Mảnh đất địa linh nhân kiệt, có vị trí đặc biệt sẽ trở thành đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam

Pha Lê |

Tỉnh này có vùng đầm phá diện tích lớn nhất Đông Nam Á, có nhiều tiềm năng to lớn về phát triển kinh tế biến và du lịch.

Những lợi thế đặc biệt của Thừa Thiên Huế

Tỉnh Thừa Thiên Huế có rất nhiều lợi thế mà không phải địa phương nào cũng có được. Thừa Thiên Huế nằm trên trục giao thông quan trọng xuyên Bắc - Nam, trục hành lang Đông - Tây nối Thái Lan - Lào - Việt Nam theo đường 9. Thừa Thiên Huế ở vào vị trí trung độ của cả nước, nằm giữa thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai trung tâm lớn của hai vùng kinh tế phát triển nhất nước ta, là nơi giao thoa giữa điều kiện tự nhiên - kinh tế - xã hội của cả hai miền Nam - Bắc.

Đây là tỉnh thuộc khu vực vùng biển và ven biển Trung Trung Bộ với 128 km chiều dài bờ biển tiếp cận với ngư trường biển Đông. Cảng Thuận An và vịnh Chân Mây với độ sâu 18 - 20m đủ điều kiện xây dựng cảng nước sâu với công suất lớn, có cảng hàng không Phú Bài nằm trên đường quốc lộ 1A và đường sắt xuyên Việt chạy dọc theo tỉnh, có 81 km biên giới với Lào.

Tỉnh có nhiều bãi biển đẹp như Lăng Cô, Thuận An, Cảnh Dương; điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái đa dạng, phong phú với nhiều động, thực vật quý hiếm.

Tỉnh có vị trí cửa ngõ thông thương ra biển của tuyến hành lang xuyên Á Đông - Tây qua Bắc Thái Lan - Nam Lào - Miền Trung Việt Nam; có lợi thế kết nối, giao lưu kinh tế thương mại, hàng hải ba miền Bắc - Trung - Nam, kết nối hình thành vành đai kinh tế ven biển Miền Trung. Vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có diện tích lớn nhất Đông Nam Á là một danh lam thắng cảnh riêng có của tỉnh, có nhiều tiềm năng to lớn về phát triển kinh tế biến và du lịch.

Mảnh đất địa linh nhân kiệt, có vị trí đặc biệt sẽ trở thành đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam - Ảnh 1.

Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm văn hoá, du lịch, trung tâm giáo dục đào tạo, y tế lớn của cả nước và là cực phát triển kinh tế quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Về văn hóa, Thừa Thiên Huế nói chung và cố đô Huế nói riêng là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có vị trí đặc biệt, rất đặc sắc về con người và truyền thống văn hóa, lịch sử; là địa điểm du lịch hấp dẫn với nền văn hóa vô cùng đặc sắc, sự hòa quyện của văn hóa đô thị với văn hóa làng, chùa; văn hóa cung đình với văn hóa dân gian.

Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam

Nhiệm vụ Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai lập quy hoạch và xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, có vai trò và tầm quan trọng đặc biệt.

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 có tầm quan trọng đặc biệt, là quy hoạch có tính chất bản lề, sau khi quy hoạch được phê duyệt sẽ tạo ra khung pháp lý cao nhất, hành lang vững chắc cho sự phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của tỉnh; là cơ sở, tiền đề để hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tạo không gian phát triển mới; từng bước giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa; giữa bảo tồn, giữ gìn truyền thống và phát huy các giá trị di sản; giữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc Trung ương.

Mục tiêu phát triển đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; đô thị hạt nhân cấp Vùng và tiểu vùng, là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, cực tăng trưởng của Vùng động lực miền Trung; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; là khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.

Tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên Huế - thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, xanh, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước; hướng tới thành phố Festival, trung tâm văn hóa - du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu đặc sắc của cả nước và châu Á; là điểm đến an toàn, thân thiện, xứ sở của hạnh phúc và tràn đầy năng lượng.

Mảnh đất địa linh nhân kiệt, có vị trí đặc biệt sẽ trở thành đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam - Ảnh 2.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2023 của Thừa Thiên Huế

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 9 tháng đầu năm của tỉnh ước đạt 6,84%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước dự ước trên 4%.

Kim ngạch xuất khẩu tháng 9 ước đạt 106,4 triệu USD, tăng 24% so với tháng trước và giảm 40,1% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu tháng 9 đạt 82,3 triệu USD, tăng 60% so với tháng trước và tăng 31,1% so với cùng kỳ.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 1,86% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 41.284 tỷ đồng, tăng 15,5% so cùng kỳ; doanh thu vận tải, bốc xếp ước đạt 3.430 tỷ đồng, tăng 17,3%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh tháng 9 ước tăng 9,4% so với cùng kỳ, tính chung 9 tháng ước tăng 2,4%. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Thừa Thiên Huế có 527 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 3.626 tỷ đồng, giảm 15,4% về lượng và giảm 33,7% về vốn so với cùng kỳ; số doanh nghiệp hoạt động trở lại 274 doanh nghiệp, giảm 140 doanh nghiệp, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động là 459 doanh nghiệp, tăng 13 doanh nghiệp; giải thể tự nguyện 94 doanh nghiệp, tăng 8 doanh nghiệp; giải thể theo quyết định thu hồi 184 doanh nghiệp, tăng 181 doanh nghiệp.

Mảnh đất địa linh nhân kiệt, có vị trí đặc biệt sẽ trở thành đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam - Ảnh 3.

Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô (huyện Phú Lộc, Huế) thuộc cùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Tổng dư nợ cấp tín dụng ước đạt 75.700 tỷ đồng, tăng 1,82%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 21.817 tỷ đồng, bằng 70% kế hoạch, tăng 6,5% so với cùng kỳ. Thu ngân sách ước đạt 7.543 tỷ đồng, bằng 76% dự toán, bằng 58% so với chỉ tiêu phấn đấu và giảm 18,4% so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã cấp mới 18 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 5.010 tỷ đồng (gồm 6 dự án FDI với vốn đăng ký 41 triệu USD); điều chỉnh tăng/giảm vốn 7 dự án với vốn tăng thêm 1.533 tỷ đồng và chấm dứt hoạt động 8 dự án.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và đầu tư, ước giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng của tỉnh Thừa Thiên Huế là 3.498,625 tỷ đồng, đạt 60,8%, xếp thứ 10/63 tỉnh thành và thuộc nhóm có tỷ lệ giải ngân cao của toàn quốc. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã giao bổ sung các nguồn lực đầu tư công là 2.676,84 tỷ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại