Masan xem xét mở rộng ngành nghề kinh doanh trong 5 năm tới

Đặng Khôi |

Các cổ đông của Tập đoàn Masan (mã: MSN) năm nay đến dự Đại hội đồng cổ đông được tặng một chiếc áo phông dài tay, khác với chiếc áo phông ngắn tay như mọi năm. Sự khác biệt này, theo cách nói “vui vui” của ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch của Masan đó là cách thể hiện tinh thần “keep going long” của Tập đoàn này.

“Keep going” là chủ đề của Đại hội năm nay của Masan, và có lẽ cũng theo tinh thần của chủ đề này, năm nay, ông Quang chỉ đóng vai trò MC của đại hội chứ không phải là người diễn thuyết chính như mọi năm. Người thực hiên công việc này, thuộc thế hệ 8x, ông Danny Lê - Giám đốc Chiến lược của Tập đoàn.

2017, chắc chắn không phải là năm thuận lợi với Masan. Doanh thu đã không còn tăng với tốc độ cực cao như mọi năm, mà còn giảm so với 2016. Doanh thu thuần của Masan chỉ đạt mức 37.621 tỷ đồng, thấp hơn mức 43.297 tỷ đồng năm trước đó.

Khó khăn lớn nhất với Masan đó là đợt khủng hoảng giá thịt heo vẫn chưa qua, khiến lĩnh vực kinh doanh các sản phẩm phục vụ thị trường này của Masan Nutri-Science không thuận lợi. Ngoài ra, doanh thu giảm còn có lý do chủ quan là tái kiến thiết nền tảng kinh doanh của Masan Consumer...

Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2018 vừa được MSN công bố, trong quý đầu năm, doanh thu thuần của Masan Group ổn định ở mức 8.274 tỷ đồng trong. EBITDA hợp nhất tăng trưởng 39,9% lên 2.606 tỷ đồng.

Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của Công ty tăng 3,4 lần, lên mức 816 tỷ đồng và biên lợi nhuận thuần tăng lên 9,8% từ mức 2,8% trong quý I/2017. Ngoài ra, Công ty không có các thu nhập/chi phí phát sinh một lần trong quý I/2018.

Tuy nhiên đáng chú ý là năm 2017, hiệu quả kinh doanh của Masan vẫn duy trì với Ebitda vẫn đạt mức 9.396 tỷ đồng, so với mức 9.669 tỷ đồng năm 2016.

Và đặc biệt, lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông của Công ty tăng 8%, từ mức 2.791 tỷ đồng lên mức 3.103 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Đăng Quang: “Là một đất nước mới nổi, Việt Nam có thể là một nơi đầy thách thức và thiếu ổn định để xây dựng một doanh nghiệp phát triển bền vững.

Masan cũng đã nếm trải những trái ngọt cũng như quả đắng của sự biến động theo chu kỳ kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi là công ty Việt Nam và có niềm tin mãnh liệt vào tiềm năng đất nước mình”.

”Tại Masan, đầu tư và phát triển cùng Việt Nam không chỉ đơn giản là những quyết định kinh doanh đúng đắn mà còn là niềm tự hào dân tộc, và cam kết của chúng tôi với đồng bào mình.

Masan muốn tạo nên sản phẩm mà gia đình của chúng tôi có thể tự hào, các hế hệ tương lai có thể tự hào, và sản phẩm gì đó bền lâu và đặc biệt là có thể phát triển cùng đất nước.

Năm 2018, Masan đặt mục tiêu doanh thu ở 2 kịch bản, mức thấp là 45.150 tỷ đồng và mức cao là 47.000 tỷ đồng, tương ứng với đó là Lợi nhuận thuần sau thuế phân bổ cho cổ đông là 3.400 tỷ đồng và 4.000 tỷ đồng.

Tại Đại hội, cổ đông Masan đã thông qua 18 vấn đề, trong đó đáng chú ý là việc chấp thuận cho ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch HĐQT của Techcombank) thôi chức Phó Chủ tịch Masan theo nguyện vọng cá nhân.

Trong chiến lược phát triển 5 năm tới, Masan sẽ xem xét mở rộng thêm một số ngành có nhu cầu lớn và tiềm năng tăng trưởng cao, và lĩnh vực hoá mỹ phẩm đang trong danh mục này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại