Cha mẹ nào cũng hy vọng, con lớn lên đều thành công và có một tương lai tốt đẹp. Trên thực tế, tương lai của một đứa trẻ gắn liền với môi trường mà đứa trẻ đó lớn lên.
Với tư cách là người dẫn chương trình nổi tiếng nhất của đài CCTV – Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, Bai Yansong đã đưa ra phương pháp giáo dục con dựa trên học thuyết “cửa sổ vỡ”. Theo đó, cha mẹ cần chú ý đến ba điều này để giúp con xây dựng tương lai thành công.
Bai Yansong - ông hiện là nhà bình luận thời sự Trung Quốc, người dẫn chương trình và là nhà báo của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc. Ảnh: NetEase
Thế nào là học thuyết “cửa sổ vỡ”?
Năm 1982, Giáo sư James Q.Wilson – nhà khoa học chính trị Đại học Harvard và Giáo sư George L. Kelling – chuyên gia tâm lý tội phạm học Đại học Rutgers – Newark, Mỹ, đã công bố trên tạp chí The Atlantic học thuyết “cửa sổ vỡ” (Broken windows theory).
Theo đó, một tòa nhà có chiếc kính cửa sổ bị vỡ, nếu không được sửa chữa kịp thời, sẽ có kẻ phá hoại làm vỡ kính nhiều hơn ban đầu. Kẻ phá hoại thậm chí sẽ đột nhập vào tòa nhà, nếu không thấy ai ở, bọn họ có thể định cư ở đó hoặc phóng hỏa đốt nhà.
Học thuyết này còn cho rằng, nếu trên một bức tường có những nét vẽ bậy mà chưa được xóa đi sạch sẽ, sau một thời gian nó sẽ bị người khác vẽ lên nhiều hơn nữa.
Học thuyết “cửa sổ vỡ” còn được ứng dụng trong tâm lý tội phạm, đưa ra và lý giải các hiện tượng con người có thói quen bắt chước một hành vi tiêu cực, thậm chí làm cho chúng ngày càng tăng thêm.
Ảnh minh họa
Sau những thí nghiệm được thực hiện, các Giáo sư rút ra kết luận về tác động của môi trường đối với con người.
Từ đó, Bai Yansong đã ứng dụng vào các phương pháp giáo dục gia đình: Môi trường có tác động rất lớn đến sự phát triển nhân cách của một đứa trẻ.
Người dẫn chương trình nổi tiếng nhất đài truyền hình Trung ương Trung Quốc - ông Bai cho rằng, để định hướng đúng con đường phát triển của con, cha mẹ cần chú ý những đều sau:
Xây dựng môi trường phát triển lành mạnh
Muốn trẻ ngoan ngoãn, có nhiều thói quen tốt thì cha mẹ cần tạo cho trẻ một môi trường sống tốt. Một môi trường phát triển tốt không chỉ thể hiện ở vật chất, mà tình trạng hôn nhân của cha mẹ còn quyết định trẻ có sống trong môi trường lành mạnh hay không.
Ảnh minh họa
Nếu trong ngôi nhà mà trẻ sống lúc nào cha mẹ cũng cãi nhau, gia đình dù có điều kiện vật chất đầy đủ đến đâu, cũng không phải là môi trường phát triển lành mạnh cho trẻ.
Vì vậy, để mang lại một môi trường phát triển tốt cho con cái, cha mẹ cần phải tôn trọng con cái, trước hết đặt ra những nguyên tắc tôn trọng bạn đời. Nếu có cãi nhau, nên chọn cách giải quyết mâu thuẫn bằng việc nói chuyện nhẹ nhàng hoặc hạn chế để cho con cái thấy.
Xây dựng mối quan hệ cha mẹ - con cái tốt đẹp
Cha mẹ muốn có kết quả tốt trong việc giáo dục con cái, nhất định phải giữ mối quan hệ cha mẹ - con cái tốt đẹp, để con cái lớn lên trong tình thương và sự quan tâm chăm sóc của cả cha và mẹ. Nếu mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái không tốt, sẽ chỉ khơi dậy tâm lý nổi loạn của trẻ.
Nhiều bậc cha mẹ luôn nghĩ mình nên xây dựng hình ảnh nghiêm khắc trước mặt con cái. Vì vậy họ luôn thể hiện cái tôi cao trước mặt con và khó hòa hợp với con mình. Và những trường hợp như vậy, con cái ngày càng có tâm lý phản kháng và xa cách với cha mẹ mình hơn.
Ảnh minh họa
Cha mẹ cần đồng hành cùng trẻ, chứng kiến sự trưởng thành và chú ý những gì xảy ra xung quanh con mình. Bạn cũng cần giao tiếp nhiều hơn, tôn trọng suy nghĩ và hành vi của con. Ngoài ra, không nên lợi dụng hai chữ “cha mẹ” để ra lệnh, chèn ép con. Khi thấy con buồn, bạn nên dành sự quan tâm, xoa dịu cảm xúc tiêu cực của con.
Cha mẹ nên chú ý đến lời nói và hành động của mình
Đứa trẻ lớn lên sẽ trở thành người như thế nào, đều liên quan mật thiết đến lời nói và hành động của cha mẹ. Chỉ cần để ý, bạn sẽ thấy rằng đa số con cái đều trở thành cái bóng của cha mẹ. Đây là lý do tại sao nhiều bậc cha mẹ nên làm gương trước mặt trẻ, chú ý đến thái độ của con mình.
MC nổi tiếng của đài truyền hình Trung Quốc.
Nếu cha mẹ tham lam, ích kỷ, không biết giữ lời hứa, nói mà không thực hiện. Thì theo thời gian, con cái lớn lên sẽ bắt chước tất cả thói xấu đó.
Một đứa trẻ như vậy trong xã hội sẽ phải nhận những lời chỉ trích, bị chèn ép từ người khác. Như vậy làm sao chúng có thể có tương lai tốt đẹp?
Vì vậy, cha mẹ khi phát hiện ra khuyết điểm của bản thân, nên sửa chữa “cửa sổ vỡ” đó kịp thời. Nếu không muốn “cửa sổ” bị vỡ lần nữa, bạn nên đặt ra những “giới hạn” khắc chế bản thân và không nên buông thả những “giới hạn” đó.
Cha mẹ phải chú ý đến lời nói và việc làm của mình. Nếu chúng ta không chú ý đến những điều này, trẻ có thể bắt chước hành vi của chúng ta bất cứ lúc nào, và chúng có thể học một số thói quen xấu mà cha mẹ không hay biết.
Có thể thấy, môi trường sống có ảnh hưởng rất lớn đến một đứa trẻ. Trẻ lớn lên trong môi trường tốt đương nhiên sẽ có nhiều thói quen tốt, và ngược lại, dễ bị “vấy bẩn” nếu sống trong một môi trường không lành mạnh.
Mặc dù, vẫn sẽ có những trường hợp cá biệt vì chúng ta không có quyền lựa chọn nơi mình sinh ra. Tuy nhiên trong quá trình trưởng thành đó, các em không được tạo điều kiện sống tốt nhất, tất nhiên phải vượt qua rất nhiều khó khăn so với trẻ được sống trong môi trường lành mạnh, nhất là về mặt tâm lý.
Nếu cha mẹ muốn con mình thành công khi lớn lên và có một tuổi thơ tốt đẹp, hãy tạo cho con một môi trường sống lành mạnh nhất có thể trong khả năng của chính mình.
Nguồn: NetEase