Lái chính đã mất tập trung trong vụ hạ cánh nhầm của máy bay Vietjet
Sáng nay, 27/12, Bộ GTVT đã họp khẩn liên quan đến các sự cố an toàn hàng không liên quan đến hãng hàng không Vietjet Air. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì buổi làm việc .
Báo cáo tại đây, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho hay, vụ máy bay Vietjet hạ cánh nhầm đường băng ở Cam Ranh ngày 25/12 xuất phát từ quá trình máy bay quay lại hạ cánh tại Cam Ranh do có cảnh báo mất áp suất trọng lực của càng trước.
Trong quá trình hạ cánh, lái chính người Philippines (11.000 giờ bay) quá chú trọng tới tình trạng càng trong khi lái phụ (người Việt) đang thực hiện thao tác thả càng. Vì thế lái chính đã mất tập trung, lệch hướng hạ cánh khi tiếp cận đường băng.
Không lưu phát hiện và đã nhắc lái chính hướng tiếp cận, tuy nhiên tổ lái không điều chỉnh kịp và hạ vào đường băng xây dựng xong chưa khai thác. Qua làm việc với tổ bay, lái chính cho biết lúc đó thấy đường băng bên cạnh cũng rộng rãi nên hạ xuống đó.
Ông Thắng nhận định, trong tình huống trên, không lưu đã làm đúng, mang ống nhòm quan sát để thông báo tổ bay là càng đã thả ra chưa. Tuy nhiên, lỗi đã xảy ra do lái chính quá lo lắng tình trạng của càng trước máy bay nên mất tập trung.
Quang cảnh buổi họp sáng nay.
Về nguyên nhân vụ máy bay Vietjet bị văng 2 bánh trước ở sân bay Buôn Ma Thuột sự cố xảy ra khi tiếp đất. Cụ thể là bánh mũi (bánh trước) tiếp đất trước trong khi thiết kế của máy bay không cho bánh mũi tiếp đất trước mà là bánh sau.
Theo ông Thắng, hiện Cục đang chờ thêm kết luận của cơ quan điều tra sự cố hàng không Châu Âu. Nhưng cơ bản nhận định phi công tiếp đất có lỗi khi ngắt hệ thống lái tự động hơi sớm.
Về quy trình không sai nhưng trong điều kiện kỹ thuật bình thường không nên tắt sớm. Trường hợp này có thể kéo lái, thoát lên để bay lại nhưng tổ bay không xử lý được.
Giám sát đặc biệt với Vietjet
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng vấn đề an toàn hàng không đang rất nóng, phải lấy an toàn làm trên hết.
Ông Thể cũng yêu cầu phải làm việc với các hãng, có đền bù quyền lợi cho khách hàng trong các sự cố như hạ cánh khẩn cấp.
Đồng thời, phải rà soát lại chất lượng máy bay, kể cả máy bay thuê và mua. Kiểm tra chất lượng phi công, nhất là phi công nước ngoài do không hiểu địa hình khai thác của Việt Nam, như trong vụ việc Cam Ranh. Ngoài ra, cần rà soát lại quy trình của cán bộ kỹ thuật.
Ông nói, tất cả phải lấy an toàn hàng không làm trên hết. Những vấn đề khác như doanh thu, lợi nhuận phải đứng sau, toàn bộ các chuyến bay trước khi khởi hành phải đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Bên cạnh đó, với máy bay, hiện có một sự cố, điển hình như hạ cánh ở Đài Loan lỗi ở thiết kế, phải làm việc với các hãng để đền bù quyền lợi cho hành khách vì khi hạ cánh như vậy hành khách rất sợ.
"Phải có hợp đồng ràng buộc trách nhiệm với các hãng sản xuất máy bay. Người dân đi trên những chuyến bay đó yêu cầu một lời xin lỗi và đền bù thiệt hại. Phải sòng phẳng", Bộ trưởng nhấn mạnh.
"Yếu tố con người cực kỳ quan trọng, liên quan đến phi công, cán bộ kỹ thuật. Tất cả các sự cố xảy ra gần đây sớm phải có kết luận cuối cùng công bố công khai cho người dân giám sát và xử lý kỷ luật với các đối tượng liên quan", Bộ trưởng nêu.
Người đứng đầu ngành giao thông cũng yêu cầu giám sát đặc biệt Vietjet do xảy ra nhiều sự vụ, kiểm tra quy trình các chuyến bay tăng cường để xem có đúng tiêu chí không
"Sắp tới Tết lưu lượng hành khách tăng nhanh, đã xây dựng kế hoạch tăng chuyến, nhưng trước mắt không cho Vietjet tăng chuyến mà tổng kiểm tra rà soát và có đề xuất sau", ông Thể nhấn mạnh.
Lập 7 đoàn giám sát đặc biệt với Vietjet
Trước đó, Cục Hàng không VN vừa lập 7 đoàn công tác thực hiện kiểm tra giám sát đặc biệt đối với hãng hàng không Vietjet từ 28/12/2018 đến ngày 15/01/2019.
Các đoàn công tác sẽ thực hiện kiểm tra này sẽ tập trung kiểm tra tàu bay tại sân, kiểm tra trên chuyến bay; Kiểm tra công tác chuẩn bị chuyến bay, lập kế hoạch bay, công tác phục vụ mặt đất, công tác đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ khai thác bảo dưỡng tàu bay; Kiểm tra công tác đảm bảo vật tư, khí tài; việc tổ chức và thực hiện bảo dưỡng ngoại trường; Kiểm tra công tác huấn luyện Người lái tàu bay và kiểm tra an toàn khai thác trên chuyến bay.
Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho biết, sau ngày 15/1, nếu Vietjet đáp ứng được toàn bộ yêu cầu, đảm bảo tuyệt đối công tác an toàn, việc kiểm tra sẽ được dỡ bỏ. Trường hợp ngược lại, Cục Hàng không VN sẽ sẽ chuyển sang giám sát đặc biệt giai đoạn 2.