Từ giữa tuần trước, tranh cãi chuyện Nhật Bản phải bồi thường cho lao động Hàn Quốc trong thời kỳ chiếm bán đảo Triều Tiên làm thuộc địa từ năm 1910-1945 rẽ sang một hướng khác khi các biện pháp hạn chế xuất khẩu của chính phủ Nhật bắt đầu có hiệu lực.
Các biện pháp này sẽ hạn chế cung cấp những sản phẩm chuyên biệt cần cho chế tạo thiết bị bán dẫn, màn hình máy tính và điện thoại thông minh cho Hàn Quốc.
Nhật Bản đang cân nhắc thắt chặt xuất khẩu hơn nữa các sản phẩm xuất sang Hàn Quốc, các nguồn tin chính phủ Nhật Bản hôm nay cho biết. Bước đi này rõ ràng nhằm gia tăng sức ép lên Seoul phải xuống thang. Danh sách hạn chế sẽ được mở rộng, có thể bao gồm linh kiện điện tử và các vật liệu có thể sử dụng vào mục đích quân sự.
Coi đây là sự vi phạm nguyên tắc tự do thương mại, Seoul dọa sẽ kiện Nhật Bản lên Tổ chức Thương mại thế giới.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 3/7 bảo vệ quan điểm kiểm soát xuất khẩu.
“Chúng ta không thể trao quy chế ưu đãi vẫn được áp dụng cho đến nay, vì nước kia không giữ lời hứa”, ông Abe nói trong bài tranh luận trên truyền hình với lãnh đạo các chính đảng khác, vào thời điểm chỉ còn 1 ngày là bắt đầu cuộc chạy đua cho cuộc bầu cử Thượng viện hôm 21/7.
“Điều này không đi ngược lại các thỏa thuận với WTO chút nào”, ông Abe nói.
Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 2/7 ở Tokyo, Tổng thư ký Nội các Nhật Yoshihide Suga nói rằng các biện pháp hạn chế xuất khẩu được áp dụng vì lý do an ninh quốc gia chứ không phải bước đi trả đũa Hàn Quốc .
Nhưng người phát ngôn chính phủ Nhật cũng khẳng định rằng Hàn Quốc “không đề xuất một giải pháp thỏa đáng đối với vấn đề cựu lao động trên bán đảo Triều Tiên trước thềm thượng đỉnh G20 nên chúng tôi không thể nói khác rằng quan hệ tin tưởng nhau đã bị tổn hại nghiêm trọng”.
Tokyo cho rằng Hàn Quốc đã châm ngòi cho tranh cãi lần này sau khi tòa án của Hàn Quốc năm ngoái ra phán quyết rằng các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho những người Hàn Quốc bị ép làm việc trong những nhà xưởng và hầm mỏ để phục vụ cỗ máy chiến tranh của Nhật ngày xưa.
Lo ngại hiện nay là căng thẳng lần này giữa hai đối tác thương mại và đồng minh của Mỹ có thể vượt tầm kiểm soát.
“Tình hình đã bắt đầu chuyển sang chiến tranh kinh tế, và điều này rất nguy hiểm”, Bloomberg dẫn lời ông Daniel Sneider, giảng viên về chính sách quốc tế tại ĐH Stanford và từng viết sách về quan điểm của người Hàn Quốc và Nhật Bản đối với lịch sử chung của họ như thế nào.
Mỹ có truyền thống sẽ can thiệp khi căng thẳng gia tăng giữa 2 nền kinh tế lớn ở châu Á vì cả hai đều đối mặt với mối đe dọa an ninh từ Triều Tiên và cái bóng ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực.
Nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây bày tỏ hoài nghi chuyện Mỹ đặt lực lượng đồn trú ở Nhật Bản và Hàn Quốc, và chính quyền của ông cũng vô can khi hai đồng minh này của mình căng thẳng với nhau. Ông Trump đến Nhật Bản và Hàn Quốc vào cuối tuần qua, nhưng không đưa ra phát biểu công khai nào để giúp giảm xung đột, ông Sneider nói.
Trách nhiệm của Mỹ
“Người Mỹ luôn hiểu rằng gia tăng căng thẳng giữa 2 đồng minh chủ chốt của họ ở Đông Bắc Á là một mối đe dọa đối với các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Nhưng chính phủ Mỹ lần này đã từ bỏ trách nhiệm”, ông Sneider nói.
Một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ cần duy trì quan hệ gần gũi khi đang cùng đối mặt với các thách thức chung ở khu vực.
Mỹ đã giúp kết nối cho một thỏa thuận năm 1965 giữa Nhật Bản và Hàn Quốc mà theo đó Tokyo bồi thường khoảng 300 triệu USD cho Hàn Quốc. Thỏa thuận này tuyên bố mọi trách nhiệm “đều đã được giải quyết hoàn toàn và cuối cùng”. Chính phủ Hàn Quốc hồi đó dùng khoản tiền để rót vốn cho các ngành công nghiệp.
Nhưng thỏa thuận đó không làm dịu bớt cảm xúc của người Hàn Quốc đối với vấn đề lao động cưỡng ép, chuyện phụ nữ nước này bị ép phục vụ trong các nhà thổ của quân đội Nhật Bản thời chiến, cũng như tranh chấp chủ quyền giữa hai nước đối với một quần đảo mà cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền. Trong những lần căng thẳng trước đây, Hàn Quốc thường kiềm chế để tránh ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế.
Nhưng tình hình thay đổi sau khi có quyết định của Tòa án tối cao Hàn Quốc, trong đó tuyên 18 nguyên đơn cần được bồi thường khoảng 88.000 USD – 134.000 USD mỗi người. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng hiệp ước trước đây không thể ngăn người dân Hàn Quốc kiện các công ty Nhật, và quyết định của tòa cần được tôn trọng.
Nếu vụ kiện này mở rộng thêm, các nhà lịch sử học ước tính sẽ có hàng trăm ngàn người Hàn Quốc từng bị ép lao động đệ đơn lên toàn. Vài chục đơn kiện như vậy nhằm đòi bồi thường từ khoảng 70 công ty Nhật Bản vẫn đang bị treo, theo số liệu từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản.
“Vấn đề lao động cưỡng bức không phải vấn đề lịch sử, mà là chuyện một thỏa thuận quốc tế giữa hai nước có được thực hiện hay không”, ông Abe nói hôm 3/7 để trả lời câu hỏi về quan điểm đối với tranh cãi lần này.
Động thái hạn chế xuất khẩu vật liệu chip sang Hàn Quốc có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho các chuỗi cung ứng toàn cầu và làm gián đoạn hoạt động của nhiều công ty công nghệ Hàn Quốc, bao gồm các tập đoàn lớn như Samsung và SK, hãng đánh giá Moody viết trong báo cáo đưa ra hôm 2/7. Các hãng Hàn Quốc hạ thấp tác động tiêu cực, nhưng cổ phiếu của họ đã giảm giá mạnh sau những thông tin này.