Mỹ đang đẩy Iran vào vòng tay Nga
Theo tờ Foreign Policy, Nga đang tìm cách lợi dung các hành động thiếu nhất quán của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong cuộc khủng hoảng Mỹ-Iran để mở rộng tầm ảnh hưởng của họ tại Trung Đông.
Hiện tại, Nga và Iran có mối quan hệ đồng minh thân thiết nhưng duy trì điều này trong dài hạn có thể sẽ khó khăn.
Trong những tuần vừa qua, chính quyền Trump đã gửi nhiều tín hiệu trái ngược tới Iran.
Cuộc khủng hoảng bắt đầu khi Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton ngày 5/5 tuyên bố Washington sẽ điều một nhóm tác chiến tàu sân bay tới Vịnh Ba Tư, và tới ngày 10/5, các quan chức Lầu Năm Góc tiếp tục thông tin về đợt triển khai của các tổ hợp tên lửa Patriot.
Ngày 19/5, sau khi một nhóm phiến quân thân Iran được cho là đã bắn rocket vào gần Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad (Iraq), ông Trump đã tuyên bố trên twitter: “Nếu Iran muốn chiến tranh, thì đó sẽ là sự kết thúc chính thức của họ”.
5 ngày sau, Trump thông báo về kế hoạch triển khai các máy bay chiến đấu và 1.500 binh sĩ tới Trung Đông. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng cũng đưa ra một số phát ngôn mang tính hòa giải: “Ngay lúc này đây, tôi không cho rằng Iran muốn chiến tranh và tôi chắc chắn không nghĩ rằng họ muốn chiến tranh với Mỹ”.
Tới ngày 27/5, ông Trump bày tỏ sự ủng hộ khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề nghị đứng ra hòa giải mâu thuẫn Mỹ-Iran. Một quan chức Iran tỏ ra nghi ngờ về mức độ “chân thành” của ông Trump.
Giới chức Nga cho rằng, những lời đe dọa gay gắt – nhưng theo sau là đề nghị hòa giải – chỉ càng khiến cho chính sách của Mỹ đối với Iran trở nên thiếu tin cậy.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gặp gỡ tại Moscow ngày 5/8. Ảnh: Getty
Trong khi đó, Nga và Iran đã thiết lập mối quan hệ đồng minh tương đối lâu dài. Trao đổi với Foreign Policy, Thượng nghị sĩ Nga Alexey Pushkov cho biết Nga đương nhiên sẽ liên minh với các nước đang phải đối mặt với nhiều áp lực từ chính phủ Mỹ, như Iran.
Ông mô tả mối quan hệ giữa Nga-Iran là “quan hệ đối tác, có thể phát triển lên quan hệ chiến lược”.
Nga hiện có nhiều lợi ích quốc gia ở Trung Đông và đòi hỏi chúng phải được tôn trọng. Do đó, Moscow tìm kiếm các nguồn dầu mỏ và khí gas để mở rộng thương mại, chiến đấu chống lại các phần tử hồi giáo chính trị cực đoan để chúng không tràn sang Nga, và bảo vệ các căn cứ quân sự của họ ở Syria.
“Những lợi ích quốc gia” đó có ý nghĩa như thế nào trong thực tế? Điều đó có thể thấy rõ ở Syria.
Năm 2015, Nga điều không quân và bộ binh tới Syria – tuyên bố mục đích là chống khủng bố. Nga và Iran thực sự đã góp phần đánh bại IS, al-Qaeda và một số tổ chức cực đoan khác nhưng họ cũng phát động một cuộc chiến khốc liệt nhằm vào bất cứ tổ chức nào chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Cả hai quốc gia này đều nhìn thấy tiềm năng phát triển dầu mỏ của Syria tại những vùng đang do Mỹ và lực lượng người Kurd nắm giữ.
Trong năm 2017, Syria đã ký thỏa thuận cho phép Nga mở rộng căn cứ hải quân và xây dựng căn cứ không quân tại nước này.
Các máy bay quân sự của Nga tại căn cứ Khmeimim, Syria. Ảnh: RT
Thỏa thuận có hiệu lực trong 49 năm, và có khả năng kéo dài thêm 25 năm nữa. Những căn cứ đó cho phép Nga hiện diện quân sự thường trực để có thể triển khai lực lượng đi khắp khu vực, chúng cũng đóng vai trò như một phương thức để hỗ trợ các đồng minh của Moscow – Syria và Iran.
Nga còn tăng cường sự hiện diện trong khu vực bằng cách kỷ hiệp ước hạt nhân năm 2015, trong đó cho phép Iran phát triển năng lượng hạt nhân nhưng nước này vẫn phải chịu sự giám sát để đề phòng nguy cơ chế tạo vũ khí hạt nhân.
Thỏa thuận đã được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhất trí phê duyệt. Tuy nhiên, năm ngoái, ông Trump đã tuyên bố Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận này.
Mặc dù theo các chuyên viên giám sát tại Cơ quan Năng lượng Nguyên thử quốc tế, Iran vẫn tiếp tục tuân theo thỏa thuận nhưng Mỹ lại bắt đầu tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương và khắc nghiệt nhằm vào Tehran trong trong tháng 8/2018.
Trong tháng này, chính phủ Iran đã đưa ra lời cảnh báo tới các nước châu Âu tham gia thỏa thuận (gồm Đức, Pháp, Anh và liên minh châu Âu) rằng:
Nếu họ không khôi phục các hoạt động thương mại và ngân hàng thông thường trong vòng 60 ngày, Iran sẽ làm giàu urainum ở cấp độ cao hơn, tích trữ uranium đã làm giàu và nước nặng, khôi phục các hoạt động tại khu phức hợp hạt nhân Arak đã bị bỏ xó bấy lâu nay.
Washington tin rằng những hành động của họ sẽ khiến Iran không có đủ thời gian sản xuất đủ lượng uranium cần có để chế tạo bom nguyên tử. Tuy nhiên, các chuyên gia Nga lại có cái nhìn khác.
Họ cho rằng mục đích chính của Iran không phải là chế tạo bom, mà chỉ đang tìm cách gây áp lực cho châu Âu để các nước này phải nới lỏng biện pháp trừng phạt và tham gia hoạt động thương mại với Iran.
Nếu quân đội Mỹ tấn công Iran, dù với quy mô hạn chế nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Tehran, thì theo ông Vladimir Sazhin – chuyên gia về Iran tại Viện các nghiên cứu phương Đông, Học viện Khoa học Nga (Moscow): “Kết quả sẽ trái ngược với những gì mà Mỹ hướng tới”.
Nga và Iran sẽ cạnh tranh dữ dội trong tương lai?
Nga đã lên tiếng chỉ trích Mỹ tích lũy lực lượng tại vùng Vịnh và phải đối cuộc tấn công nhằm vào Iran. Tuy nhiên, Nga hiện có nguồn lực hạn chế, và không có kế hoạch đáp trả quân sự nếu Mỹ phát động tấn công. Trong một cuộc họp báo quốc tế, ông Putin tuyên bố Nga không phải là “đội chữa cháy”.
Mặc dù Moscow phản đối các biện pháp trừng phạt kinh tế đơn phương của Mỹ nhằm vào Tehran nhưng bản thân chính phủ Nga cũng không gia tăng đáng kể các hoạt động thương mại hay đầu tư vào Iran để đối phó với những biện pháp trừng phạt này.
Trong khi đó, Trung Quốc, dù cũng đang đối mặt với biện pháp trừng phạt từ Mỹ, vẫn bỏ ra tới 33 tỷ USD cho các hoạt động thương mại thường niên với Iran, con số này ở Nga chỉ là 2 tỷ USD.
Nga hiện đang xây dựng thêm 2 cơ sở năng lượng hạt nhân tại Iran nhưng có rất ít giao dịch kinh doanh ở đó. Moscow đã hoàn tất khu phức hợp hạt nhân Bushehr – do các công ty Đức xây dựng một phần và sau đó bỏ không sau năm 1979.
Nga đang mở rộng một lò phản ứng hạt nhân ở Busher và công tác xây dựng khu phức hợp hạt nhân thứ hai dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2020.
Theo ông Vladimir Pozner – MC một chương trình talk show nổi tiếng ở Nga – “Nhìn chung, Nga không ‘làm gì nhiều’ để chống lại các biện pháp trừng phạt từ Mỹ. Moscow rất nghi ngờ các ý định hạt nhân của Iran”.
Nga nhận thấy rằng Iran không có chương trình vũ khí hạt nhân nào nhưng nếu Tehran đổi hướng thì Moscow tin rằng, một đất nước Iran được vũ trang hạt nhân sẽ cạnh tranh tầm ảnh hưởng trong khu vực một cách hiệu quả hơn.
Các quan chức Iran cũng không hoàn toàn tin tưởng Nga. Giới lãnh đạo của Cách mạng Iran 1979 từng nhấn mạnh rằng, Iran sẽ không liên minh với bất kể “đông hay tây”. Họ phản đối chủ nghĩa đế quốc của Mỹ, nhưng cũng không ủng hộ chủ nghĩa cộng sản của Liên Xô.
Tư tưởng này giờ đây được Iran chuyển hướng sang Nga, nó tồn tại trong quan điểm của một số người dân Iran, cũng như một số lãnh đạo của nước này.
Năm 2016, Nga và Iran tiến tới thỏa thuận cho phép các máy bay chiến đấu Nga cất cánh từ căn cứ không quân Hamadan (tây Iran) để thực hiện nhiệm vụ không kích tại Syria.
Một số thành viên trong Quốc hội Iran phản đối quyết định này bởi Hiến pháp Iran nghiêm cấm các căn cứ quân sự của nước ngoài trên lãnh thổ của họ. Iran chỉ trích Nga vì đã công khai thỏa thuận, và Moscow đã rút các máy bay của họ khỏi Iran chỉ một tuần sau đó.
Hai quốc gia cũng có quan điểm khác nhau về Israel và vai trò của họ ở Syria. Israel thường xuyên ném bom vào các mục tiêu tại Syria mà họ cho là do Hezbollah và lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran kiểm soát, nhưng chưa từng tấn công vào các căn cứ của Nga.
“Chúng tôi ‘mắt nhắm mắt mở’ khi không quân Israel tấn công vào Syria, miễn là họ không động vào các căn cứ của Nga”, ông Sazhin nói.
Nga đã thiết lập mối quan hệ khá vững chắc với Israel. Ảnh: National Interest
Trong khi Iran không công nhận sự tồn tại của quốc gia Do Thái thì Nga lại có mối quan hệ khá vững chắc với Israel. Không giống như Liên Xô trước đây đứng về phía các quốc gia Ả Rập chống lại Israel (được Mỹ hậu thuẫn), nước Nga ngày nay có đầy đủ các mối quan hệ ngoại giao và thương mại với Israel.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu được cho là đã gặp gỡ Tổng thống Putin ít nhất 11 lần kể từ năm 2015, nhiều hơn bất cứ nhà lãnh đạo nào trên thế giới. Tại Israel cũng có rất nhiều người nói tiếng Nga.
Hiện ông Putin đang theo đuổi một hướng đi rất thực tế trong khu vực, và nước Nga sẽ liên kết với bất cứ quốc gia nào sẵn sàng hợp tác.
Iran thì ngược lại, họ muốn mở rộng tầm ảnh hưởng về kinh tế, chính trị và tôn giáo trong khu vực, phụ thuộc chủ yếu vào các tổ chức Hồi giáo dòng Shiite.
Điều này và những khác biệt khác giữa hai phía có thể dẫn tới sự cạnh tranh dữ dội trong tương lai.
Tuy nhiên, một khi Mỹ vẫn tiếp tục các chính sách hung hăng và thiếu nhất quán trong khu vực thì Nga và Iran sẽ tiếp tục là đồng minh với một kẻ thù chung. Chính quyền Trump cho rằng họ có thể cô lập Iran với các biện pháp trừng phạt kinh tế khắt khe, nhưng trên thực tế, chúng mang lại hiệu quả trái ngược.
Ông Pushkov lưu ý rằng, Iran là một thế lực quan trong trong khu vực, cả Nga và Iran đều đang phối hợp hành động chặt chẽ tại Syria.
Trên boong tàu sân bay USS Abraham Lincoln Mỹ điều tới vịnh Ba Tư