Đại gia giả mạo
Theo đơn tố giác tội phạm của chị L.T.L (SN 1993, trú tại phường Hàng Kênh, quận Lê Chân), khoảng tháng 6-2019, thông qua một mối quan hệ gia đình, chị L. có quen biết Phạm Phi Long là một đại gia, có nhiều mối quan hệ, quen biết với các tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam.
Đặc biệt, nhờ các mối quan hệ đó mà Long có khả năng mua các suất ngoại giao tại các dự án bất động sản trên địa bàn Hải Phòng.
Do tin tưởng, chị L. đã đưa cho đối tượng này 70 triệu đồng để nhờ làm thủ tục mua nhà trả góp tại chung cư Đổng Quốc Bình, thuộc dự án của Tập đoàn Hoàng Huy.
Dự kiến tháng 4-2020 sẽ giao nhà và thanh toán nốt số tiền còn thiếu. Để thêm tin tưởng, Long còn đưa cho chị L. một hợp đồng thuê nhà có chữ ký, con dấu của Công ty TNHH MTV quản lý và kinh doanh nhà Hải Phòng.
Phiên tòa xét xử Nguyễn Văn Thái.
Bẵng đi một thời gian, Long không có động thái gì về việc mua nhà như đã hứa mà còn cắt luôn liên lạc với chị L..
Chị này đã mang hợp đồng đã ký trước đó đến Công ty TNHH MTV quản lý và kinh doanh nhà Hải Phòng hỏi và được biết đây không phải hợp đồng do công ty này phát hành. Biết mình bị lừa, chị này đã đến Công an quận Lê Chân trình báo sự việc.
Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công an quận Lê Chân đã phối hợp với Công an quận 2 (TP. Hồ Chí Minh) điều tra xác minh vụ việc và thu thập thông tin về đối tượng Phạm Phi Long.
Căn cứ vào các chứng cứ đã thu thập được, ngày 21-4, CQĐT đã bắt được đối Long tại chung cư Sarimi (Quận 2) khi y đang chuẩn bị bỏ trốn sang nước ngoài.
Ngay sau đó, Công an quận Lê Chân đã khởi tố vụ án hình sự và ra quyết định khởi tố bị can ra lệnh tạm giam đối với Phạm Phi Long để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Qua điều tra, cơ quan chức năng đã thu thập đầy đủ chứng cứ về hành vi và thủ đoạn của đối tượng. Cụ thể vào khoảng tháng 3-2019, Phạm Phi Long gặp chị N.M.H (SN 1987, trú tại quận Hải An, Hải Phòng) tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh).
Thấy chị H. có chút nhan sắc, Long đã chủ động tán tỉnh và tìm mọi cách để xin được số điện thoại của chị này. Quá trình làm quen với chị H., Long luôn thể hiện mình là một đại gia, sinh năm 1974 và hiện đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh.
Với vẻ ngoài điển trai và khả năng giao tiếp tốt, sau khi quen biết và qua lại gia đình nhà chị H., Long đã tạo được sự tin tưởng của bạn bè cũng như người thân của chị này.
Trong mỗi cuộc trò chuyện, đối tượng luôn tìm cách để khoe khoang, nhấn mạnh về gia thế "khủng" của mình như có bố mẹ đang định cư ở Mỹ, thường xuyên làm việc với các quan chức Việt Nam.
Đặc biệt, đối tượng khoe khoang rằng gia đình mình hiện đang sở hữu một tập đoàn kinh tế lớn có nhiều hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và có vốn đầu tư trong các tập đoàn kinh tế lớn ở Việt Nam.
Trước "phông bạt" để tô vẽ mình như một đại gia lắm tiền nhiều của, ai nghe chuyện cũng tin tưởng vào sự giàu có của Phạm Phi Long mà không mảy may nghi ngờ hay tìm cách xác minh các thông tin mà đối tượng đã đưa ra.
Đám cưới giả trị giá gần 20 tỷ đồng
Kết thúc quá trình tìm hiểu, Long ngỏ lời đi đến hôn nhân cùng chị H. Tháng 9-2019, Long thuê một ê kip từ TP Hồ Chí Minh ra Hải Phòng để làm đám hỏi giả với chị H. trong khi gia đình và họ hàng chị này không hề hay biết.
Với sự tin tưởng vào chú rể mới và tấm "phông bạt" Long đã dựng lên trước đó, sau khi nghe đối tượng giới thiệu về những suất mua nhà ngoại giao tại dự án chung cư trên địa bàn phường Đổng Quốc Bình với giá chỉ 550 triệu đồng/căn, nhiều người đã nhờ vả Long mua giúp cho mình một suất.
Đối tượng Phạm Phi Long. |
Để mọi người tin tưởng, Long đã lấy mẫu hợp đồng cho thuê nhà theo mẫu của Công ty TNHH MTV quản lý và kinh doanh nhà Hải Phòng, làm con dấu giả và nghiên cứu chữ ký của giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý và kinh doanh nhà Hải Phòng, soạn thảo sẵn các hợp đồng giả để nhận tiền cọc từ người thân bên "vợ".
Với thủ đoạn này, Phạm Phi Long đã lừa nhiều nạn nhân trong gia đình người vợ hờ để chiếm đoạt rất nhiều tài sản. Qua điều tra xác minh, Công an quận Lê Chân xác định đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt của 12 bị hại nhờ thủ đoạn nói trên với số tiền 19 tỷ 411 triệu đồng.
Đồng thời, Công an cũng xác minh được, đối tượng Phạm Phi Long thực chất sinh năm 1980, quê quán tại Bảo Lộc (Lâm Đồng). Bố mẹ Long không có nghề nghiệp, bị vỡ nợ phải chuyển đi nơi khác, hiện không rõ địa chỉ. Long cũng cho biết, nhiều năm nay đã không gặp mặt bố mẹ mình.
Khi vụ việc trên xảy ra, nhiều người trong cuộc tỏ ra vô cùng bất ngờ trước thủ đoạn đã cũ lại khiến nhiều người mắc bẫy.
Bởi ngay trong khi Phạm Phi Long đang tiến hành thủ đoạn lừa gạt gia đình nhà chị H. thì ngay tại Hà Nội, một đối tượng sử dụng thủ đoạn tương tự cũng phải ra đứng trước vành móng ngựa, đó là Nguyễn Văn Thái (SN 1989, trú tại huyện Ứng Hòa).
Vào đầu tháng 11-2019, Thái bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 9 năm 9 tháng tù vì hai tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Hội đồng xét xử xác định Nguyễn Văn Thái là đối tượng không có nghề nghiệp ổn định, ly thân sau một một năm kết hôn.
Đầu năm 2014, thông qua mạng xã hội, đối tượng đã làm quen với với cô gái mới tốt nghiệp cao đẳng tên H.T.T. Để dễ dàng làm quen cô gái, Thái dựng lên cho mình một nhân dạng giả tên Quân, một sĩ quan quân đội có bố mẹ là cán bộ về hưu.
Thái cho biết, mình vừa muốn lừa tình lại muốn lừa tiền của T. nên khi biết nạn nhân có nhu cầu xin việc làm, Thái nói chỉ cần gia đình đưa trước 50 triệu đồng, mình sẽ lo được cho T. làm kế toán ở cơ quan nhà nước.
Do đã tin tưởng đối tượng trong các cuộc trò chuyện trước đó, gia đình chị T. tin và đưa tiền cho đối tượng. Để cho nạn nhân thêm tin tưởng, Thái thuê hai tài xế xe ôm đóng giả bố mình gọi điện thoại cho gia đình chị T. khoác lác về thủ tục xin việc vào tập đoàn viễn thông lớn và yêu cầu đưa thêm tiền. Tổng cộng, gia đình T. đã giao cho Thái 600 triệu đồng. Trong khi chờ xin việc, Thái cũng sống chung như vợ chồng với chị T.
Đầu năm 2016, sau nhiều lần hứa hẹn mà vẫn không được đi làm, chị T. đã đòi tiền. Thái trả được 200 triệu đồng rồi khất lần.
Cuối năm 2016, chị T có thai nên giục cưới và đăng ký kết hôn. Thái lại thuê một phụ nữ đóng giả làm mẹ đến hỏi cưới. Hôn lễ diễn ra nhưng hai người không đăng ký kết hôn.
Khi đã là vợ chồng, đối tượng còn mang chiếc xe Airblade của "vợ" đi cầm cố lấy 10 triệu đồng. Sự việc chỉ bại lộ vào thời điểm cuối năm 2017, khi chị T. liên tục đòi tiền không được. Không còn kiên nhẫn trước gã chồng lừa đảo, chị này đã trình báo sự việc lên Công an.
Tại phiên tòa, Thái đã khai nhận mọi hành vi của mình và cho biết, số tiền còn nợ gia đình nhà "vợ" là do mang đi kinh doanh.
Chị T., nạn nhân của vụ lừa đảo do gã sở khanh gây ra cũng xin xét xử vắng mặt nhưng vẫn gửi một bức thư đến phiên tòa, Trong thư, chị T. viết: "Bị cáo vì học thức kém, bố mẹ không dậy bảo nên phải chịu hậu quả hôm nay. Tôi và bị cáo cũng có một con chung nên xin giảm hình phạt nhẹ nhất.
Mọi việc xảy ra người thiệt thòi nhất không phải tôi hay bị cáo mà là đứa con chung".
Nhìn từ vụ việc này mới thấy được hậu quả để lại trong vụ việc của chị N.M.H vẫn chưa nặng nề vì nó còn dừng lại ở thiệt hại vật chất.
Tuy nhiên, đó cũng là những bài học cảnh tỉnh cho các cô gái nhẹ dạ cả tin, dễ bị những lời đường mật của kẻ sở khanh dẫn dắt để dâng hiến bản thân lẫn tiền bạc.
Những sự việc tương tự sẽ vẫn còn xảy ra nếu các nạn nhân không biết cảnh giác trước những lời giả dối phát ra từ mồm của những kẻ sở khanh.