Thời sinh viên Vũ Mạnh Cường làm tiếp viên tại một quán karaoke. Ngoài việc phục vụ bưng bê cho khách, anh còn làm luôn công việc cọ rửa nhà vệ sinh.
Lúc anh đang chùi bồn cầu, một khách hàng nữ hô hoán anh là kẻ bệnh hoạn. Cả gia đình họ xông vào đánh Mạnh Cường đến ngất xỉu...
Cái chết đau thương của người chị gái và tâm lý bất thường của cậu em trai
Bố Vũ Mạnh Cường người Nghệ An. Mẹ anh người Hà Tây. Khi bố đóng quân tại Hà Tây, ông gặp và yêu mẹ của Cường. Sau khi hai người kết hôn, mẹ Vũ Mạnh Cường về quê chồng sinh sống, còn bố anh vì là quân nhân tại ngũ nên phải làm nhiệm vụ xa gia đình.
Do hoàn cảnh đặc thù của dòng họ bên nội, mẹ Vũ Mạnh Cường được gia đình quyết định cho sống tại nhà thờ họ. Đó là khu vực rất hoang vắng và xa khu dân cư. Ban ngày mẹ của Cường làm việc quần quật tại hợp tác xã đến tối mới trở về nhà. Cuộc sống thiếu thốn và vất vả.
Tuy nhiên, bố mẹ anh rất yêu thương nhau. Dù ở xa nhưng ông vẫn tranh thủ những chuyến nghỉ phép về sống bên người vợ yêu quý.
Về sống với nhau ít lâu, họ có với nhau một đứa con gái. Niềm vui nhỏ ấy chưa tồn tại được lâu thì cô con gái ngã bệnh. Do nhà nghèo thiếu thốn nên việc thuốc thang cho con không đến nơi đến chốn.
Vào một đêm tối trời, con gái bị sốt cao và co giật. Mẹ của Vũ Mạnh Cường ôm con chạy bộ hơn 10km đến trạm y tế xã. Nhưng tất cả quá muộn màng. Con gái chết trong vòng tay của mẹ. Bố và mẹ Vũ Mạnh Cường đau khổ tột cùng.
Vũ Mạnh Cường trong vai trò MC của cuộc thi Hoa hậu Asean 2017.
Vài năm sau, Vũ Mạnh Cường chào đời. Nỗi đau mất đứa con gái đầu lòng được bù đắp. Lần này, mẹ Cường rất cẩn thận trong việc chăm sóc con. Nhờ sinh được cháu trai đích tôn nên vị trí của bà bên gia đình chồng được cải thiện chút ít.
Theo bố mẹ Cường, từ lúc mới sinh Mạnh Cường đã sở hữu gương mặt hiền hiền và rất ít nói. Bình thường anh hiếm khi chơi đùa với trẻ con cùng xóm. Mỗi khi có chơi chung, bị chúng bạn hiếp đáp, cậu bé Cường lẳng lặng chịu đựng.
Nhưng mỗi khi ai đó có thái độ "tấn công" mẹ mình, Cường như trở thành một con người khác. Anh xù lông như một con nhím, bất chấp nguy hiểm xông vào bảo vệ mẹ.
Đến khi Mạnh Cường được 3 tuổi, bố anh bàn với mẹ chuyển công tác vào miền Nam. Lúc ấy, dù không biết miền Nam như thế nào nhưng vì muốn thoát khỏi hoàn cảnh bí bách cả về tinh thần lẫn vật chất, mẹ Cường lập tức đồng ý. Họ ở trong một khu xóm bình dân tại Sài Gòn. Bố của Cường vẫn tiếp tục công việc của một quân nhân.
Lúc Cường lên 5, bố anh nhận công tác làm sỹ quan tình nguyện tại Campuchia nên gia đình quyết định về Tây Ninh sinh sống để ông tiện việc qua lại chăm sóc gia đình.
Nhớ về thời điểm này, Vũ Mạnh Cường cho biết: "Lúc ấy, Tây Ninh còn rất nhiều rừng cao su. Gia đình tôi được cấp miếng đất ngay bìa rừng, rất xa khu trung tâm. Tuy nhiên, đó là khoảng thời gian mẹ tôi rất hạnh phúc. Tôi trải qua tuổi thơ êm đềm".
Mạnh Cường được đến trường. Anh học giỏi nhưng rất ít tiếp xúc với bạn bè. Anh ít nói vì lúc nào cũng muốn rút vào ốc đảo của mình.
Mỗi khi có chuyện buồn, anh cố tình ở lại lớp thật trễ. Khi thấy không còn bóng người nữa, Cường đóng cửa lớp lại và thả sức gào khóc. Đến khi nào bình tĩnh, anh trở về nhà như không có chuyện gì xảy ra.
Vũ Mạnh Cường cũng là MC quen thuộc của game show Ca sĩ bí ẩn.
Làm nhân viên quán karaoke bị khách nam sờ soạng và đánh đập
Vào tuổi bắt đầu lớn, Mạnh Cường nhận ra rằng mình rất mê cải lương. Mỗi lúc học bài, hay vào giờ nghỉ ngơi, anh đều mở đài để nghe tiếng hát Kim Tử Long và Ngọc Huyền. Anh ước ao có một ngày mình sẽ được đứng trên sân khấu giống như hai thần tượng của mình. Tiếc là Mạnh Cường không thể hát vọng cổ.
Nhưng để đạt được khát khao đứng trên sân khấu, Mạnh Cường tham gia các vở kịch của lớp, của trường và sau này là của Nhà văn hóa tỉnh Tây Ninh.
Bình thường cậu bé Cường không dám biểu lộ cảm xúc nhưng lúc hóa thân vào nhân vật, anh trở nên dạn dĩ khác thường. Cường hạnh phúc vì được giải tỏa cảm xúc qua các nhân vật. Điều đó thôi thúc Cường trở thành một diễn viên.
Thế nhưng bố mẹ anh ngăn cản vì sợ làm nghệ thuật không vững chắc và ổn định. Vậy là Cường thi vào trường đại học kinh tế.
Vì muốn đỡ gánh nặng cho gia đình, Cường hăng hái xin nhiều công việc làm thêm. Trong đó, có khoảng thời gian làm tiếp viên cho một một nhà hàng karaoke. Tại đây, Cường trải qua những hoàn cảnh đầy tủi nhục.
Vũ Mạnh Cường hồi tưởng: "Thời sinh viên gương mặt tôi rất trẻ con. Xin việc làm gia sư thì phụ huynh không tin tưởng bởi không nghĩ tôi là sinh viên. Thế là lật đật tìm việc khác. Tôi được nhận vào làm bồi bàn tại một nhà hàng karaoke.
Đến giờ tôi vẫn còn sợ ánh mắt của những người khách đã say xỉn. Họ yêu cầu làm quá nhiều việc cùng lúc, tôi làm không kịp họ quát nạt rất nặng lời. Có những khách hàng nam tranh thủ sờ soạng vào chỗ kín. Tôi phản ứng họ càng làm mạnh hơn".
Mặc dù tuổi đời còn trẻ nhưng Vũ Mạnh Cường đã trải qua không ít thăng trầm trong cuộc sống.
Thế nhưng nỗi đau của kiếp sinh viên làm thuê chưa dừng lại ở đó. Cường kể tiếp: "việc phục vụ tại nhà hàng karaoke của tôi kiêm luôn vệ sinh phòng ốc và toilet. Một hôm khách đã vãng, tôi tranh thủ công việc quét dọn, chà rửa.
Tôi vào nhà vệ sinh nữ và treo tấm bảng "đang làm vệ sinh". Đang dọn dẹp thì một phụ nữ đi ra và cô ta la toáng lên là tôi cố ý nhìn trộm.
Rồi cô ta chạy vào phòng kêu những người đàn ông đi cùng ra nhà vệ sinh tôi đang làm. Họ xông vào đánh tôi tới tấp. Máu me văng tung tóe. Tôi yếu ức nên để mặc họ muốn làm gì thì làm".
Sau trận đòn ấy, Mạnh Cường ngất đi một lúc. Tỉnh lại thì thấy mình đang nằm trên ghế salon tại quầy tiếp tân. Đứng xung quanh là những người vừa đánh anh.
Một người phụ nữ lớn tuổi cho biết, chị đầu bếp đã giải thích cho mọi người hiểu sự việc. Mọi người xin lỗi vì đã hiểu nhầm. Họ bồi thường cho Cường 500.000 ngàn đồng tiền thuốc men. Anh nhận lấy rồi trở về nhà. Kể từ đó, Cường đã không trở lại chỗ làm thêm ấy lần nào nữa.
Trở thành MC chuyên nghiệp trong sự bất ngờ của bạn bè
Sau tai nạn đau thương, Cường nhận thấy rằng mình phải học thật tốt để khỏi phải bị đối xử tương tự như thế. Cường đã xin vào thực tập ở một tập đoàn sản xuất thép. Ngay sau khi ra trường, anh được nhận về đây với vị trí giám đốc vùng. Công việc giúp Cường kiếm được tiền rất ổn định.
Thế nhưng trong sâu thẳm, Cường vẫn âm ỉ nỗi khát khao được đứng trên sân khấu. Suy nghĩ đủ cách, Mạnh Cường quyết định bỏ ra một số tiền lớn đăng ký học lớp MC tại một trung tâm đào tạo rất chuyên nghiệp. Đây là cách mà Cường nghĩ giúp anh thực hiện được mơ ước của mình.
Vũ Mạnh Cường và diễn viên chính của phim "Em chưa 18".
Vào năm 2010, Mạnh Cường tham gia casting vai trò người dẫn chương trình ký sư Ngàn năm Thăng Long – Hà Nội do hãng phim TFS sản xuất cho kênh HTV. Rất nhiều ứng cử viên tham gia. Cuối cùng Vũ Mạnh Cường đã được chọn. Phóng sự này thu hút được sự quan tâm của công chúng. Vũ Mạnh Cường đã có khởi đầu thuận lợi.
Ngay sau đó, Mạnh Cường được HTV mời dẫn chương trình trực tiếp cho buổi lễ khánh thành đường hầm Thủ Thiêm. Đối với nghề MC chuyên nghiệp, dẫn chương trình trực tiếp là một thử thách lớn vì không được sai xót. Anh đã làm rất tốt và vì vậy liên tục được giao rất nhiều chương trình truyền hình trực tiếp thuộc mảng chính trị - xã hội.
Vũ Mạnh Cường bộc bạch: "Khi thấy tôi xuất hiện trên truyền hình trong vai trò MC nói năng trôi chảy, lưu loát nhiều bạn bè ở Tây Ninh tỏ ra bất ngờ. Họ gọi điện cho tôi và hỏi rằng ngày xưa tôi nhút nhát, ít nói, sao có thể thành người dẫn chương trình được. Tôi chỉ cười và trả lời rằng vì đó là ước mơ của tôi".
Đến một lúc, Vũ Mạnh Cường nhìn lại một cách nghiêm túc công việc của mình. Anh thấy cần phải thay đổi. Anh giảm bớt các chương trình chính luận và mở rộng sang các chương trình thiên về giải trí và nghệ thuật.
Kể từ đó, khán giả thấy Vũ Mạnh Cường xuất hiện trong các chương trình như Hoa hậu Việt Nam, Chuông vàng vọng cổ, Giai điệu tình thương, Hoa hậu ASEAN... cùng các talkhow như Giá trị thật, Trái tim cho em...
Bên cạnh đó, Cường còn được mời tham gia diễn xuất trong nhiều vở kịch truyền hình như Đêm hoàng lan, những mùa trăng... cũng như các vở kịch sân khấu gồm Tình ảo, Diễn viên hạng ba, ác báo...
Vũ Mạnh Cường trong buổi ra mắt dự án phim điện ảnh "Giấc mơ Mỹ".
Đánh giá một cách nghiêm túc về công việc của người dẫn chương trình, Vũ Mạnh Cường thẳng thắn: "Tôi không có được độ hoạt náo và độ lầy như Trấn Thành, Trường Giang nên đến giờ xét trong nghề MC tên tuổi của tôi chưa nổi bật lên như các ngôi sao.
Điều này còn xuất phát từ việc các chương trình tôi tham gia không được pr và quảng bá mạnh như các chương trình giải trí khác. Tuy nhiên, tôi hài lòng với những gì mình đang có. Tôi thích làm những chương trình giàu tính nhân văn, có điều gì đó để khán giả ngẫm nghĩ.
Tại các chương trình đó, tôi phải thể hiện phong cách chỉn chu trong sự trẻ trung. Những chương trình ấy dù không được lượng view gây sốt nhưng chúng thực sự có giá trị.".