"Mắt thần": Ứng dụng kì diệu "tóm sống" chiến đấu cơ, cứu mạng hàng nghìn người dân Syria

Tất Đạt |

Khi một máy bay chiến đấu ở Syria dần tăng tốc dọc đường băng, chuẩn bị cất cánh, cuộc đua cứu sinh mạng những người dân thường cũng bắt đầu.

Những phút giây quý giá

Một người dùng điện thoại ở ngọn đồi gần đó phát hiện được chuyến bay này. Chỉ một lúc sau, thông tin chi tiết về chuyến bay được chuyển tới server ở nước ngoài, phân tích mục tiêu và sau đó lời cảnh báo mau chóng được gửi lại, lan truyền thông qua mạng xã hội. Dọc các vùng địa bàn của phe nổi dậy, các nhân viên cứu hộ chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận và xử lí thương vong.

"Mọi người đều nín thở. Cảm giác chờ đợi như địa ngục," Abu Zeid, một trong những người quan sát máy bay, kể lại trong một cuộc phỏng vấn.

Trong những trận giao tranh lớn, đã nhiều lần chiến đấu cơ của các bên Nga, Mỹ, Syria... bị phía bên kia tố cáo là không kích làm dân thường thiệt mạng.

Để tránh tình trạng này, ban đầu, người dân sử dụng bộ đàm để cảnh báo lẫn nhau về hoạt động của các chiến cơ. Các nhóm cứu hộ phát triển những phương thức phức tạp hơn để giải thoát những gia đình bị kẹt trong đống đổ nát. Tại bệnh viện, các bác sĩ bắt đầu tìm được cách xử lí khi không có ánh điện và kho thuốc cạn kiệt.

Sau đó, năm 2016, một nhóm phát triển máy tính đã nỗ lực liên kết tất cả những thành quả quý báu nói trên.

Mắt thần: Ứng dụng kì diệu tóm sống chiến đấu cơ, cứu mạng hàng nghìn người dân Syria - Ảnh 1.

Dave Levin, John Jaeger và một chuyên viên máy tính người Syria. Ảnh: Rena Effendi

Hệ thống Hala ra đời và được nhiều người dân Syria coi là hệ thống Mắt thần khi có thể giúp họ có những phút giây quý giá để tìm nơi trú ẩn an toàn khi máy bay bắt đầu hướng về phía họ.

"Chúng tôi tìm cách hạn chế thiệt hại chiến tranh, được chút nào hay chút ấy. Đó là một ý tưởng điên rồ, nhưng nếu không cố gắng thì thật là vô cảm," nhà phát minh người Mỹ Dave Levin nói.

Levin tổ chức chiến dịch này với John Jaeger - một nhà ngoại giao đã nghỉ hưu người Mỹ - và một chuyên viên máy tính người Syria.

Hệ thống phức tạp

Ban đầu, cả nhóm thành lập mạng lưới liên lạc giữa người và người. Mỗi tháng lại có một mạng lưới mới được hình thành. Từ giáo viên, kĩ sư với người nông dân đều tham gia hoạt động theo dõi máy bay.

Được trang bị một ứng dụng đơn giản trên điện thoại thông minh, những tình nguyện viên theo dõi bầu trời theo những ca 8 tiếng. Khi máy bay xuất hiện, họ chia sẻ thông tin về địa điểm, hướng và loại máy bay (nếu có thể).

Các thông tin sau đó được kết hợp với dữ liệu từ cảm biến từ xa được lắp đặt trên cây và tòa nhà cao tầng, giúp xác định tốc độ và loại máy bay.

Tiếp đó, phần mềm của Hala so sánh dữ liệu mới với kho dữ liệu cũ, tính toán khả năng xảy ra của một trận không kích và dự đoán mục tiêu và thời gian tấn công khả thi của máy bay vừa xuất kích.

Mọi diễn biến được đưa lên các kênh truyền thông xã hội, và kích hoạt báo động nếu cuộc không kích sắp xảy ra.

Khi các chiến cơ tới gần hơn, còi báo động sẽ vang lên khắp đường phố và người lớn sẽ đưa trẻ em vào nơi trú ẩn. Tại bệnh viện, đèn nháy báo hiệu các bác sĩ chuẩn bị tinh thần tiếp đón người bị thương.

Một phân tích sơ bộ cho thấy hệ thống Hala đã cứu hàng trăm người và ngăn hàng nghìn người khác bị thương.

"Đó là tia hi vọng duy nhất chúng tôi có. Thật khó tin chúng tôi vẫn sống sót qua những ngày ấy. Nhiều người đã chết," một người dân đề nghị giấu tên nói.

Với những tình nguyện viên, đây là công việc nguy hiểm, có thể khiến họ bị trả thù. Nhiều người đã bị đe dọa. Nhưng đối với nhiều người, đây là cơ hội hiếm hoi để hành động.

"Tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn, nhưng bạn không thể tưởng tượng được cảm giác khi những cảnh báo ấy cứu được mạng người. Cảm giác ấy tuyệt vời đến mức không tưởng được," Abdul Rzzak, một quan sát viên nói.

Video: Minh chứng Nga đang giúp Syria “thay da đổi thịt” từng ngày

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại