Loài ong mật lớn nhất thế giới: Apis dorsata laboriosa. Ảnh: BT
Trên các sườn núi của Nepal và Thổ Nhĩ Kỳ, có một loài ong đặc biệt tạo ra một loại mật kỳ lạ và nguy hiểm: Mật ong điên.
Mật ong điên là một loại chất lỏng tự nhiên hiếm có. So với hàng trăm loại mật ong khác được tạo ra trên khắp thế giới, mật ong điên có màu đỏ hơn và vị hơi đắng hơn, và nó đến từ loài ong mật lớn nhất thế giới: Apis dorsata laboriosa.
Với liều lượng thấp hơn, mật ong điên có thể gây chóng mặt, choáng váng và hưng phấn, ảo giác. Liều cao hơn có thể gây ra ảo giác, nôn mửa, mất ý thức, co giật và trong một số trường hợp khác là tử vong.
"Tôi ăn 2 thìa cà phê mật ong điên (theo khuyến nghị) và sau 15 phút, tôi bắt đầu thấy như mình đang say. Cơ thể bắt đầu hạ nhiệt từ phía sau đầu đến thân. Cảm giác lạnh như băng đọng lại trong dạ dày. Khoảng 40 phút sau, có cảm giác từng giọt mật len lỏi khắp cơ thể. Đầu bắt đầu ngứa ran. Dần dần cảm giác ngũ tạng ấm áp và dễ chịu hơn. Sự thư thái ùa đến như một liều thuốc an thần" - Trích đoạn cảm giác của những người tham gia thử nghiệm ăn mật ong điên.
Mật ong điên là gì?
Các tác động thần kinh của mật ong điên không bắt nguồn từ ong mà từ những gì loài ong Apis dorsata laboriosa này ăn ở một số vùng nhất định: Một chi thực vật có hoa được gọi là đỗ quyên (cụ thể là đỗ quyên núi).
Tất cả các loài cây này đều chứa một nhóm các hợp chất gây độc thần kinh được gọi là Grayanotoxins. Khi ong ăn mật hoa và phấn hoa của một số loại đỗ quyên, côn trùng sẽ ăn chất độc thần kinh Grayanotoxins này, cuối cùng chúng sẽ xâm nhập vào mật ong, khiến nó "phát điên".
Loài hoa đỗ quyên Rhododendron ferrugineum mà ong điên hay kiếm ăn. Ảnh: BT
Những con ong có nhiều khả năng sản xuất mật ong điên hơn khi kiếm ăn ở nơi mà hoa đỗ quyên đang chiếm ưu thế.
Nguyên nhân liên quan đến sự khan hiếm: Với ít loại thực vật hơn để ăn, côn trùng hầu như chỉ ăn đỗ quyên, vì vậy chúng tiêu thụ nhiều Grayanotoxin hơn. Kết quả là mật ong điên (được tạo ra) đặc biệt nguyên chất.
Vì loài ong mật lớn nhất thế giới Apis dorsata laboriosa này có đặc tính xây tổ ở các vách đá nên việc thu hoạch mật ong điên không hề dễ dàng. Do đó, giá của mật ong điên không hề rẻ.
Tờ The Guardian (Anh) đưa tin một lít mật ong điên chất lượng cao có thể bán với giá khoảng 360 đô la tại các cửa hàng trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi National Geographic (Mỹ) lưu ý rằng một lít mật ong điên có giá khoảng 60 đô la trên thị trường chợ đen châu Á. Nhìn chung, giá trị của mật ong điên cao hơn nhiều so với mật ong thường.
Tại sao mật ong điên không hề rẻ?
Một phần vì nhiều người tin rằng mật ong điên có giá trị y tế hơn mật ong thường. Ở khu vực Biển Đen, người ta sử dụng nó để điều trị các bệnh như tăng huyết áp, tiểu đường, viêm khớp và đau họng, mặc dù nghiên cứu về lợi ích y tế của mật ong gây ảo giác từ Nepal và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa rõ ràng.
Việc khai thác mật ong điên không hề dễ dàng. Ảnh minh họa.
Ở Đông Bắc Á, một số người mua tin rằng mật ong điên có thể điều trị chứng rối loạn cương dương, điều này có thể giải thích tại sao phần lớn các trường hợp ngộ độc mật ong điên liên quan đến đàn ông trung niên, theo một báo cáo năm 2018 được công bố trên tạp chí RSC Advances (Anh).
Mật ong điên ảnh hưởng tới cơ thể ra sao?
Mặc dù lợi ích y học của mật ong điên không rõ ràng, nhưng điều chắc chắn là con người có thể bị ngộ độc khi tiêu thụ quá nhiều mật ong giàu Grayanotoxin, có thể gây giảm huyết áp và nhịp tim nguy hiểm.
Nhà chất độc học pháp y Justin Brower đã giải thích trên Nature's Poisons rằng:
"Grayanotoxins phát huy độc tính của chúng bằng cách liên kết với các ion Natri trên màng tế bào và ngăn chúng đóng lại nhanh chóng, giống như Aconitine (có nguồn gốc từ các loài ô đầu). Kết quả là trạng thái khử cực trong đó các ion Natri tự do chảy vào tế bào ồ ạt".
Justin Brower cho biết, quá trình này có thể dẫn đến một loạt các triệu chứng liên quan đến tăng tiết mồ hôi, tiết nước bọt và buồn nôn, lưu ý rằng các triệu chứng thường biến mất trong vòng 24 giờ, giống như chúng đã xảy ra đối với một người đàn ông ở Seattle (Mỹ) bị ngộ độc mật ong điên vào năm 2011.
Báo cáo RSC Advances 2018 lưu ý:
"Tiêu thụ khoảng 15-30 g mật ong điên dẫn đến say và các triệu chứng xuất hiện sau nửa giờ đến 4 giờ. Mức độ say không chỉ phụ thuộc vào lượng mật ong được tiêu thụ mà còn phụ thuộc vào nồng độ Grayanotoxin trong mật ong. Tiêu thụ một muỗng cà phê mật ong điên có thể dẫn đến ngộ độc".
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận khoảng chục trường hợp ngộ độc mật ong điên mỗi năm, một nghiên cứu năm 2012 được công bố trên Tạp chí Cardio Heart Toxicology lưu ý rằng hiếm khi có người chết vì chất này.
Ngày nay, những người nuôi ong ở Nepal và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thu hoạch mật ong điên, mặc dù nó chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng sản lượng mật ong của các quốc gia này. Cả hai quốc gia đều cho phép sản xuất, bán và xuất khẩu mật ong điên, nhưng chất này là bất hợp pháp ở các quốc gia khác, như Hàn Quốc, quốc gia đã cấm chất này vào năm 2005.
Tham khảo: BT