Mặt tối ít biết của giấc mộng "vàng" Trung Quốc

Kim Thiền |

Phía tối đằng sau thành tích huy hoàng trên đấu trường Olympic của Trung Quốc là thân phận những vận động viên bị vứt bỏ không thương tiếc, khi đã "hết hạn sử dụng".

Viên đạn cuối cùng

"Viên đạn cuối cùng. Không khí xung quanh anh như đông cứng lại. Mọi người nín thở. Viên đạn cuối cùng nặng trĩu. 

Treo trên nó là niềm tự hào của cả quê hương, của dân tộc Trung Hoa vĩ đại. Anh bóp cò. Chín điểm. Hứa giành huy chương vàng với đúng 1 điểm cách biệt.

Với phát súng cuối cùng của mình, Hứa Hải Phong không chỉ đem về cho Trung Quốc tấm huy chương vàng Olympic đầu tiên, mà đấy còn là phát súng tuyên bố với cả thế giới rằng họ có thêm một đối thủ mạnh mẽ và tham vọng trên đấu trường Thế vận hội Olympic."

Trên đây là đoạn trích trong câu chuyện được viết vào sách giáo khoa tiểu học Trung Quốc. 

Thế vận hội Los Angeles 1984, Hứa Hải Phong là người đầu tiên đem huy chương vàng Olympic về cho Trung Quốc, tạo nên một cơn bão lửa truyền thông, thổi bùng niềm tự hào dân tộc.

Mặt tối ít biết của giấc mộng vàng Trung Quốc - Ảnh 1.

Cú bắn đưa Trung Quốc lần đầu tiên lên ngôi tại đấu trường Olympic.

Viên đạn cuối cùng của Hứa Hải Phong cũng là viên đạn đầu tiên cuốn cả đất nước Trung Hoa vào cơn sốt khủng khiếp, lôi phăng theo nó không biết bao nhiêu những tài năng bị đánh cắp đi tuổi thơ, thậm chí cả cuộc đời, cho những tham vọng trên trường thể thao quốc tế.

Hai mươi tư năm sau phát đạn của Hứa Hải Phong, 30.000 vận động viên Trung Quốc phải tập luyện toàn thời gian để phục vụ cho tham vọng đoạt lấy ngôi đầu thế giới tại Olympic Bắc Kinh 2008.

Chỉ có 639 vận động viên Trung Quốc được chọn tham gia tranh tài tại đây. Tính theo tỷ lệ, thì cứ 1 vận động viên được đặt chân vào đấu trường danh giá này, thì có 46 người khác phải đứng lại phía sau, rơi vào sự lãng quên hoàn toàn.

Số 1, hoặc không gì cả

Tại Olympic London 2012, hai vận động viên bắn súng Trung Quốc chia nhau huy chương trong nội dung súng trường hơi 10 mét. 

Dịch Tư Linh đoạt huy chương vàng, còn Vũ Dân giành huy chương đồng. Hai nữ vận động viên được đối xử khác nhau bởi một trời cách biệt.

Vũ Dân không nhận được bất cứ lời khen thưởng nào từ các lãnh đạo ngành. Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc không có bất cứ một khung hình nào có mặt Vũ Dân. 

Sau hàng giờ phỏng vấn nhà vô địch, các phóng viên mới phát hiện Vũ Dân đã lặng lẽ đi về tự lúc nào.

Mặt tối ít biết của giấc mộng vàng Trung Quốc - Ảnh 2.

Với người Trung Quốc, chỉ có chiếc huy chương vàng của Dịch Tư Linh mới có ý nghĩa.

"Đất nước này không dành sự tôn trọng cho bất cứ điều gì khác ngoài chiếc huy chương vàng lấp lánh. Một bi kịch mang nặng sự cố hữu của người Trung Quốc" - một bài viết nhận được rất nhiều phản hồi trên mạng Weibo đã phải cay đắng thốt lên.

Ngay sau đó, khi vận động viên trẻ Châu Tuấn thất bại trong nỗ lực chinh phục chiếc huy chương vàng cử tạ hạng cân 53kg, rất nhiều báo lớn Trung Quốc chạy chung một tiêu đề "Sự thất bại nhục nhã nhất của đội cử tạ nữ Trung Quốc".

Trong suy nghĩ của không ít người Trung Quốc, bất cứ thất bại nào trên đấu trường Olympic đều khó lòng chấp nhận được và nhiệm vụ của các vận động viên là phải đem về vinh quang cao nhất.

Tận cùng vinh quang là bi kịch

Ngải Đông Mai, nhà quán quân marathon ngày nào của Trung Quốc với 19 HCV ở các giải đấu quốc tế giờ sau khi giải nghệ phải kiếm sống bằng nghề bán hàng rong trên đường phố, với đôi bàn chân dị dạng - hậu quả của phương pháp tập luyện khắc nghiệt.

Người khổng lồ cao đến 2m16 Hoàng Thành Nghĩa - vận động viên bóng rổ từng là đối trọng ngang tài ngang sức của huyền thoại Yao Ming, sau chấn thương dẫn đến liệt cột sống, nay phải sống trên xe lăn ở khu nhà tạm, nhờ vào thu nhập từ việc nhặt rác của người mẹ già.

Mặt tối ít biết của giấc mộng vàng Trung Quốc - Ảnh 3.

Hoàng Thành Nghĩa giờ đây phải trông cậy tất cả vào mẹ già.

Công việc đầu tiên mỗi buổi sáng của nhà cựu vô địch cử tạ Chou Chunlan là... nhổ râu, do cơ thể bị nam hóa từ việc tập luyện quá sớm và dùng chất kích thích. 

Cựu vận động viên sinh năm 1971 này hàng ngày vẫn phải kiếm cơm bằng công việc lau dọn tại một nhà tắm công cộng.

Lưu Phi, cô gái vàng của thể dục dụng cụ Trung Quốc một thời không thể tìm nổi được một công việc sau khi giải nghệ. 

Cả gia đình cô phải sống trong một căn phòng nhỏ hẹp và ọp ẹp. Món đồ "đáng giá" nhất trong nhà là chiếc TV 14' hiệu Phượng Hoàng có tuổi đời gần 20 năm.

Mặt tối ít biết của giấc mộng vàng Trung Quốc - Ảnh 4.

Đấy là những vận động viên từng đạt đến đỉnh cao thể thao thế giới. Còn những vận động viên cấp thấp hơn thì sao? 

Theo thống kê của China Sport Daily, trung bình khoảng 80% các vận động viên giải nghệ phải sống trong tình trạng thất nghiệp, nghèo đói và các bệnh mãn tính là di chứng của việc tập luyện quá độ.

Công nghệ "đúc" huy chương Olympic

Sau thành công ở Olympic Bắc Kinh, trong một buổi giao lưu trực tuyến, một quan chức thể thao Trung Quốc đã nói: 

"Thế vận hội như một bữa tiệc, nơi mọi người đang đánh bài và vui vẻ cười đùa cùng nhau. Rồi một con bạc chuyên nghiệp xuất hiện, và vét sạch tiền trong túi mọi người."

"Con bạc chuyên nghiệp" được nhắc đến chính là Trung Quốc. Với tham vọng đứng đầu, Trung Quốc làm mọi điều để được vinh danh trên đấu trường thể thao đỉnh cao thế giới. Ở Trung Quốc, hãy quên ngay khái niệm "thể thao học đường" đi.

Mặt tối ít biết của giấc mộng vàng Trung Quốc - Ảnh 5.

Các vận động viên đỉnh cao Trung Quốc đều được khổ luyện từ khi còn rất bé.

Các nhà tuyển trạch sẽ "săn" những nhà vô địch tương lai từ những đứa trẻ 6 tuổi, để đưa về đào tạo mà không cần quan tâm chúng có thích thú với thể thao, hạy thực sự phù hợp với môn thể thao được "chọn hộ" hay không. 

Ví dụ như môn bơi, các tuyển trạch viên với các thiết bị đo sẽ đến trường để chọn lựa các em có thể hình, thể chất phù hợp và đôi bàn chân to mà chẳng cần biết các em có thích hay không.

Riêng với các môn thể dục hay võ, độ tuổi được giảm xuống còn 4.

Các vận động viên tương lai được chọn sẽ bắt buộc phải xa gia đình, dấn thân vào những ngày tháng không biết gì khác ngoài tập luyện. 

Thậm chí khi người thân mất hoặc bệnh nặng, chúng cũng không được thông báo vì sợ ảnh hưởng đến quá trình đào tạo.

Mặt tối ít biết của giấc mộng vàng Trung Quốc - Ảnh 6.

Những "viên ngọc sáng" hiếm hoi trong hàng vạn "cục đá chứa ngọc" sẽ được tập trung đào tạo. 

Số còn lại bị thải ra không thương tiếc, chẳng cần biết sẽ tiếp tục cuộc sống thế nào sau những năm tháng chỉ biết mỗi tập luyện, trong những "trại tập trung" bị cô lập với thế giới bên ngoài.

Ở thế vận hội Sydney 2000, nữ vận động viên thể dục đoạt huy chương đồng Dong Fiangxiao đã bị tước huy chương vì em mới có 14 tuổi, trong khi tuổi quy định tham dự Olympic là 16.

Cuốn theo giấc mộng bá vương

Viên đạn cuối cùng 32 năm trước của Hứa Hải Phong đã nằm lại ở vòng bia số 9, nhưng cơn mộng bá vương của nó vẫn cuốn cả đất nước Trung Quốc theo cơn lốc xưng vương thế giới đến mãi tận bây giờ.

Sau thành công tột đỉnh ở Olympic 2008 tại Bắc Kinh, người Trung Quốc đánh mất ngôi đầu vào tay Mỹ, và Olympic Rio 2016 là cơ hội để họ đòi lại vị thế của mình đến đấu trường thể thao danh giá nhất hành tinh.

Mặt tối ít biết của giấc mộng vàng Trung Quốc - Ảnh 7.

Ngọn lửa tham vọng trên đấu trường Olympic của Trung Quốc chưa bao giờ thôi bùng cháy.

Người Trung Quốc vẫn miệt mài với những chương trình đào tạo vận động viên đỉnh cao đầy khắc nghiệt và rải lại sau lưng nó hàng vạn những mảnh đời bi kịch.

Các vận động viên nhỏ tuổi vẫn miệt mài với cường độ tập luyện 8 tiếng mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần, chỉ có được 15 phút giải lao sau mỗi 3 tiếng đồng hồ tập luyện. 

Những gia đình vẫn ngóng đợi ngày con mình mang vinh quang về cho đất nước, cùng tương lai tươi sáng cho bản thân.

Gần 30.000 vận động viên chuyên nghiệp bị bỏ rơi lại sau thành công của Trung Quốc tại Olympic Bắc Kinh. 

Trong con số 639 vận động viên may mắn được tham dự ngày ấy, liệu sẽ có bao nhiêu Yao Ming, và bao nhiêu Lưu Phi, Hoàng Thành Nghĩa, Ngải Đông Mai... phải nhận hậu quả của giấc mộng bá vương?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại