Mặc dù truyền thông và các cơ quan chức năng đã cảnh báo nhiều, nhưng thời gian gần đây, nhiều người dân vẫn tiếp tục “dính bẫy” lừa đảo qua mạng xã hội. Các chiêu trò lừa đảo cũng thay đổi liên tục về phương thức, thủ đoạn, khiến không ít người dễ dàng bị mất số tiền lớn. Trong đó, kiếm tiền bằng nhiệm vụ “lướt” TikTok là một trong những hình thức lừa đảo đang có nhiều diễn biến phức tạp.
Chiêu thức lừa đảo không mới, nạn nhân luôn mới
TikTok là mạng xã hội (MXH) và kiếm tiền từ TikTok cũng chẳng có gì lạ với mọi người. Tuy nhiên, chỉ việc ngồi lướt TikTok mà có thể kiếm được tiền thì cần phải xem lại. Để kiếm tiền trên Tiktok, người dùng phải trực tiếp sản xuất các nội dung, video, PR sản phẩm, hay kinh doanh buôn bán, ….nếu không, người dùng sẽ không được lợi gì từ nền tảng này. Bởi, TikTok không trả tiền cho người xem video. Vì thế, những công việc hấp dẫn được quảng cáo là chỉ cần xem, thả tim, follow TikTok sẽ kiếm ra tiền với mức thu nhập hàng trăm nghìn đồng/ngày cũng chính là chiêu thức để lừa đảo.
Một chiêu mời chào lướt TikTok kiếm tiền trên mạng xã hội
Thủ đoạn của bọn chúng là tải app, website trung gian, thực hiện các gói nhiệm vụ đặt tên theo cấp độ như VIP 1, VIP 2, VIP 3... tương ứng với các mức giá từ vài trăm ngàn, đến vài triệu, thậm chí là vài trăm triệu,….Gói nhiệm vụ có mức giá càng cao thì xem video càng nhiều và tiền hoa hồng cũng càng lớn.
Câu chuyện của chị C.C.H (30 tuổi, trú tại huyện Thạch Thất, Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Chị H., cho biết, cách đây không lâu, trong lúc đang ngồi sử dụng Facebook, thì có 1 tài khoản tên Nấm Garena nhắn tin giới thiệu với chị về công việc xem TikTok kiếm thêm thu nhập.
Khi chị đồng ý thì tài khoản này gửi cho chị một đường link và bảo chị gửi link này cùng với cú pháp "42gtcv" cho người dùng facebook tên Minh Hoàng.
Sau khi Minh Hoàng nhận tin nhắn, đối tượng này bảo chị H. tải ứng dụng Telegram. Tải xong Telegram, một người trong ứng dụng này, tiếp tục gửi cho chị H. một đường link tải App zingmp3 để bắt đầu sử dụng trò chơi kiếm thêm thu nhập.
Công việc đầu tiên của chị H., là nạp 160.000 đồng, ngay sau đó chị thu về 240.000 đồng. Ở lần thứ 2, chị H., nạp vào 350.000 đồng thì lập thức thu về 450.000 đồng.
Sau khi đưa ra nhiều mức chơi, thấp nhất là 5,4 triệu, thu lợi nhuận 30% hoa hồng, lúc này chị H., tiếp tục nhập thì một tài khoản trong nhóm báo chị bấm lỗi, muốn rút tiền về phải nạp vào 28 triệu đồng.
Đến lúc này, câu chuyện lừa đảo mới thực sự bắt đầu khi các đối tượng liên tục yêu cầu chị H., nạp tiền từ 28, đến 108, 245 và 275 triệu đồng để nâng cấp lên VIP 1. Lo lắng vì số tiền vay mượn của người thân đổ vào quá nhiều, muốn rút càng nhanh càng tốt, nhưng tiếc của, chị H., vẫn để các đối tượng lừa đảo dùng nhiều câu từ dẫn dụ. Chị H., cho biết, chị chỉ thự sự tỉnh táo khi các đối tượng nói với chị nạp thêm 494 triệu đồng nữa mới đủ 100% để nâng cấp là 55% của tiến trình VIP1 thì mới được rút hết tiền về.
Nội dung cuộc trao đổi của chị C.H.H và các đối tượng lừa đảo
Như vậy, theo chia sẻ của chị H., từ khi bắt đầu chơi đến lúc tỉnh ngộ, chị đã chuyển cho nhóm đối tượng này gần 700 triệu đồng. Chị đã làm đơn gửi cơ quan chức năng, nhưng đến giờ này chưa có hồi đáp.
Theo chị H., một trong những thủ đoạn nữa của nhóm lừa đảo khiến người chơi tin tưởng nữa là, sẽ có khoảng 2-3 người cùng nhóm chơi với mình. Những người này, luôn dễ dàng lấy được tiền từ bọn lừa đảo. Từ đó, khiến tâm lý người chơi như chị tin tưởng và muốn theo nhiệm vụ đến cùng.
Nhiệm vụ trá hình, kêu gọi đầu tư rồi bất ngờ mất dạng
Kiếm tiền online từ tương tác video TikTok thực chất là hình thức vẽ ra nhiệm vụ trá hình để kêu gọi người dùng nạp tiền rồi bất ngờ mất dạng để chiếm đoạt tài sản. Các trang web hầu hết hoạt động dưới dạng ẩn danh, không rõ ràng về nguồn gốc nên khi gặp rủi ro rất khó giải quyết. Bên cạnh việc bị lừa mất tiền, các nạn nhân tham gia lướt TikTok kiếm tiền còn có nguy cơ bị đánh cắp thông tin cá nhân, bởi khi tham gia thì việc đầu tiên là cung cấp thông tin, tài khoản ngân hàng để giao dịch, không ai bảo mật thông tin cá nhân trong trường hợp này vì thế càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sau.
Cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo trên mạng đã được các cơ quan chức năng cảnh báo rất nhiều lần và trên rất nhiều phương tiện truyền thông. Nhưng đến nay, vẫn có những nạn nhân mới. Nạn nhân của các vụ việc lừa đảo này, sau khi bình tĩnh lại đều có chung nhận định, một phần do thiếu hiểu biết, phần nhiều do lòng tham. Bởi, không có công việc gì, không cần bỏ sức lao động, chất xám mà lại có thu nhập cao.
Vậy, nếu bị lừa đảo qua mạng có lấy lại được tiền không?, Trả lời câu hỏi này, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, các đối tượng sẽ không bao giờ tự nguyện hoàn trả lại tiền cho nạn nhân và càng không có chuyện các đối tượng chịu đàm phán, thương lượng. Các thông tin mà đối tượng cho bạn biết đều là giả mạo, gian dối và rất khó có thể liên hệ, tìm được các đối tượng này.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)
Vì thế, trường hợp này nạn nhân chỉ có cách duy nhất là trình báo ra cơ quan công an nơi mình cư trú, sau này sẽ được giải quyết theo quy trình tố tụng và bạn được coi là bị hại. Quá trình giải quyết, các cơ quan tố tụng sẽ tiến hành xác minh, thu giữ số tiền vi phạm, hoặc các đối tượng khắc phục hậu quả. Trường hợp này, các nạn nhân sẽ có cơ hội hoàn trả tiền theo bản án có hiệu lực của Tòa án và thi thành án.