Đây là một chiến lược đã quá quen thuộc vì ai cũng biết ông là bậc thầy sử dụng đòn thuế quan một cách thành thục như một nghệ thuật đàm phán. Tuy nhiên, cách làm này ngày càng trở nên khó hiểu và làm cho các cuộc đàm phán thương mại của Mỹ tiềm ẩn nhiều bất trắc. Trong khi đó, giới chuyên gia cũng cho rằng, ẩn sau những căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh là tham vọng của Mỹ nhằm thâu tóm thị trường năng lượng thế giới.
Không có mục tiêu rõ ràng
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tổng thống Trump đã có hàng chục lần đe dọa đánh thuế đối phương để buộc họ ngồi vào bàn đàm phán, dĩ nhiên là dành phần lợi cho Mỹ. Chuyên gia về chính sách thương mại tại Coucil on Foreign Ralation (CFR) Edward Alden phân tích: "Tôi cho rằng, cách duy nhất để hiểu những việc đó là nhìn nhận Tổng thống Trump là người thích các biểu thuế. Tuy nhiên, biểu thuế không phải là thứ vũ khí hiệu quả nhất. Dù vậy, ông Trump vẫn tin rằng phương án này sẽ gây thiệt hại cho đối thủ cạnh tranh và có lợi cho kinh tế Mỹ".
Thực tế, kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng vững chắc hơn dự báo trong quý III năm nay, với tốc độ khoảng 2,1%. Tuy nhiên, kết quả này là do sức mua của người tiêu dùng và đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ. Phải thừa nhận kinh tế Trung Quốc cũng lao đao vì các đòn thuế quan của Mỹ. Washington có thể giáng thêm đòn nặng nề vào nền kinh tế thứ hai thế giới nếu như từ ngày 15/12 tới ông Trump tiếp tục tăng thuế 15% đối với 160 tỷ USD hàng tiêu dùng hàng ngày sản xuất tại Trung Quốc, trong đó có điện thoại di động và quần áo thể thao…
Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế, nếu Tổng thống Mỹ không nhanh chóng xem lại quyết định của mình thì triển vọng đạt thỏa thuận thương mại chấm dứt cuộc thương chiến Mỹ - Trung sẽ không bao giờ có.
Trung Quốc giờ không còn là mục tiêu duy nhất của Mỹ nữa. Tổng thống Donald Trump ngày 2/12 thông báo áp thuế lên mặt hàng thép nhôm của Brazil và Argentina, đồng thời cân nhắc tăng thuế lên đến 100% đối với 2,4 tỷ USD hàng tiêu dùng phổ biến của Pháp để trả đũa việc Paris đánh thuế các nhà khổng lồ công nghệ Mỹ, Google, Apple, Facebook và Amazon.
Chưa dừng lại đó, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết, Chính phủ đang tìm hiểu xem liệu có nên mở các cuộc điều tra tương tự về thuế dịch vụ kỹ thuật số của Áo, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ hay không.
Trừng phạt bằng thuế giờ đây như là một bộ phận không tách rời với chính sách thương mại của Washington. Có điều là những đe dọa hay quyết định áp thuế của Nhà Trắng được đưa ra bởi một lãnh đạo khó lường như ông Donald Trump. Giáo sư về chính sách thương mại tại Đại học Cornell (Mỹ) và là một chuyên gia về Trung Quốc, ông Eswar Prasad cho rằng, tính khí "lúc nóng, khi lạnh" của ông Trump sẽ làm các cuộc đàm phán giữa Mỹ với các đối tác thương mại chính trở nên bất trắc, khó hiểu. Thêm vào đó, những thay đổi bất ngờ giữa các cuộc thương lượng vốn đã phức tạp khiến cho các nhà đàm phán của Mỹ gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, giới chuyên gia cũng tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả và lo ngại những hậu quả từ các biện pháp thuế quan mới của Tổng thống Trump có thể là rào cản đối với các cuộc đàm phán đang và sẽ diễn ra với các quốc gia ở châu Á và châu Âu. Bên cạnh cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đến nay không nhìn thấy hồi kết, Chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn không ngại mở rộng cuộc chiến thuế quan ra khắp các châu lục với mọi đối tác bất kể đó là ai, một cuộc chiến dường như không có mục tiêu rõ ràng.
Tham vọng kiểm soát thị trường năng lượng
Trong khi đó, Chủ tịch Trung tâm Truyền thông Chiến lược Nga Dmitry Abzalov vừa đưa ra nhận định rằng, nguyên nhân chính dẫn tới cuộc chiến kinh tế giữa Washington và Bắc Kinh mà Chính quyền Mỹ khởi xướng là mong muốn kiểm soát thị trường năng lượng. Ngoài ra, Washington cũng đang công khai vận động hành lang để cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) do nước này sản xuất với mức giá đắt hơn.
Nguyên nhân chính dẫn tới cuộc chiến kinh tế giữa Washington và Bắc Kinh mà Chính quyền Mỹ khởi xướng là mong muốn kiểm soát thị trường năng lượng. (Nguồn: Getty Images)
Ông Abzalov cho biết: "Trong những năm gần đây, người Mỹ đã cố gắng tước đi quyền tiếp cận năng lượng của Bắc Kinh. Tại Venezuela đã bắt đầu diễn ra các cuộc đụng độ trên đường phố sau vụ ký kết hợp đồng cung cấp một khối lượng dầu đáng kể cho Trung Quốc. Tình hình ở Iran cũng vậy. Tehran cũng muốn chiếm thị trường Trung Quốc, bởi vì dòng dầu mỏ của nước này đã bị gián đoạn bởi các lệnh trừng phạt".
Chuyên gia Dmitry Abzalov cho rằng, vì mong muốn kiểm soát dòng năng lượng, Chính quyền Mỹ sẵn sàng gia tăng căng thẳng tình hình chính trị xã hội. Nhiều phương tiện khác nhau đã được sử dụng cho mục đích này, từ ủng hộ phe đối lập đến áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế gắt gao nhằm loại bỏ cạnh tranh.
Tuy nhiên, người tiêu dùng và khách hàng tiềm năng của khí đốt Nga hiểu rằng, nhiên liệu hóa lỏng từ bên kia đại dương sẽ có giá đắt hơn đáng kể so với khí đốt vận chuyển qua đường ống của Nga.
Nhận định về thị trường Đông Nam Á, chuyên gia Abzalov nhấn mạnh: "Ngoài thị trường Trung Quốc, còn có thị trường Ấn Độ và một số quốc gia như Việt Nam, Thái Lan và các nước khác. Nếu xét rằng phần lớn lượng khí đốt tiêu thụ trong những năm tới sẽ thuộc về các quốc gia Đông Nam Á, thì điều đáng nói ở đây là Nga vào thị trường này không chỉ ở định dạng LNG, mà cả qua tuyến đường ống, nói cách khác với lựa chọn rẻ hơn và hướng thị trường này đang dần mang tính chiến lược".