arcus Rashford là điểm sáng lớn nhất của Man United trong những năm tháng chật vật thời hậu Sir Alex Ferguson. Chàng trai người Anh ấy là một tài năng chân thực, không phải kiểu sớm nở tối tàn như Federico Macheda hay Adnan Januzaj.
Marcus Rashford yêu bóng đá từ lúc lọt lòng mẹ. Câu nói này nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng... lại là sự thật. Các anh của Marcus đều nhớ rõ khi còn trong nôi, đôi mắt nhỏ bé của cậu em mình luôn dán chặt vào màn hình mỗi khi có bóng đá. Họ nói Marcus có thể đang khóc nhè, nhưng thấy bóng đá thì im ngay, và có thể xem hàng giờ đồng hồ mà không quấy.
Bố của Marcus là một vận động viên cricket tài năng, và ông đã mơ cậu con trai nối nghiệp minh. Nhưng Marcus sinh ra là dành cho bóng đá. Chuyện ấy không có gì phải bàn cãi nữa. Bây giờ, Marcus đã 20 tuổi và đang sống trong giấc mơ của thời thơ ấu. Cậu không chỉ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, mà còn được xem là tương lai của Man United lẫn bóng đá Anh.
Tất cả khởi đầu vào một đêm rét mướt, trên sân bóng 5 người ở Withington, nơi Marcus đá giải với những đứa trẻ 11 tuổi khác. Giải phong trào này do hãng thức ăn nhanh McDonald’s tổ chức, với mục đích quảng bá thương hiệu là chính. Nhưng tài năng của cậu bé Marcus Rashford khiến giải đấu vượt xa quy mô của một sự kiện PR. Cậu bước vào sân, cầm bóng lao vào hàng thủ đối phương, lách người thật nhanh để né những quả xoạc bóng. Đấy là một cậu nhóc đặc biệt, ai nhìn thấy cậu hôm ấy cũng phải nói thế.
Tiếng trầm trồ của đám đông kéo thêm những người tò mò. Phải có 200 người đứng ở phía ngoài hàng rào, ngó vào trong, hỏi cậu bé tên gì. "Rashy!" họ hô lên và quay phim lại những pha đi bóng của cậu. Melanie, mẹ cậu, cảm thấy hơi lo ngại về mặt an ninh. Nhưng phía trong sân, Marcus vẫn chạy cùng quả bóng, bỏ lại những đối thủ truy cản trong sân và tạo ra những tiếng hò reo ngoài sân. Kết thúc trận, một người mẹ đi cùng con trai mình cố chen đến xin chụp với Marcus một tấm hình.
Nhưng Marcus không phải chỉ cảm thấy hạnh phúc khi vượt qua đối thủ, anh còn tìm thấy sự hứng thú không kém trong việc ngăn đối phương ghi bàn. Thần tượng đầu đời của anh là Tim Howard và trong mùa giải đầu tiên tại trung tâm đào tạo Fletcher Moss Rangers, Rashford chơi trong khung gỗ. Anh nhớ lại: "Cảm giác khi ngăn một bàn thua cũng sướng như khi ghi được một bàn. Tôi từng có một chiếc áo của Tim Howard, quý giá cất trong nhà. Rồi bạn chờ xem, biết đâu có một ngày nào đó, tôi sẽ lùi về và giữ khung thành cho Man United nếu tình thế bắt buộc".
Sở dĩ Marcus bị đẩy về giữ khung thành vì... anh ghi bàn quá nhiều. Khi lần đầu tiên mang đứa con trai mê bóng đá của mình đến trung tâm Fletcher Moss Rangers, bà Melaine phải trả 2 bảng Anh để Marcus được vào thử sức. Tất nhiên Fletcher Moss Rangers đã túm ngay cậu bé.
Có giai thoại kể lại Marcus từng ghi 12 bàn chỉ sau 10 phút đầu một trận đấu nọ. Ghi bàn nhiều đến... phát chán, cậu bắt đầu kiến tạo cho các đồng đội và Fletcher Moss dẫn trước 20-0 khi trận đấu còn chưa trôi được nửa hiệp. Marcus chơi hay đến mức sau đó người ta không trao danh hiệu cầu thủ hay nhất trận cho anh nữa, mà trao cho người thứ nhì để kích thích sự phấn đấu. Thời niên thiếu, người ta đã gọi Marcus là Lionel Messi của Fletcher Moss.
Fletcher Moss tràn ngập những tuyển trạch viên của các CLB Premier League. Man United có liên kết chặt chẽ nhất với nơi này. Nhờ mối quan hệ ấy mà họ từng có Danny Welbeck, Wes Brown, Ravel Morrison và Jesse Lingard. Lúc Man United đến hỏi về Marcus, anh đang tập cùng với đội trẻ của Man City ở Patt Lane. Nhưng chỉ sau vài cuộc điện thoại, Marcus trực chỉ lò của Man United. Từ đó, "Quỷ đỏ" không buông viên ngọc thô của mình ra nữa.
waine, người anh ruột lớn hơn Marcus những 14 tuổi, vẫn coi sóc em trai mình đến tận bây giờ. Anh đồng thời cũng là đại diện của Marcus. Chính Dwaine, sau một cuộc thương lượng dài hơi với Ban lãnh đạo Man United đã giúp thu nhập của Marcus tăng từ 1.500 bảng lên thành 25.000 bảng/tuần, chưa kể những khoảng tiền thưởng dựa trên đóng góp. Con số này chắc chắn sẽ còn tăng lên nữa trong vòng 4 năm tới.
Năm Marcus mới có 15 tuổi, Dwaine đã đề ra một mục tiêu hết sức cụ thể: em trai mình phải phấn đấu để được dự EURO 2016. Tháng 2/2016, Marcus xuất hiện lần đầu trong đội hình chính của Man United để rồi lao đi như một cơn lốc. Cậu ghi bàn trong trận ra mắt Man United khi sút tung lưới Midtjylland ở Europa League.
Trận Premier League đầu tiên, Rashford sút tung lưới Arsenal. Đến tháng Sáu, cậu đã là tuyển thủ Anh trẻ nhất từng ghi bàn kể từ năm 1938. Và như thế, cậu đường hoàng lên đường dự EURO 2016 như kế hoạch.
Vai trò của Man United trong việc phát triển Rashford cũng không nhỏ. Họ luôn nhìn thấy điểm yếu lớn nhất của cậu là thể lực. Thế nên HLV của Rashford ở những đội trẻ dù biết chàng trai của mình thích đá trung phong, vẫn dời cậu ra cánh để rèn thể lực cho cậu thông qua những pha đua tốc độ và tranh chấp thể lực với hậu vệ biên của đối phương.
Trong một trận đấu cho đội U18 ở Newcastle, Marcus có dấu hiệu kiệt sức vì chạy quá nhiều ở cánh. Anh nhìn về phía HLV Paul McGuinness như muốn năn nỉ "Hãy thay tôi ra". Nhưng McGuinness phớt lờ đề nghị ấy. Ngọc bất trác, bất thành khí.
Hai anh em Rashford, cũng như các thành viên khác trong gia đình đã chuyển chỗ ở vài lần. Bây giờ họ đang định cư ở Ashton, đã sống gần 2 năm trong một căn nhà bốn phòng ngủ. Nhưng Marcus vẫn thỉnh thoảng trở lại Wythenshawe, chui vào quán J’s Rhythm, một chỗ dừng chân kiểu Caribbean, nơi người chủ vẫn phát gà miễn phí cho lũ trẻ ngày trước. Marcus chưa bao giờ quên nguồn gốc của mình.
ythenshawe, cách Old Trafford 6 cây số, đã chứng kiến cậu nhóc Marcus Rashford đá bóng vào tường rồi đón quả bóng bật trở lại. Cậu chơi với bạn bè, thậm chí chơi một mình cho đến khi mẹ gọi về. Rashford rất yêu mẹ, nhưng cậu không thật sự có nhiều tình cảm với ông bố Robert. Tên ông cũng không được ghi trong khai sinh của cậu.
Người ta không biết ai thực sự là nguyên nhân gây đổ vỡ gia đình, nhưng bà Melanie được người xung quanh khen ngợi vì đã nuôi ba đứa con trai nên người. Giữa Dwaine và Marcus còn có một người con trai nữa là Dane. Khi Marcus Rashford tám tuổi, bà Melaine chuyển nhà từ Withington lên Northern Moor vì ngại tình hình băng đảng nơi đây. Bà làm việc cho một hãng cá cược và cực kỳ sùng đạo.
Marcus được mẹ và các anh bảo bọc tuyệt đối, không cho cậu đến gần lũ bạn xấu. Bởi thế mà anh từng sốc khi biết một người em họ bị mưu sát vào năm 2004. Marcus chưa từng gặp người bà con bên nội ấy lần nào.
Dù đã thành danh, nhưng Marcus vẫn giữ trên mình trên mặt đất. Anh kiên nhẫn chụp hình với các cổ động viên, ký tặng họ nhiều nhất có thể, dù trong màu áo Man United hay đã lên tập trung cùng đội tuyển Anh.
Sau khi sút tung lưới Arsenal trong trận đầu tiên tại Premier League, hôm sau cậu vẫn đến trường lúc 9 giờ sáng để dự thi môn Hóa. Bạn bè kể cậu chưa từng kẻ cả với ai dù đã là một trong những người nổi tiếng nhất nước Anh. Cựu danh thủ Nicky Butt, hiện cũng đang làm công tác đào tào trẻ tại Man United, dự báo Rashford sẽ trở thành thủ quân trong tương lai vì sự gương mẫu tuyệt vời của anh.
"Tôi cứ ngỡ mọi thứ như mới vừa xảy ra hôm qua", Marcus Rashford nói khi về thăm lại Fletcher Moss. "Bầu không khí này, môi trường này, tôi sẽ không bao giờ quên mọi thứ xảy ra như thế nào. Chúng tôi từng có đến 40-45 người ở đây, thuộc mọi lứa tuổi. Tôi đã có nhiều bạn bè, và đến giờ họ vẫn là bạn của tôi".
Và một điều nữa mà bạn cần nhất: Marcus Rashford là một trong những cầu thủ cuối cùng được đích thân Sir Alex Ferguson coi sóc. Nếu Rashford tiếp tục lãnh ấn tiên phong của "Quỷ đỏ" trong tương lai, hãy nhớ anh là chàng trai của quá khứ, đá trong hiện tại để tạo ra một tương lai huy hoàng thời hậu Ferguson!