Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM đã điều chỉnh và hoàn thiện các nội dung kiến nghị cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực TN-MT để đưa vào dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14. Trong đó có 11 nội dung liên quan đến lĩnh vực đất đai và 5 nội dung liên quan đến môi trường. Riêng lĩnh vực môi trường, TP HCM đề xuất cho phép sử dụng thiết bị công nghệ hỗ trợ để giám sát và làm căn cứ xử lý các hành vi vi phạm.
Xả rác tràn lan, tiểu tiện bừa bãi
Những ngày cuối tháng 11-2022, người dân đi qua đường Linh Trung, đoạn giao với đường song hành xa lộ Hà Nội (phường Linh Trung, TP Thủ Đức), rất khó chịu khi thấy cảnh rác chất thành đống, đầy ruồi nhặng. Trước đó, "điểm đen" rác thải này bị xóa sổ nhưng không lâu sau lại hình thành bởi những người thiếu ý thức.
Cách đó không xa, tại hầm chui Linh Trung (trước KCX Linh Trung I), xe đẩy, gánh hàng rong tụ tập buôn bán, phục vụ đông đảo công nhân. Sau buổi "họp chợ", rác tập kết thành ụ, tràn lan mặt đường, vỉa hè.
Nhiều con đường khác của TP Thủ Đức như Phạm Văn Đồng, Linh Đông, Đào Trinh Nhất…, rác cũng hiện diện khắp nơi, nhiều chỗ chất đống, bốc mùi hôi thối. Mà không chỉ ở TP Thủ Đức, rác hiện diện khắp nơi ở TP HCM, dưới lòng đường, trên vỉa hè, trong hẻm… bởi hiện vẫn còn không ít người thiếu ý thức, hay xả rác bừa bãi trong khi lực lượng vệ sinh môi trường không phải lúc nào cũng có mặt dọn dẹp.
Bên cạnh việc xả rác bừa bãi thì hành vi tiểu bậy vừa phản cảm vừa gây ô nhiễm môi trường cũng chưa có "thuốc đặc trị". Khoảng 19 giờ, tại lối đi bộ trước Bến xe Miền Đông cũ (đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, TP HCM), một tài xế xe công nghệ đang chạy trên đường thì bất ngờ xi-nhan rẽ trái, tấp xe vào lề đường. Xuống xe, người đàn ông vội vàng tiểu ngay vào bồn cây. Ghi nhận trong 15 phút, có đến 7 trường hợp tiểu bậy vào tường, cây cảnh ở khu vực này…
Người đi đường, tài xế xe ôm, thậm chí hành khách tay xách nách mang cũng xả thẳng "nỗi buồn" xuống đường trong đêm dù không thiếu camera hay biển hiệu dạng nhắc nhở: "Vì vệ sinh môi trường và sự sống của cây xanh. Xin đừng tiểu bừa bãi".
Sống xanh hơn nhờ camera giám sát
Kênh Hy Vọng (đoạn chạy dọc theo hẻm 503 Phạm Văn Bạch, phường 15, quận Tân Bình) từng là điểm đen về ô nhiễm môi trường do nạn xả rác trộm. Gần 2 năm qua, đoạn kênh này "thay da đổi thịt" từng ngày nhờ chính quyền địa phương lắp camera giám sát, tăng cường xử phạt những đối tượng xả rác lén.
Gần 2 năm qua, đoạn kênh Hy Vọng, đoạn qua phường 15, quận Tân Bình, TP HCM “thay da đổi thịt” từng ngày nhờ chính quyền địa phương lắp camera giám sát, tăng cường xử phạt những đối tượng xả rác trộm Ảnh: LÊ VĨNH
Chị Nguyễn Thị Ái Quỳnh, một người dân cư ngụ gần kênh Hy Vọng, cho hay trước đây người dân ngang nhiên chở rác đến kênh vứt. Rác gây tắc dòng chảy khiến khu vực này thường xuyên bị ngập mỗi khi mưa to. Ngoài ra, đoạn kênh bị ô nhiễm nghiêm trọng, bốc mùi hôi thối. "Từ ngày chính quyền địa phương lắp camera giám sát thì tình trạng vứt rác trộm tại đây giảm hẳn. Nhiều trường hợp đã bị cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt" - chị Quỳnh phấn khởi.
Ông Cao Văn Bộ (Tổ trưởng tổ 82, khu phố 4, phường 15) cho biết đoạn kênh Hy Vọng được UBND phường lắp camera giám sát vào cuối năm 2020. Nhờ đó, tình trạng xả rác bậy tại khu vực này đã giảm hơn 90%. "Sau khi lắp camera, mỗi khi phát hiện trong khu vực có đống rác bị vứt trộm, chúng tôi sẽ lập tức trích xuất thẻ nhớ để xác định rõ các thông tin liên quan như: thời gian vi phạm, đặc điểm nhận dạng, biển số xe. Sau đó, thông tin được chuyển đến lực lượng chức năng của phường để nhanh chóng truy tìm và xử phạt người vi phạm" - ông Bộ nói.
Từ khi lắp camera đến nay, tổ 82 đã xác định hơn 10 vụ đổ rác trộm, trong đó có 8 vụ truy tìm được thủ phạm. Hai vụ không tìm ra là do trời quá tối, không xác định được biển số xe.
Tận dụng hơn 42.000 "mắt thần" để xử phạt
Sở TN-MT TP HCM cho biết theo quy định, UBND cấp huyện, cấp xã chưa được sử dụng thiết bị ghi hình để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực vệ sinh nơi công cộng. Ngoài ra, Thanh tra Sở TN-MT, cảnh sát môi trường, công an xã cũng bị giới hạn bởi quy định thiết bị ghi hình (chủng loại, điều kiện sử dụng) để phát hiện, xử lý vi phạm về vệ sinh nơi công cộng. Trong khi đó, thực tế cho thấy hành vi xả rác, tiểu tiện không đúng nơi quy định thường xảy ra nhanh, khó bị phát hiện mà lực lượng kiểm tra tại địa phương còn hạn chế. Do đó, Sở TN-MT đánh giá việc sử dụng hệ thống camera để phát hiện vi phạm và làm cơ sở phạt nguội là rất cần thiết và phù hợp.
Theo Sở TN-MT, hiện nay, tại các khu dân cư trên toàn thành phố đã lắp đặt 42.366 camera an ninh kết hợp theo dõi, giám sát chất lượng vệ sinh môi trường. Do đó, nhằm hỗ trợ công tác xử phạt, trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, UBND TP HCM kiến nghị Chính phủ đồng ý việc TP HCM được thí điểm cho phép UBND các cấp được sử dụng thiết bị ghi hình để phát hiện và xử phạt trực tiếp đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường.
Đại diện Phòng Quản lý đô thị quận 3 ủng hộ giải pháp sử dụng camera ghi hình và làm căn cứ xử phạt hành vi xả rác, tiểu bậy nơi công cộng. Tuy nhiên, theo vị này, việc này cần làm quyết liệt, khoa học và kết hợp tuyên truyền vận động người dân chung tay bảo vệ môi trường thì mới phát huy hết hiệu quả.
Vứt rác trên vỉa hè bị phạt từ 1-2 triệu đồng
Nghị định 45/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có hiệu lực từ ngày 25-8. Điều 25 của nghị định quy định: hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng; hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Riêng hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hay hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố, thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng.
TSKH - KTS Ngô Viết Nam Sơn: Giúp tạo thói quen sống văn minh
Đề xuất của UBND TP HCM nếu được chấp thuận sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng thành phố sạch đẹp, văn minh. Tôi đề xuất thêm tại mỗi vị trí cần gắn bảng nơi này có camera giám sát để xử phạt hành vi xả rác, tiểu bậy cho người dân đừng vi phạm. Cách làm này sẽ giúp tạo thói quen không dám làm bậy của người dân. Chúng ta sử dụng camera như một công cụ giáo dục để người dân không làm bậy chứ không phải là xử phạt, tạo ngân sách.
Bên cạnh đó, dọc các dòng kênh như Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng cần có camera giám sát. Thông qua camera, người giám sát hệ thống sẽ phát hiện hành vi xả rác, tiểu bậy và thông báo ngay cho lực lượng chức năng xuống xử phạt. Thành phố hiện có hàng chục ngàn camera giám sát vệ sinh môi trường, đây là nguồn lực giúp cho đô thị sạch đẹp, an toàn hơn.
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP HCM:
Không nên quá cứng nhắc
Hành vi xả rác bừa bãi thì rất đáng bị phạt bởi đây không phải là việc bức bách mà không thể mang rác đặt đúng nơi quy định. Tuy nhiên, đối với hành vi tiểu bậy cần phải xem xét từng trường hợp cụ thể khi xử phạt chứ không nên đánh đồng, vì có trường hợp mắc bệnh đi tiểu không tự chủ thì họ không thể nhịn được. Do đó, cũng cần xem xét khu vực đó có nhà vệ sinh công cộng không, người có ý thức thì sẽ vào nhà vệ sinh chứ không đi ở ngoài.
Chúng ta nên căn cứ vào điều kiện thực tế của thành phố mà xử lý phù hợp chứ không nên so sánh với nước ngoài. Chẳng hạn, Singapore quy định mức xử phạt rất cao đối với các hành vi tiểu bậy… trong bối cảnh hệ thống nhà vệ sinh công cộng hiện đại, sạch sẽ và tương đối đầy đủ. Nếu TP HCM bảo đảm hệ thống nhà vệ sinh công cộng thì xử phạt "thẳng tay" cũng không muộn, hiện nay thì không nên quá cứng nhắc.