Dân tình đua nhau tìm mua máy đo nồng độ cồn cầm tay, nhưng hãy cẩn thận với các thiết bị 'siêu rẻ' này

Bảo Nam |

Trong khi các sản phẩm chính hãng có giá thấp nhất cũng gần một triệu đồng, những sản phẩm không nhãn mác xuất xứ đang được rao bán trên nhiều trang thương mại điện tử có giá chỉ loanh quanh vài ba trăm nghìn.

Từ lâu, nhiều người đã chủ động tìm mua các loại thiết bị đo nồng độ cồn cầm tay để tự giới hạn bản thân trong các cuộc vui như ăn nhậu, hội họp. Đây là các thiết bị đo nồng độ cồn trong hơi thở tương tự như của lực lượng cảnh sát giao thông sử dụng, tuy nhiên được thiết kế dành cho cá nhân với mức giá hợp lý hơn.

Mới đây, theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia (Luật số 44/2019/QH14), kể từ ngày 1/1/2020, Việt Nam sẽ cấm triệt để hành vi đi xe ra đường (bao gồm cả ôtô, xe máy, xe đạp điện…) khi có nồng độ cồn trong người. Đối với người điều khiển xe mô tô, mức phạt từ 6 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ sẽ bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng.

Về cơ bản, không có một biện pháp "dân gian" hay cách đo nồng độ cồn bằng mẹo nào có thể chính xác như khi đo bằng máy. Điều này khiến cho các loại thiết bị đo nồng độ cồn cầm tay càng được nhiều người quan tâm và tìm mua.

Dân tình đua nhau tìm mua máy đo nồng độ cồn cầm tay, nhưng hãy cẩn thận với các thiết bị siêu rẻ này - Ảnh 1.

Cảnh sát giao thông dùng máy kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở người tham gia giao thông.

Trên thực tế, máy đo nồng độ cồn là một sản phẩm ban đầu tạo ra nhằm phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến hoa quả, sản xuất rượu… Tuy nhiên, theo thời gian, chúng bắt đầu được sử dụng và trở nên phổ biến nhất trong ngành... giao thông, trên toàn thế giới.

Khi uống bia rượu vào miệng, chúng xuống dạ dày, ruột và được hấp thụ vào máu. Cồn không bị phân hủy khi bị hấp thụ, cũng không thay đổi về mặt hóa học trong máu, nên khi máu di chuyển qua phổi thì một phần cồn sẽ bị thẩm thấu qua màng túi khí của phổi. Do bản chất cồn dễ bay hơi nên nó sẽ hòa vào phần không khí của túi khí phổi. Chính vì mối liên hệ này mà người ta có thể suy ra được lượng cồn có trong máu.

Thay vì phải kiểm tra máu thì cảnh sát giao thông sẽ kiểm tra hơi thở của người nghi ngờ uống rượu bia, sau đó đưa ra quyết định có giữ phương tiện lại hay không để đảm bảo an toàn. Tỉ lệ cồn có trong máu so với hơi thở ở khoảng 2100:1, nghĩa là cứ 2100 ml hơi thở có cồn thì tương đương có 1 ml cồn trong máu.

Dân tình đua nhau tìm mua máy đo nồng độ cồn cầm tay, nhưng hãy cẩn thận với các thiết bị siêu rẻ này - Ảnh 2.

Các máy đo nồng độ cồn cầm tay có giá không rẻ.

Các loại thiết bị đo nồng độ cồn cầm tay tuy có nhiều tính năng, kích thước và kiểu dáng cũng như giá cả khác nhau trên thị trường. Chúng hầu hết khá nhỏ gọn, thuận tiện mang theo khi di chuyển, dễ sử dụng. Người dùng chỉ cần khởi động thiết bị, máy sẽ cho ra thông tin chính xác chỉ trong vòng vài giây đồng hồ. Nhưng chung quy chúng đều hoạt động trên cùng một nguyên lý. Đó là phân tích nồng độ rượu etylic trong hơi thở.

Có ba phương pháp chủ yếu được sử dụng là máy xác định dựa trên phản ứng hóa học (chủ yếu với crom(VI)oxit CrO3 để tạo ra Cr2O3 có màu xanh đen), từ sự biến đổi màu sắc oxit mà đưa ra kết quả về mức độ rượu mà tài xế đã uống. Thứ hai là dùng kỹ thuật tia hồng ngoại để đo quang phổ khi hơi thở đi qua, nồng độ cồn khác nhau sẽ cho màu chỉ báo khác nhau. Cuối cùng là dựa trên nguyên lý tế bào pin nhiên liệu (phản ứng ngược lại của sự điện phân), hệ thống cảm biến của máy sẽ phát hiện phản ứng hóa học giải phóng axit axetic, proton, electron từ hơi thở. Từ đó sẽ suy ra lượng cồn trong máu.

Nhiều "bợm nhậu" thường rỉ tai nhau những cách qua mặt máy đo nồng độ cồn như: ngậm vài đồng xu trong miệng sau khi uống, nuốt một chút nước xúc miệng, ăn thực phẩm có mùi khó chịu, ngậm trà khô… nhưng các phương pháp này chỉ "thỉnh thoảng" đánh lừa được những máy đo cũ, áp dụng phương pháp phản ứng hóa học. Tuy nhiên chúng không thể qua mặt những máy đo hiện đại và liên tục được cập nhật, nâng cấp ngày nay.

Dân tình đua nhau tìm mua máy đo nồng độ cồn cầm tay, nhưng hãy cẩn thận với các thiết bị siêu rẻ này - Ảnh 3.

Các sản phẩm giá rẻ không nhãn mác, xuất xứ được bán tràn lan trên thị trường.

Từ các thông tin trên, có thể thấy máy đo nồng độ cồn là thiết bị đòi hỏi độ chính xác cao, áp dụng công nghệ hiện đại. Do đó, chúng không hề rẻ. Qua tìm hiểu, các thiết bị nhập ngoại đang được bán trên thị trường, rẻ nhất cũng giao động trong khoảng từ 1 triệu đồng trở lên. Một số dòng máy sử dụng công nghệ cũ hoặc đang chạy khuyến mại, cũng chỉ có giá là 750.000 đồng. Còn các dòng máy cao cấp sử dụng công nghệ hiện đại có thể lên tới cả chục triệu đồng.

Thế nhưng, dạo quanh một số trang thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay, người tiêu dùng hoàn toàn có thể bắt gặp được các mẫu máy đo nồng độ cồn được rao bán với giá khoảng 100.000 đồng tới 500.000 đồng. Đặc điểm chung của chúng là không rõ xuất xứ, không rõ nguồn gốc thậm chí không có tên gọi rõ ràng. Nhiều mẫu thiết bị được quảng cáo với tên gọi chính là tính năng, thậm chí cả hàng có xuất xứ nước ngoài (mà chủ yếu là Trung Quốc).

Hầu hết chúng đều có thiết kế nhỏ gọn, với màn hình hiển thị LCD và các nút bấm tối giản. Tất nhiên, các sản phẩm này đều không có hướng dẫn sử dụng, thông tin bảo hành. Nhiều thiết bị còn đăng thông tin kỹ thuật là chỉ số tỉ lệ cồn trong máu BAC (Blood Alcohol Concentration) rất thấp, ngang ngửa với các thiết bị chuyên dụng có giá vài triệu đồng. Một vài thiết bị còn không có ống thổi riêng, người dùng phải thổi hơi qua các lỗ bé như... loa trên điện thoại di động.

Dân tình đua nhau tìm mua máy đo nồng độ cồn cầm tay, nhưng hãy cẩn thận với các thiết bị siêu rẻ này - Ảnh 4.

Các biện pháp qua mặt máy đo nồng độ cồn được truyền miệng gần như vô dụng với các dòng máy đo hiện đại.

Chỉ bằng cảm quan cũng có thể nhận ra đây là các sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng không chính hãng. Cho dù có thể phần nào hiển thị thông số về độ cồn, chúng cũng không chính xác và bị sai lệch. Nếu tin tưởng vào các con số này, tài xế có thể gặp các vấn đề không mong muốn, với chính an toàn của bản thân chứ chưa nói tới cảnh sát giao thông.

Do đó, người dùng nên cẩn trọng trong việc tự mua sắm các loại máy đo nồng độ cồn. Nên lựa chọn các cửa hàng, cơ sở đảm bảo uy tín và chất lượng, cũng như kiểm tra kỹ thiết bị trước khi mua, chọn nơi có chế độ sửa chữa và bảo hành hợp lý. Tuy nhiên, phương pháp tốt và an toàn nhất vẫn là nếu đã xác định phải uống bia rượu thì hãy sử dụng các dịch vụ taxi hay Grab khi ra về.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại