Trên Facebook của mình, MC Phan Anh đang khởi động chiến dịch quyên góp ủng hộ đồng bào vùng lũ miền Trung, mà đích thân anh đã huy động từ gia đình số tiền 500 triệu đồng làm nền cho quỹ từ thiện.
Trong khi ấy, câu chuyện anh "xuống tóc" sau chuyến đi châu Phi để kêu gọi sự thay đổi nhận thức cộng đồng về bảo vệ động vật hoang dã vẫn còn chưa hết nóng.
Fan của anh thì gọi hashtag "Đừng im lặng" mà anh sử dụng liên tục nhiều tháng qua là lời hiệu triệu, thúc giục cộng đồng mạnh dạn cất tiếng nói phản biện trước các vấn đề xã hội để đất nước trở nên tốt đẹp hơn.
Còn Phan Anh thì cho rằng mình còn "hèn" lắm, những gì mình làm vẫn còn nhỏ bé quá. Những bình luận nặc danh đầy tính miệt thị và "dạy bảo" không làm cho Phan Anh quan tâm.
Trước khi xuống tóc, anh có nghĩ hành động này của mình sẽ tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ như thế trong suốt tuần qua hay không?
Bởi trước anh, một số nghệ sĩ của Việt Nam đã sang châu Phi theo lời mời của các tổ chức thế giới để truyền đi thông điệp bảo vệ tê giác song không tạo ra hiệu ứng xã hội đáng kể.
Thực sự, khi xuống tóc, tôi cũng mong rằng nó sẽ tạo được một hiệu ứng lan tỏa nào đó, nhưng phải khẳng định chân thành, trước tiên, chuyện xuống tóc là để dành cho chính tôi, một lời nhắc, một hành động đánh dấu sự thay đổi về nhận thức của chính mình.
Tôi nghĩ thời điểm là rất quan trọng. Có thể bây giờ nhận thức của nhiều người về vấn đề bảo vệ động vật hoang dã đã cao hơn trước. Sự cấp thiết, bức bách được nhân lên. Thông tin nhận được cũng nhanh và nhiều hơn chẳng hạn.
Để có được điều đó thì những chuyến đi tiền đề, những đóng góp của các nghệ sỹ đi trước và rất nhiều những nhà hoạt động vì môi trường khác là vô cùng quan trọng.
Mọi kết quả của ngày hôm nay đều có liên quan đến những gì đã xảy ra trong quá khứ.
Diện mạo gây sửng sốt của MC Phan Anh sau chuyến đi châu Phi
Khi anh mở cánh cửa bước vào nhà sau chuyến đi dài, vợ con anh bình luận gì về diện mạo mới của anh?
Trước khi xuống tóc tôi có chia sẻ về ý định này với bà xã. Câu đầu tiên cô ấy nói là: "Cái gì!" Nhưng tôi hiểu đó không phải là câu hỏi vì vợ tôi luôn hiểu và ủng hộ chồng.
Tất nhiên, chúng tôi cũng trò chuyện về những thứ vụn vặt xung quanh như kiểu: Thế người ta không cho bố dẫn chương trình thì sao? Có sợ xấu trai không?...
Nhưng với tôi khi đã quyết thì khó có gì thay đổi được, cũng như là tôi gần như chưa bao giờ hối tiếc về những việc làm của mình.
Không phải bảo thủ mà tôi cho rằng, mỗi việc trong cuộc đời đều là những trải nghiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm sẽ giúp chúng ta trưởng thành. Và mỗi ngày sau đó, khi gọi điện về bà xã và các con tôi đều rất háo hức xem bố đã cắt tóc chưa.
Lúc nhìn thấy hình ảnh tôi gọi video về, cả nhà đều cười lớn, con trai tôi kêu ngố, còn con gái thì bênh bố vẫn đẹp trai, vợ tôi bảo: “Ôi trời, anh đừng đi tu nhé!”
Anh định duy trì quả đầu trọc này trong bao lâu?
Tôi chỉ cắt tóc chứ không có ý định để đầu trọc!
Trên Facebook của anh, không ít độc giả bình luận rằng vấn nạn săn sừng tê giác châu Phi là kết quả của thói hưởng thụ trọc phú và lòng tham điên cuồng của các đại gia Việt Nam, Trung Quốc. Trong khi ấy, anh phản hồi rằng chỉ đơn giản là họ thiếu thông tin.
Đó là cách của tôi. Vì tôi không bao giờ cho phép mình kết tội ai! Tôi không có quyền làm điều đó! Và chuyện thiếu thông tin của những người muốn sở hữu sừng tê giác là có thật.
Họ thiếu thông tin gì? Họ thiếu thông tin rằng có quá nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng sừng tê giác không phải là thần dược.
Họ thiếu thông tin rằng ở Châu Phi, và ở ngay cả Việt Nam có nhiều người lên án sử dụng sừng tê là tội ác.
Họ thiếu thông tin rằng việc buôn bán, mua sừng tê ở Việt Nam cũng là phạm pháp. Họ thiếu thông tin rằng 75% sừng tê ở Việt Nam là đồ giả mạo.
Họ bị lừa vì công dụng của nó! Họ bị lừa khi có người tung hô đó là biểu tượng của sự quyền quý, giàu có.
Họ cũng là nạn nhân của những tin đồn vô căn cứ mà những kẻ buôn bán đã tạo ra, đặc biệt là những lời đồn thổi xuất xứ từ Trung Quốc.
À, mà họ còn không biết rằng, người ta đã thử nghiệm tiêm thuốc độc vào sừng tê giác ở Nam Phi. Rất có thể sừng tê mà ai đó đang sử dụng bây giờ có thứ thuốc độc đó.
Có đại gia trẻ được cho là giàu có nhờ buôn kim cương và sừng tê giác châu Phi. Công chúng hoàn toàn vô cảm trước bản lí lịch này mà chỉ biết trầm trồ trước “tuổi trẻ tài cao”.
Còn anh, anh cảm thấy thế nào khi nghe thấy tên của vị đại gia đó sau chuyến đi châu Phi?
Chúng ta chẳng xem quá nhiều phim dã sử, kiếm hiệp Trung Quốc hay nhắc câu: không biết không có tội mà. Công chúng không biết thì làm sao lên án được.
Ngoài ra như tôi đã nói, tôi không cho mình cái quyền phán xét ai, đặc biệt là với những thứ mình chỉ nghe nói như tin đồn.
Hành động "xuống tóc" của Phan Anh nhận được sự ủng hộ của vợ và các con
Nếu thông điệp về bảo vệ tê giác mà anh kêu gọi thành công về nhận thức xã hội, và một bộ phận lớn công chúng quay sang tẩy chay vị đại gia buôn kim cương và sừng tê giác kia, anh có thấy áy náy gì không?
Chuyện tôi cùng với những người bạn của mình cùng tuyên truyền, hưởng ứng tích cực các dự án là để bảo vệ tê giác, bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ thiên nhiên chứ không nhân danh nó để chĩa mũi dùi vào cá nhân ai.
Và xin nhắc lại, tôi không bao giờ phán xét ai, và luôn thận trọng về lời nói của mình trước công chúng để không gây ra những tổn thương cho người khác.
Nhiều tin đồn có thể có cơ sở, nhưng nhiệm vụ của báo chí là xác minh, nhiệm vụ của các cơ quan chức năng là điều tra.
Chúng ta hãy tạo thói quen dũng cảm chiến thắng nhu cầu phán xét cảm tính cá nhân, và thay vào đó cũng hãy dũng cảm quyết liệt tranh đấu đến cùng với những điều mắt thấy tai nghe, đã được kết luận rõ ràng.
Tôi tin mỗi hành động của chúng ta đều có kết quả đến tương lai. Ai làm gì rồi đều sẽ nhận được sự đáp lại tương xứng bằng cách này hay cách khác.
Là một trong số ít nghệ sĩ quan tâm đặc biệt đến các vấn đề xã hội, trong đó có vấn nạn tàn phá môi trường tự nhiên, khi đến châu Phi, anh có bị choáng ngợp hay ngỡ ngàng bởi thực tế khác xa với hình dung của mình hay không?
Bạn biết điều gì xảy ra trong chuyến đi Châu Phi của tôi không? Một không gian hoàn toàn khác. Tôi bị choáng ngợp.
Vì nơi tôi đến là khu bảo tồn động vật hoang dã thế giới. Trời ơi, nó đẹp, nó bình yên quá! Không phải vẻ đẹp của đại ngàn, chỉ là những đồng cỏ cằn cỗi thôi, và rất nắng. Nhưng nó là điều tinh khiết của tự nhiên.
Không gian thoáng đãng. Tầm nhìn ngút ngàn. Trời xanh không thể xanh hơn. Mỗi cơn gió mang theo mùi cỏ, mùi đất, mùi động vật.
Và khi bạn hít ngập phổi nó là một liều thuốc, nó mang lại cho bạn sự hưng phấn, nó mang lại cho bạn năng lượng.
Bên phía này của tôi là mấy chú hươu cao cổ thong thả gặm cỏ, bên kia gia đình nhà tê giác nằm ngủ, những chú khỉ đầu chó nghịch ngợm, rồi xa xa là chú sư tử thỉnh thoảng lại ngó đầu lên nhìn mình cả phút rồi thản nhiên quay đi.
Chúng chẳng quan tâm nhiều đến tôi. Tôi cũng chẳng còn nghĩ mình là con người, tôi là một loài, một loài trong số muôn loài đó… Khoảnh khắc đó không thể nào quên! Tôi cảm giác mọi thứ như dừng lại! Tôi thấy mình bất hạnh.
Vì từ trước tới giờ hóa ra chính chúng ta chứ không ai khác là người đã bị đánh cướp quyền được sống đẹp trong một thế giới tự nhiên thật sự đẹp. Nhưng thật tiếc chúng ta là nạn nhân, nhưng chúng ta cũng là nguyên nhân!
Con người đã cướp đi quyền bình đẳng của muôn loài, và chính con người cũng cướp đi quyền bình đẳng của chính mình.
Qua bức ảnh con tê giác mẹ nát tươm nằm cạnh lá cờ Việt Nam và Trung Quốc mà anh chia sẻ, công chúng có thể cảm nhận được một phần khủng khiếp của nạn săn tê giác trái phép ở châu Phi. Khi tiếp xúc với người bản địa, biết anh là người Việt Nam, họ đối xử với anh như thế nào?
Trước tiên phải khẳng định rằng, bức hình đó tôi đã nhìn thấy một lần từ trước và đã suy nghĩ rất nhiều.
Vậy nên, khi được xem lại và hỏi cảm xúc, tôi đã hết sức có thể để đưa ra một câu trả lời vừa giữ thể diện quốc gia, mà vừa thể hiện được quyết tâm của mình trong việc hành động mạnh mẽ hơn nữa để cứu tê giác trước nguy cơ tuyệt chủng.
Người tôi hồi đáp chính là Giám đốc điều hành của Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã thế giới. Nó có lẽ không chỉ đơn thuần là một câu hỏi thông thường, mà có chủ ý dành cho đại diện đến từ Việt Nam.
Tôi có thể ngẩng cao đầu và tự tin nói rằng trong suốt hành trình đó đã để lại ấn tượng đẹp về Việt Nam đối với tất cả những cá nhân mình có dịp tiếp xúc. Họ đều là những con người văn minh, không đánh đồng, hay định kiến.
Họ hiểu những gì đang diễn ra ở đất nước chúng ta. Họ không có kết luận điều tra chính thức nhưng cũng như nhân dân ta, họ biết được phần lớn những người sở hữu sừng tê là ai.
Trong chuyến đi lần này, thật may mắn và cũng đúng như thực tế diễn ra, nạn săn trộm có giảm dần bởi nỗ lực của rất nhiều bên, thế nên tôi không phải chứng kiến bất kể hình ảnh dã man nào của tê giác bị giết để lấy sừng.
Những điều tôi được nhìn thấy đều là những gì tốt đẹp.
Từ châu Phi, anh liên tưởng gì đến vấn nạn tàn phá môi trường ở Việt Nam trong thời gian qua?
Từ châu Phi, anh liên tưởng gì đến vấn nạn tàn phá môi trường ở Việt Nam trong thời gian qua?
Đó là cảm giác đắng ngắt, là nỗi đau khi con người chúng ta càng ngày càng ít người có cơ hội được trải nghiệm những thứ thuộc về tự nhiên mà ta có quyền được trải nghiệm.
Là nỗi đau chính con cháu chúng ta đang đối mặt với việc chỉ còn tiếp xúc với những điều này qua sách vở, tư liệu, chứ không phải trong thực tế.
Nỗi đau đó là nỗi đau chung của nhân loại, và tất nhiên, khi nghĩ về quê hương, nỗi đau đó còn kinh khủng hơn nhiều.
Đủ lớn để tôi thấy mình còn Hèn vì chưa làm hết sức được cho quê hương. Nhìn những gì các bạn ở Kenya làm được, tôi cũng thấm thía ra một điều, cũng cần phải có thời gian để nhận thức của nhiều bên thay đổi và gặp nhau.
Đất nước họ còn rất nghèo, nhưng chính phủ cũng rất quyết tâm, bỏ ra số tiền lớn trong việc bảo vệ động vật hoang dã, và họ tạo ra rất nhiều cơ chế mở để các tổ chức, các cá nhân tham gia vào hoạt động này.
Tôi cũng có dịp thăm một khu bảo tồn hoàn toàn do một gia đình cực kỳ giàu có sở hữu riêng rộng bạt ngàn.
Nhưng quan trọng là họ đầy nhiệt huyết và say mê. Chúng tôi đã có hành trình tìm kiếm một chú tê giác đi lạc sang khu vực khác.
Họ huy động cả máy bay, hàng chục con người, phá hàng rào để đưa chú về khu vực an toàn. Họ chăm sóc chú tê giác bị mù, mổ mắt cho chúng, chăm sóc những vết thương của chúng với những bác sỹ giỏi.
Tinh thần làm việc của họ cũng là một trong những điều làm thay đổi nhận thức của tôi về ý nghĩa cuộc sống.
MC Phan Anh không ngừng bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội với mục đích góp một tiếng nói phản biện để xã hội tốt đẹp hơn.
Hashtag “Đừng im lặng” mà anh kêu gọi nhận được ý kiến gì từ các đồng nghiệp showbiz của anh? Có nghệ sĩ nào nói với anh “hãy im lặng mà tốt việc của mình thay vì đi lo việc bao đồng” chưa?
Nghệ sỹ là người có ảnh hưởng đến công chúng. Không ai có thể phủ nhận điều đó, thế nên tiếng nói của người nghệ sỹ là rất quan trọng.
Và tôi thấy có vẻ hầu hết các nghệ sỹ cũng hiểu được điều này nên thành ra một số rất cẩn trọng, và đôi khi cẩn trọng quá mức nên suy nghĩ hơi lâu về một vấn đề cần lên tiếng.
Tôi thấy cũng dễ hiểu trong xã hội chúng ta thôi. Không cần phải nói ra đây nữa. Nhưng xin nhắc lại thêm một lần, tôi cũng không phán xét gì về họ. Đấy là quyền của mỗi người mà. Lúc nào có đủ quan tâm, đủ cảm xúc họ sẽ lên tiếng thôi.
Còn với câu chuyện “đừng im lặng”, tôi thấy vui vì có quá nhiều đồng cảm, dù có nhiều đồng cảm chỉ được thể hiện khi nói riêng chứ không phải chỗ đông người.
Thế cũng vui rồi. Và đặc biệt là rất may mắn, chưa có bạn bè nghệ sỹ nào khuyên “lo làm việc của mình đi” như một số người dùng facebook nặc danh thỉnh thoảng hay dạy bảo tôi trên mạng xã hội.
Đừng im lặng. Bởi im lặng là có tội với tương lai, với thế hệ con cháu.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!