Mặt hàng ở Việt Nam có thời điểm gắn mác “giải cứu” lại tăng nóng tại Mỹ, người bán thu lợi nhuận hơn 700%

Như Quỳnh |

Đây là mặt hàng tiêu dùng chứng kiến mức tăng khủng khiếp nhất trong năm vừa qua tại thị trường Mỹ.

Trứng gà được coi là món ăn quốc dân, xuất hiện tại các bữa ăn của người Việt. Theo Cục chăn nuôi, tính đến tháng 11/2022, tổng đàn gia cầm cả nước khoảng 533 triệu con. Sản lượng trứng ước đạt 18,4 tỷ quả tăng 4,6% so với năm 2021.

Mức giá trứng gà dao động từ 3.000 – 3.500 đồng/quả. Trong thời gian sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, xuất hiện tình trạng người dân rao bán trứng gà với giá rẻ bất ngờ. Từ mức giá 30.000 – 35.000 đồng/chục đã lao dốc xuống còn 20.000 – 25.000 đồng/chục và được bán tràn lan tại các tuyến đường Hà Nội. Ngoài ra tại các trang mạng xã hội Facebook, trứng gà cũng được gán mác “giải cứu” với giá thậm chí chỉ 60.000 đồng/30 quả, tương đương với 2.000 đồng/quả trứng.

Theo lý giải của người bán hàng, giá trứng gà rẻ như vậy là do sau Tết, nhu cầu giảm, trứng gà tiêu thụ rất chậm. Thêm vào đó thời tiết những ngày gần đây nồm ẩm, nhà cửa và trang trại ẩm ướt dẫn đến không bảo quản được lâu, dễ hỏng hoặc mốc.

Chính vì vậy người bán buộc phải bán rẻ để giải phóng hàng hóa. Tình trạng bán rầm rộ này đã khiến các cơ quan chức năng đưa ra cảnh báo với người dân phải cảnh giác trước nguồn gốc xuất xứ.

Tuy nhiên tại Mỹ, trứng gà lại là một câu chuyện có diễn biến hoàn toàn khác trong năm 2022.

Mặt hàng ở Việt Nam có thời điểm gắn mác “giải cứu” lại tăng nóng tại Mỹ, người bán thu lợi nhuận hơn 700% - Ảnh 1.

Cal-Maine Foods, nhà sản xuất trứng lớn nhất tại Mỹ đã báo cáo doanh thu tăng gấp đôi trong năm vừa qua. Đáng chú ý, lợi nhuận của nhà sản xuất đã tăng 718% trong quý 4/2022 do giá trứng tăng mạnh.

Theo Reuters, Công ty là nguồn cung cấp khoảng 20% trứng của Mỹ. Giá bán trung bình cho mặt hàng trứng trong quý 4 là 3,3 USD/chục, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình 1,61 USD của cùng kỳ năm trước. Mặc dù giá cao hơn nhưng tổng số trứng bán ra tăng 1%, do đó tổng doanh thu của công ty tăng 109% lên 997,5 triệu USD.

Tuy nhiên, việc tăng gấp đôi doanh thu đó chưa là gì so với lợi nhuận của công ty. Lợi nhuận ròng tăng vọt lên 323,2 triệu USD từ chỉ 39,5 triệu USD vào một năm trước.

Một trận cúm gia cầm nguy hiểm và có khả năng lây nhiễm cao đã buộc nông dân Mỹ phải tiêu hủy hàng triệu con gà đẻ trứng, làm giảm nguồn cung trứng của nước này và đẩy giá lên cao. Nhưng Cal-Maine cho biết trong báo cáo thu nhập của mình rằng không có xét nghiệm dương tính nào đối với cúm gia cầm tại bất kỳ cơ sở sản xuất nào thuộc sở hữu hoặc hợp đồng của họ.

Quyết định định giá của các nhà sản xuất trứng đã bị chỉ trích bởi một số các chuyên gia trong ngành hàng - những người cáo buộc họ đang trục lợi.

“Các gia đình Mỹ xứng đáng được biết liệu giá trứng tăng mà họ đang trả có phải là phản ứng chính đáng đối với việc giảm nguồn cung hay lòng tham ngoài tầm kiểm soát của các công ty hay không,” một lá thư được gửi đến Cal-Maine và các nhà sản xuất trứng lớn khác vào tháng trước.

Trong tháng 2/2023, giá trứng đã bắt đầu giảm nhẹ trong lần đọc lạm phát gần đây nhất của Chính phủ, nhưng vẫn tăng hơn 55% so với một năm trước đó.

Tại thị trường bán buôn, giá trứng đạt mức cao kỷ lục vào tháng 12 và có dấu hiệu giảm nhẹ. Nhưng cho đến nay, những sự sụt giảm đó vẫn chưa chạm đến tay người tiêu dùng. Thậm chí giá bán buôn đã tăng hơn 300% kể từ đầu năm 2022 và so với các mặt hàng tạp hóa khác, giá trứng tăng mạnh nhất. Ngoài dịch bệnh, giá lương thực còn bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, cũng như các cuộc khủng hoảng quốc tế như xung đột ở Ukraine, đã ảnh hưởng đến nguồn cung ngũ cốc toàn cầu.

Tham khảo: CNN

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại