỏ rơi, không ai đồng ý nuôi dưỡng thì mới giao lại cho Trung tâm Bảo trợ xã hội. Đằng này, gia đình chị Chi đã “đăng ký” từ đầu và được hứa ưu tiên, nhưng rốt cuộc chính quyền lại đổi ý. Rất lạ!”.
Đến ngày 19/11, Chi điện thoại cho bà Ửng và chị Trân hỏi thăm sức khoẻ. 2 mẹ con bà Ửng cũng không dám hé môi về chuyện họ đã về nhà Chi và bỏ đứa bé! Sau khi nói đôi ba chuyện gia đình, vui miệng, vô tình Chi đã kể cho mẹ và chị về việc đứa trẻ bỏ rơi trước nhà mình đã bị chính quyền giành và đưa đi.
Lúc này, chị Trân mới bàng hoàng! Và chị Trân tức tốc trở về Hậu Giang để liên hệ với địa phương, mong nhận lại con mình từ Trung tâm Bảo trợ xã hội, trước khi bé được “chuyển giao” cho vị cán bộ tỉnh.
Nhưng rắc rối là tên mẹ của cháu bé trong giấy chứng sinh mà chị Trân trình ra xin nhận con là Nguyễn Thị Thuý An (SN 1987), tức không khớp với giấy tờ, CMND mà chị Trân trưng ra kèm theo đều mang tên Nguyễn Thị Huyền Trân.
Đương nhiên, chính quyền căn cứ vào đó mà bác quyền đòi con của chị. Và như “kịch bản” tính trước, cháu bé được chuyển đến nhà vị cán bộ tỉnh quyền uy, giàu có đã “đăng ký” sau chị Chi - em gái chị Trân! Chị Trân như chết đứng khi biết đã mất con!
Từ đây, chị Trân bắt đầu chuỗi ngày ròng rã 232 ngày đi gõ cửa khắp nơi đòi con, có những lúc tuyệt vọng, quẫn trí vì gặp con mà không được nhận con.
Kỳ 2: Đeo bám, gào khóc xin gặp con và vụ kiện “có một không hai”