20 năm trước, Bắc Ninh được tái lập tỉnh. Đến nay, Bắc Ninh đã có bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế xã hội khiến đời sống của người dân trong khu vực tăng lên nhanh chóng, được cái thiện mạnh mẽ.
Trong năm 2016, tổng sản phẩm địa bàn - GRDP bình quân đầu người Bắc Ninh xếp thứ 2 sau Bà Rịa- Vũng Tàu (tỉnh có hoạt động khai thác dầu thô) vượt cả Tp.HCM và Hà Nội, gấp 2,3 lần bình quân chung cả nước.
GRDP năm 2016 của tỉnh ước đạt gần 26 nghìn tỷ đồng, gấp 15,2 lần so với năm 1997, bình quân 20 năm qua, tỉnh luôn có mức tăng trưởng bình quân 15,1%. Đây cũng là một trong số địa phương giàu có nhất cả nước.
Bắc Ninh được biết đến cũng là một trong những tỉnh thành sinh ra nhiều người giàu trong bảng xếp hạng 500 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Tính đến 31/12/2016, trong bảng xếp hạng này xướng tên 4 doanh nhân, trong đó có 3 doanh nhân nam và 1 nữ doanh nhân với tổng tài sản lên đến gần 600 tỷ đồng.
Đứng đầu trong danh sách này phải kể đến ông Nguyễn Như So - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc DABACO (DBC).
Năm 1996, ông Nguyễn Như So được điều động giữ cương vị giám đốc công ty Nông sản Hà Bắc khi doanh nghiệp này đi lên từ con số không. Ông So phụ trách sản xuất kinh doanh khi đó công ty chỉ có một chiếc máy hàn trị giá 2,5 triệu đồng với 12 cán bộ.
Dù khó khăn nhưng với tinh thần của một người lính, ông không nản lòng, đưa một doanh nghiệp nhà nước từ quy mô nhỏ bé, làm ăn thua lỗ trở thành một doanh nghiệp lớn với 22 nhà máy, công ty, xí nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cao cấp, cung cấp giống gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm nông sản, bao bì, kinh doanh thương mại và cả Khu công nghiệp, đô thị…
Tứ tháng 5/2015, ông So đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam. Tính đến hết năm 2016, số cổ phiếu ông So năm giữ tại DBC là gần 14 triệu cổ phiếu, tương đương với giá trị là hơn 466 tỷ đồng, đứng thứ 52 trong bảng xếp hạng 500 người giàu nhất Việt Nam.
Ông Nguyễn Như So - Nguồn DBC
Xếp thứ 2 trong bảng xếp hạng này là ông Nguyễn Đỗ Lăng Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (API). Bên cạnh đó, ông Lăng còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (APS), thành viên Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư tài chính Quốc tế và Phát triển doanh nghiệp IDJ (IDJ).
Tại API, ông giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị từ năm 2006 đến nay. Số cổ phiếu ông đang nắm giữ tại công ty này là 3.979.922, tương đương 11,24% cổ phần. Ông Lăng còn có hơn 2 triệu cổ phiếu APS và 7.600 cổ phiếu Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thành Nam (CSC). Tổng số tài sản trên sàn chứng khoán của ông tương đương 61,9 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đỗ Lăng
Ông Nguyễn Đức Khả đang đứng ở vị trí thứ 3 với tổng tài sản trên sàn chứng khoán là 24,71 tỷ đồng. Ông Khả đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Nagakawa Việt Nam (NAG) từ năm 2002-2010. Sau đó, ông thôi giữ chức Tổng giám đốc NAG trong năm và mới được bổ nhiệm lại vị trí này từ 1/3/2014.
Năm 2016, ông Khả đứng ở vị trí 368 trong bảng xếp hạng những doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán Việt.
Đại diện cuối cùng đến từ Bắc Ninh là bà Vũ Thị Thứ. Bà Thứ sinh năm 1965 tại Bắc Ninh và hiện đang sinh sống tại TP. HCM. Bà là Thành viên HĐQT của CTCP Đầu tư Xây dựng Lương Tài (LUT) và Thành viên HĐQT CTCP XDCT Lương Tài.
Tính đến hết năm 2016, bà sở hữu 2.806.100 cổ phiếu LUT tương đương tỷ lệ 18.76%. Theo thị giá ngày 15/2, LUT giao dịch ở mốc 2.800 đồng/cổ phiếu thì số cổ phần của bà Thứ tương đương 7,9 tỷ đồng.