Báo Nga mách nước giúp Armenia "trừng trị" UAV Azerbaijan
Theo tờ Svpressa của Nga, chiến sự giữa Armenia và Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh hiện đang thu hút sự quan tâm lớn của cả thế giới, sở dĩ các nước quan tâm tới cuộc chiến này không chỉ vì tính chất phức tạp của nó mà còn ở cách các bên sử dụng dụng các loại vũ khí công nghệ cao để đối phó lẫn nhau.
Được biết, trang bị của Quân đội Armenia và Azerbaijan hầu hết đều có nguồn gốc từ Liên Xô hoặc Nga. Tuy nhiên, Baku lại có lợi thế về các loại vũ khí tấn công chính xác như máy bay không người lái (UAV), một là nhập khẩu, hai là do Thổ Nhĩ Kỳ viện trợ.
Không phải tự nhiên xung đột Nagorno-Karabakh còn được gọi là "cuộc chiến của máy bay không người lái", khi UAV được sử dụng tích ở cả hai phía cũng như hiệu quả của loại vũ khí này trong việc tấn công các mục tiêu mặt đất. Đây là một bước ngoặc mới trong cách con người thực hiện một cuộc chiến.
Với các lực lượng UAV tấn công đông đảo Quân đội Azerbaijan dễ dàng chọc thủng hàng loạt phòng tuyến của Armenia ở Karabakh, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của đối phương. Azerbaijan sử dụng UAV như một mũi tấn công hỗ trợ lực lượng bộ binh bên dưới mặt đặt.
Sự hiệu quả của chiến thuật này khiến giới quan sát đặt ra câu hỏi, làm thế nào để loại bỏ mối nguy hiểm như vậy trên chiến trường?
Hiện tại hầu hết các mẫu UAV của Armenia đều do họ tự chế tạo, chủ yếu là các mẫu UAV do thám và trinh sát tầm thấp. Lực lượng của Yerevan cũng sở hữu một số dòng UAV tấn công như khả năng tác chiến của chúng khá hạn chế như Krunk-25-1. Armenia thua xa Azerbaijan về số lượng máy bay không người lái lẫn chủng loại.
Còn về phía Azerbaijan, họ sở hữu một lực lượng UAV tấn công khá đa dạng như Harop của Israel hay Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra còn có các UAV do thám hiện tại gồm Orbiter 2M, Hermes và Heron.
Phạm vi tác chiến của UAV Azerbaijan cũng xa hơn so với Armenia (khoảng 250km) và có thể mang theo nhiều loại vũ khí tấn công chính xác. Điển hình như Bayraktar TB2 với các tên lửa MAM-L có tầm bắn lên đến 14km.
Mặt khác nguồn lực tài chính dồi dào cũng là một yếu tố giúp Azerbaijan không ngại tung ra hàng chục UAV thực hiện các cuộc tấn công phủ đầu cùng lúc vào phòng tuyến Armenia ở Karabakh. Giá của mỗi chiếc máy bay này không hề rẻ. Ví dụ như UAV "cảm tử" Harop cũng có đơn giá lên đến vài trăm nghìn USD/chiếc.
Quân đội Armenia gần như bị động trước lực lượng UAV đông đảo của Azerbaijan, thậm chí các hệ thống phòng không tầm xa S-300PS của Yerevan cũng đại bại dưới tay UAV Azerbaijan. Cho tới nay đã có ít nhất một hệ thống S-300 Armenia hoặc các thành chiến đấu của nó bị Azerbaijan phá hủy.
Rõ ràng, sử dụng S-300 để đối phó các loại UAV tấn công cỡ nhỏ là không hiệu quả nhưng lỗi không hoàn toàn thuộc về hệ thống phòng không này. Theo các chuyên gia quân sự của Svpressa thất bại của S-300 ở Karabakh xuất phát từ hai điều sau.
Thứ nhất, S-300 là hệ thống phòng không tầm xa được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu bay hoạt động ở độ cao lớn hoặc tên lửa đạn đạo của đối phương. Giao cho nó nhiệm vụ đánh chặn các mục tiêu bay nhỏ như UAV rõ ràng là không phù hợp và quá tốn kém.
Có thể lấy ví dụ như trường hợp của Quân đội Nga ở Syria, các căn cứ của Moscow đều được trang bị các hệ thống phòng không tầm xa S-300 và S-400 nhưng nhiệm vụ đối phó các cuộc tấn công bằng UAV lại do các hệ thống phòng không tầm thấp, tầm trung như Pantsir-S1, Tor-M2 đảm nhận.
Có một thực tế là Armenia không sở hữu các hệ thống phòng không như vậy. Các hệ thống phòng phòng tầm thấp như 9K33 Osa đã quá lỗi thời để có thể đánh chặn các UAV tiến tiên như Bayraktar TB2 và Harop.
Một ví dụ khác thực tế hơn là cả Azerbaijan và Armenia đều không dám điều động chiến đấu cơ đến tham chiến ở Karabakh do lo ngại bị S-300 đối phương (Azerbaijan sở hữu S-300PMU2) bắn hạ.
Thứ hai, năng lực vận hành hệ thống S-300 của Armenia cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu của hệ thống phòng không này.
Theo các chuyên gia của Svpressa, kíp chiến đấu S-300 của Armenia thường được huấn luyện để phát hiện và theo dõi các phương tiện bay cỡ như chiến đấu cơ, còn đối với các mục tiêu bay cỡ nhỏ như UAV rõ ràng họ không có nhiều kinh nghiệm.
Thiếu kinh nghiệm tác chiến thực tế có thể kíp chiến đấu S-300 phải trả giá đắt trước các cuộc tập kích của đối phương.
Các chuyên gia của Svpressa cho rằng, với tình cảnh của Armenia hiện tại họ không còn cách nào khác ngoài việc nhờ Nga can thiệp. Tất nhiên, vì một số lý do chính trị Moscow không thể đưa quân sang Karabakh để vận hành các hệ thống S-300 hay viện trợ Pantsir-S1 cho Yerevan. Dù vậy, người Nga vẫn có thể giúp Armenia bằng một cách khác mà không cần phải động binh.
Cách mà Svpressa đang muốn nói đến chính là việc sử dụng các hệ thống tác chiến điện để vô hiệu hóa lực lượng UAV Azerbaijan đang hoạt động trên bầu trời Karabakh. Quân đội Nga rõ ràng có thừa kinh nghiệm để làm được việc này.
UAV Azerbaijan "rụng như sung" là do Nga?
Theo chuyên trang hàng không Avia.Pro, nhiều khả năng Nga đang âm thầm can thiệp vào cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh, bằng cách hỗ trợ Armenia loại bỏ lực lượng UAV của Azerbaijan.
Avia.Pro dẫn các nguồn tin riêng cho biết, Nga đã triển khai các hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4 đến gần Nagorno-Karabakh để giúp Armenia đối phó với UAV Azerbaijan. Tuy nhiên thông tin này vẫn chưa được kiểm chứng.
Hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4 của Quân đội Nga. Ảnh: The Defense Post.
Theo giới quan sát, dựa trên tình hình chiến sự hiện tại, thông tin của Avia.Pro cũng có một chút cơ sở khi Azerbaijan liên tiếp để mất 9 UAV chỉ trong vài ngày qua.
Trong tuyên bố chính thức của Bộ Quốc phòng Armenia, lực lượng của họ đã bắn hạ 9 UAV tấn công Azerbaijan chỉ trong 48 giờ, điều mà họ không thể làm được trước đó. Thậm chí lực lượng Armenia ở Karabakh còn đưa ra xác chiếc UAV Bayraktar TB2 mà họ thu giữa được.
Tất nhiên, phía Bộ Quốc phòng Azerbaijan phủ nhận hoàn toàn những tuyên bố của Armenia.
Dựa trên hình ảnh về những chiếc UAV Bayraktar TB2 mà Armenia bắt được có vẻ như chúng đã mất kiểm soát và đâm xuống đất hơn là bị bắn hạ bởi vũ khí phòng không, các bộ phận của máy bay gần như còn nguyên vẹn. Điều này dẫn tới một khả năng là UAV Azerbaijan bị hệ thống Krasukha-4 đang được Nga triển khai ở Armenia tấn công.
Trước đó, vào đầu tháng 10, tờ Svpressa cũng từng đưa tin về việc Nga sử dụng hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4 áp chế một máy bay do thám CL-600 ARTEMIS của Không quân Mỹ cố gắng tiếp cận một căn cứ quân sự của Nga ở Armenia.
Điều này cho thấy Quân đội Nga đang triển khai các hệ thống Krasukha-4 ở Armenia.
Theo giới quan sát, với tầm tác chiến lên đến 300km của Krasukha-4, người Nga hoàn toàn có thể đặt các hệ thống tác chiến của họ ở Armenia để đối phó với UAV Azerbaijan mà không cần đưa quân vào Nagorno-Karabakh.
Azerbaijan bắt sống hàng loạt xe tăng của Armenia.