Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu trứng và thịt gia cầm ước tính đạt 361 triệu USD tới 26 quốc gia, trong đó 4 thị trường lớn là Hong Kong, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, gà và trứng là mặt hàng đang chứng kiến mức tăng cao hơn bao giờ hết trên toàn thế giới. Giá trứng đã tăng vọt trên toàn cầu trong năm qua khi dịch cúm gia cầm hoành hành và hậu quả từ xung đột giữa Nga và Ukraine đã làm tăng giá năng lượng và thức ăn chăn nuôi.
Tại Mỹ, giá trứng đã vượt xa mức tăng của các mặt hàng tạp hóa khác với mức tăng gần 60% trong 12 tháng. Tại Nhật Bản, giá trứng bán buôn cũng đã đạt mức tăng cao kỉ lục.
Tại New Zealand, nơi mức tiêu thụ trứng tính theo đầu người cao hơn các quốc gia khác, tình trạng nguồn cung bị siết chặt đã trở nên trầm trọng hơn do sự thay đổi về các quy định trong nông nghiệp. Chi phí gia tăng đã gây ra một cơn sốt điên cuồng với việc người dân săn lùng mua gà mái để họ có thể đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm chủ yếu cho kho dự trữ thức ăn của mình.
Trang web đấu giá địa phương Trade Me mới đây cho biết lượt tìm kiếm gà mái và thiết bị liên quan đến chăn nuôi đã tăng đến 190% so với tháng trước.
Millie Silvester, phát ngôn viên của công ty cho biết: “Kể từ đầu tháng 1, chúng tôi đã thấy hơn 65.000 lượt tìm kiếm gà và các mặt hàng liên quan đến gà khác, như máng ăn, chuồng và thức ăn.”
Ảnh: CNN
Sự thiếu hụt cũng đã gây ra một “cơn đau đầu đặc biệt” cho các thợ làm bánh trong nước.
Ron van Til, một chủ tiệm bánh gần thành phố Christchurch, người đã phải điều chỉnh cách làm bánh ngọt và bánh nướng xốp của mình, cho biết: “Tất cả mọi người hiện đang cố gắng mua gà về nhà vì họ không thể mua được trứng."
Van Til cho biết em gái anh đang bán đấu giá bốn con gà mới nở thông qua Trade Me, với giá cao hơn gấp đôi so với giá thông thường.
Xu hướng này đã khiến những người ủng hộ phúc lợi động vật cảnh báo việc mua hàng ồ ạt.
Gabby Clezy, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Phòng chống ngược đãi động vật (SPCA) ở New Zealand cho biết: “Gà sống rất lâu. Chúng sống từ 8 đến 10 năm, đôi khi còn lâu hơn tùy thuộc vào giống.” Clezy cũng lưu ý rằng gà mái không đẻ trứng trong suốt cuộc đời của chúng và thói quen đẻ trứng của chúng phụ thuộc vào các yếu tố bao gồm tuổi tác và khí hậu địa phương. Trade Me cũng đã kêu gọi khách hàng trên thị trường của mình suy nghĩ kỹ về bất kỳ giao dịch mua gà nào.
Các siêu thị khốn khó để thích nghi
Foodstuffs, một chuỗi siêu thị ở New Zealand, gần đây đã đặt giới hạn tạm thời về số lượng trứng mà mỗi khách hàng có thể mua.
“Đó là một thay đổi quan trọng đối với ngành cung cấp trứng,” Emma Wooster, người đứng đầu bộ phận quan hệ công chúng của công ty cho biết. “Chúng tôi đang làm việc với các nhà cung cấp trứng để tăng cung cấp các loại trứng khác."
Countdown, một nhà bán lẻ tạp hóa lớn khác, cho biết mặc dù hiện tại họ không có giới hạn về doanh số bán trứng, nhưng họ sẽ khuyến khích khách hàng chỉ mua những gì họ cần để đảm bảo cung cấp đủ cho mọi người.
Van Til, chủ tiệm bánh, cho biết nhóm của ông đã đổi trứng tươi trong các công thức nấu ăn bằng các nguyên liệu thay thế.
Chủ sở hữu lâu năm của Rangiora Bakery đã thấy giá bán buôn trứng tươi tăng khoảng 50% so với 4 tháng trước, khiến ông phải mua nhiều trứng khô hơn để thay thế.
Van Til cũng chỉ ra những thay đổi tại các quán ăn địa phương khác khi một số quán cà phê đã bắt đầu loại bỏ một số món ăn khỏi thực đơn của họ. Thay vì có năm món ăn sáng với trứng, giờ đây chỉ còn 2 món.
Theo Reuters, Bloomberg