Ngày 30-5, TAND TP Hà Nội đã mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử vụ án này. Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, Đạm mở Văn phòng môi giới nhà đất “Hữu Dũng” tại quận Long Biên, nhưng không đăng ký kinh doanh. Đầu năm 2012, Đạm và Hoa tình cờ quen biết nhau.
Với mục đích có tiền chi tiêu, Đạm và Hoa thống nhất nội dung, Đạm sẽ giới thiệu với mọi người rằng, Hoa công tác tại Văn phòng Chính phủ, có suất mua nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp tại toà nhà CT21, Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên với giá từ 9 triệu đồng đến 12 triệu đồng một m2, diện tích trung bình 63m2.
Người nào có nhu cầu mua sẽ nộp cho Đạm khoảng 350 triệu đồng đặt cọc, số tiền còn lại sẽ nộp dần trong thời hạn 10 năm. Trong đó, Đạm sẽ nộp 300 triệu đồng cho Ban Quản lý dự án nhà ở xã hội, số tiền còn lại Đạm hưởng chênh lệch.
Đạm hứa hẹn khoảng tháng 4-2013 sẽ bàn giao nhà. Đạm thu tiền, Hoa là người hướng dẫn, làm thủ tục cho người mua.
Từ những lời quảng cáo không đúng sự thật của Đạm, đầu năm 2013, qua người quen giới thiệu, anh Bùi Trọng Hùng (40 tuổi, ở quận Đống Đa) đã đưa cho Đạm 350 triệu đồng với mong sẽ sớm nhận được căn hộ chung cư, thuộc diện nhà ở xã hội, tại tòa nhà CT21.
Cùng thời điểm này, anh Hà Văn Ty (40 tuổi, ở quận Hoàng Mai) cũng đưa cho Đạm số tiền 350 triệu đồng đặt cọc để mua nhà ở xã hội tại Khu đô thị Việt Hưng.
Đầu năm 2013, 4 cá nhân khác cũng đăng ký mua nhà ở xã hội, tại Khu đô thị Việt Hưng và đã nộp cho Đạm tổng cộng hơn 2,1 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này, Đạm khai đã đưa hết cho Hoa nhưng không viết giấy tờ gì.
Quá trình điều tra và tại phiên toà, Hoa chỉ thừa nhận từng là cán bộ Trung tâm Văn hóa, thể thao thành phố Bắc Ninh, chứ chưa bao giờ nhận là cán bộ Văn phòng Chính phủ và không bày đặt ra chuyện mua nhà thu nhập thấp giá rẻ.
“Việc bị cáo Đạm nói với các bị hại thế nào và thu tiền mua bán nhà ra sao, bị cáo không biết. Bị cáo cũng không hướng dẫn các bị hại làm thủ tục đăng ký mua nhà thu nhập thấp”, bị cáo Hoa phủ nhận lời khai của bị cáo Đạm.
Kết quả điều tra còn xác định, đầu năm 2014, khi con gái đang theo học tại một trường THCS trên địa bàn quận Long Biên, Hoa đã nói không đúng sự thật với cô giáo chủ nhiệm của con mình rằng, chị ta đang công tác tại Thanh tra Chính phủ nên có khả năng xin được việc làm.
Tưởng thật, cô giáo chủ nhiệm của con gái Hoa đã nhờ đối tượng này “chạy” cho em ruột vào làm giáo viên của một trường tiểu học và bị Hoa chiếm đoạt 200 triệu đồng.
Cũng bằng thủ đoạn “chạy” việc làm vào ngành giao thông, từ năm 2013 đến 2014, Hoa còn trực tiếp chiếm đoạt hơn 1,3 tỷ đồng của ba cá nhân khác.
Trong thời gian bị khởi tố điều tra đến khi hầu toà, Hoa mắc chứng bệnh “run chân” nên phải sử dụng xe lăn để đi lại.
Dù quá trình điều tra và xét xử, bị cáo Hoa không nhận tội, nhưng căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình xét xử công khai tại phiên toà, HĐXX xác định, để chiếm đoạt được số tiền hơn 3,7 tỷ đồng của các bị hại, bị cáo Hoa đã mạo nhận là cán bộ thuộc Văn phòng Chính phủ, cán bộ Thanh tra Chính phủ để câu kết với bị cáo Đạm dụ dỗ mọi người mắc bẫy mua nhà ưu đãi giá rẻ và lừa xin việc làm.
Trước khi gây ra vụ án này, năm 1998, Hoa đã bị Toà phúc thẩm, TAND tối cao tại Hà Nội xử phạt 36 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm về tội lạm dụng tín dụng chiếm đoạt tài sản.
“Hành vi phạm tội của bị cáo Hoa là rất nghiêm trọng. Điều đó thể hiện rõ qua việc bị cáo cấu kết với bị cáo Đạm lừa nhiều người và lừa trong thời gian dài để quyết tâm chiếm đoạt tiền của các bị hại”, vị Chủ toạ nhấn mạnh.
Với phán quyết trên, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Hoa 13 năm tù và bị cáo Đạm 9 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 139-BLHS.
Ngoài hình phạt tù, HĐXX còn buộc hai bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho bị hại theo luật định.