Tờ Korea Times đưa tin, khoảng 100 hoạt náo viên của đoàn thể thao CHDCND Triều Tiên đã tham gia cổ động cho đội khúc côn cầu chung của hai miền bán đảo trong trận đấu muộn vào tối qua với tuyển Thụy Sĩ.
Trang phục cổ động của những người Triều Tiên - là mặt nạ mang hình một người đàn ông trẻ với mái tóc cắt ngắn, nhanh chóng trở thành tâm điểm của dư luận, và làm dấy lên nghi vấn liệu đây có phải một phần trong nỗ lực tuyên truyền của Bình Nhưỡng nằm quảng bá hình ảnh chính quyền nước này.
Dựa vào hình ảnh chiếc mặt nạ đặc biệt, một số hãng truyền thông cho rằng đây là gương mặt của nhà lập quốc Triều Tiên Kim Nhật Thành, khi ông còn trẻ, và các hoạt náo viên muốn chuyển tải hình ảnh lãnh tụ của mình ra với thế giới thông qua Olympics.
Ông Kim Nhật Thành, qua đời năm 1994, là ông nội của đương kim lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành thời trẻ (Ảnh tư liệu: Internet)
Những tranh cãi về ý nghĩa bộ dụng cụ cổ động của đoàn Triều Tiên nhanh chóng khuấy đảo cộng đồng mạng tại Hàn Quốc.
Korea Times cho hay, một số người dùng mạng thậm chí còn giận dữ và gửi đề xuất đến website của Nhà Xanh - phủ tổng thống Hàn Quốc - để yêu cầu chính quyền ông Moon Jae In tỏ rõ lập trường về... chiếc mặt nạ kể trên.
Trong một bản kiến nghị, người khởi xướng yêu cầu tổng thống Moon lên tiếng về mặt nạ cổ động "nghi là công cụ tuyên truyền" của Triều Tiên xuất hiện tự do ngay trước mắt ông.
Tổng thống Moon cùng phu nhân và ông Thomas Bach, chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế, đã theo dõi trận đấu khúc côn cầu được đề cập và ngồi phía sau các hoạt náo viên Triều Tiên. Ngồi gần họ là bà Kim Yo Jong, em gái lãnh đạo Kim Jong Un, và chủ tịch Quốc hội Triều Tiên Kim Yong Nam.
"Tôi muốn biết tổng thống Moon nghĩ gì về mặt nạ cổ động có hình ông Kim Nhật Thành," kiến nghị gửi Nhà Xanh cho biết. Có hơn 50 người đã ký tên vào bản kiến nghị này, trong khi một số đề xuất khác yêu cầu văn phòng tổng thống có biện pháp cần thiết.
Tuy nhiên, Bộ thống nhất Hàn Quốc lên tiếng rằng hình ảnh trên mặt nạ cổ động của Triều Tiên không phải là lãnh tụ Kim Nhật Thành. Trong thông cáo báo chí vào đêm 10/2, Bộ này khẳng định đã kiểm chứng thông tin với phía Triều Tiên và thu được kết quả như vậy. Theo xác nhận, người dân Triều Tiên không được phép sử dụng chân dung các lãnh đạo của mình để làm dụng cụ cổ động.
Hai miền Triều Tiên diễu hành dưới 1 là cờ chung tại Thế vận hội Mùa đông 2018. Nguồn: Newsy
Bất chấp thông tin chứng thực từ Bộ thống nhất, tranh cãi không có dấu hiệu ngừng lại. Cụm từ "Mặt nạ Kim Nhật Thành" đã trở thành từ khóa được tìm kiếm hàng đầu trên cổng thông tin Naver kể từ tối ngày 10/2, sau khi đội tuyển khúc côn cầu bán đảo thua trận mở màn Olympic trước Thụy Sĩ.