Mexico đang phong tỏa toàn quốc gần 1 tháng qua do đại dịch Covid-19, khiến cho hơn 11.600 người nhiễm bệnh và 1.069 người tử vong ở nước này tính đến ngày 24/4. Tuy vậy, người dân thành phố Acapulco còn chú ý đến một hiện tượng hiếm thấy, 60 năm mới xuất hiện trở lại. Đó là bờ biển thuộc vịnh Puerto Marqués bỗng phát ra ánh sáng huỳnh quang đẹp mắt vào tối thứ hai 22/4.
Hình ảnh bãi biển phát sáng ở Acapulco do người dùng Twitter chia sẻ.
Ngay sau đó, những hình ảnh bãi biển phát sáng được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, kéo theo nhiều ý kiến cho rằng hiện tượng này là do thiên nhiên "trỗi dậy" khi không bị con người làm phiền. Tuy nhiên, nhà sinh vật học Enrique Ayala Duval đã bác bỏ quan điểm trên.
Ông giải thích rằng hiện tượng sóng biển phát quang dù khá hiếm gặp nhưng không liên quan đến hoạt động của con người. Nó đơn thuần là một phản ứng sinh hóa của các sinh vật phù du trên mặt biển.
"Vi khuẩn ở đại dương vốn chiếm phần lớn trong số các sinh vật có thể phát quang sinh học" - giáo sư Duval nói, cho biết thêm chúng có thể tồn tại đơn lẻ hay có hệ thống trên các bề mặt khác nhau, và cả trong khoang miệng lẫn hệ tiêu hóa của các loài sinh vật biển.
Trước hiện tượng hiếm gặp, nhiều người đã liều lĩnh ra khỏi nhà, đến bờ biển ở thành phố Acapulco để vui chơi ngắm cảnh. Hành động này đang bị cộng đồng mạng chỉ trích và đối diện với mức phạt nghiêm khắc do vi phạm lệnh phong tỏa.
Trước đó, hôm 12/4, dân mạng ở Mexico lan truyền hình ảnh cá sấu thay thế du khách tắm nắng trên bãi biển Oaxaca.
Ngoài mặt biển phát sáng, người dân Acapulco còn chú ý đến các hiện tượng thiên nhiên hiếm gặp khác, ví dụ như họ có thể nhìn thấy một con cá voi xuất hiện trong vùng vịnh vào tháng trước.
Cách đó khoảng 700 km, bãi biển ở thành phố Oaxaca cũng bị bầy cá sấu chiếm đóng vào khoảng giữa tháng 4 - điều chưa từng thấy suốt hàng chục năm qua. Địa bàn của cá sấu vốn là đầm La Ventanilla gần đó, nhưng có thể do thiếu vắng con người, bọn chúng đã kéo nhau đến xâm chiếm khắp bãi biển.