Sự ghen tị của bé lớn thường nảy sinh trong giai đoạn mẹ mang thai bé nhỏ
Vẫn có những bà mẹ không biết phải xử trí thế nào khi bé lớn luôn ghen tị, bắt nạt em trai, em gái mình. Trên lập trường của bé lớn, bé cảm thấy em trai hay em gái đã lấy mất tình yêu của mẹ vốn dĩ trước đây chỉ dành cho mỗi mình thôi, từ đó bé bỗng trở nên xấu tính.
Do đó, khi biết việc mang thai bé tiếp theo, mẹ phải cố gắng trò chuyện với bé lớn: "Con sờ thử xem, em bé ở đây đấy. Không biết đây là em trai giống em của bạn ABC, hay là em gái, con nhỉ!" để giúp bé có được tâm lý thật vui vẻ cùng mẹ chào đón sự ra đời của em.
Trong quá trình mang thai, cơ thể mẹ trở nên nặng nề mệt nhọc, liệu mẹ có vì lý do ấy mà xao nhãng không quan tâm đến bé lớn không? Sự ghen tị của bé lớn thường nảy sinh từ trong giai đoạn mẹ mang thai bé nhỏ.
Sự ghen tị của bé lớn thường nảy sinh trong giai đoạn mẹ mang thai bé nhỏ.
Dù mẹ có mệt mỏi bao nhiêu, muốn nằm nghỉ đi chăng nữa, mẹ cũng đừng quên giải thích cho bé lớn hiểu: "Em bé trong bụng mẹ đang quậy lắm nên mẹ thấy hơi đau. Mẹ xin lỗi nhưng con để mẹ nghỉ ngơi một tí nhé" rồi hẵng nằm ngủ.
Hoặc mẹ có thể nhờ bé: "Hông mẹ hơi đau, con giúp mẹ xoa bóp nhé!", nếu bé biết cảm thông thì bé sẽ sẵn sàng xoa bóp cho mẹ.
Việc sinh một em bé nữa không chỉ là niềm vui của riêng người mẹ mà còn là niềm vui chung của cả gia đình. Tôi biết bạn sẽ rất mệt mỏi lúc mang thai, nhưng đừng vì thế mà xao nhãng sự quan tâm dành cho bé lớn.
Khen bé lớn trước tiên
Mỗi khi nghe tin một người quen nào đó vừa sinh con đầu lòng, tôi thường chỉ chúc mừng bằng lời: "Ôi, vậy à! Chúc mừng nhé!" nhưng nếu nghe bảo đã sinh bé thứ 2, tôi sẽ cố gắng để mang quà mừng đến thăm.
Đây không chỉ là chúc mừng cho em bé mới được sinh ra mà còn để chúc mừng cho các bé lớn vừa được lên chức anh, chức chị. Tôi thường chọn những món quà để bé lớn có thể tự chơi một mình được như giấy gấp origami, dụng cụ vẽ tranh.
Tôi trao quà và nói lời chúc với bé lớn: "Chúc mừng con vì đã được làm anh(chị) nhé".
Bố mẹ cần quan tâm đến bé lớn trước tiên.
Mẹ cần quan tâm trước nhất là tâm trạng của bé lớn vì bé đang chơi vơi trước sự xuất hiện của "đối thủ" trong cuộc chiến tranh giành tình yêu của mẹ.
Thậm chí là nói dối cũng được, mẹ có thể trò chuyện với bé: "Em con quấy quá nên mẹ mới vất vả thế này thôi. Chứ hồi con còn nhỏ ấy, con lúc nào cũng vui vẻ, không hề quấy khóc một tí nào. Nhờ vậy mà mẹ đã đỡ vất vả biết bao nhiêu đấy!"
Mẹ nên cố gắng giúp bé hiểu rằng việc mình là một em bé lớn hơn có lợi biết bao nhiêu, chẳng hạn như mẹ có thể trò chuyện với bé như thế này: "Mẹ khát nước quá, mẹ uống nước ép trái cây, con có uống không? Ôi, em con ấy, không biết đến bao giờ mới có thể uống được nhỉ?".
Mẹ cũng có thể thử nhờ bé giúp làm những việc như: "Con có thể giúp mẹ lấy bỉm cho em được không? Mẹ cảm ơn con." để con thấy mình có ích với mẹ.
Với bé nhỏ, thi thoảng mẹ có thể cứ để mặc bé vì mọi việc rồi cũng sẽ tốt cả thôi, bé cũng sẽ lớn lên khỏe mạnh.
Khi khen bé lớn nói riêng, các con bạn nói chung, bố mẹ có thể tham khảo những lời khuyên sau:
1. Khen nịnh bé rằng: "Ôi, con làm được rồi!"
"Thất bại làm nên kinh nghiệm" là quan niệm đúng nhưng chỉ đúng với bé từ 3 tuổi trở lên. Tuy nhiên, đối với bé từ 0 đến 3 tuổi mẹ không nên để bé phải trải qua bất kỳ kinh nghiệm thất bại nào vì điều này hoàn toàn không đem lại lợi ích gì.
Thay vì đó, mẹ nên tạo cho bé thật nhiều trải nghiệm vui, thật nhiều điều thú vị, xây dựng một nền móng vững chắc cho sự phát triển của bé. Những trải nghiệm tuyệt vời ấy sẽ là hành trang vững chắc giúp bé tiếp nhận những thất bại một cách tích cực sau tuổi lên 3.
Để làm được điều này, mẹ cần chuẩn bị đến khoảng 90% những việc cần làm khi cho bé chơi trò chơi, thay quần áo hay sai bảo bé làm việc gì, mẹ chỉ nên để con làm 10% cuối cùng còn lại.
Ở giai đoạn đầu tiên, mẹ nên tránh giao cho bé những công việc khó, cần khéo léo. Tốt nhất là mẹ nên giao cho bé những việc mà mẹ thấy đơn giản.
Bé còn nên biết nói: "Cảm ơn" khi được mẹ của bạn cho một món đồ gì đấy. Người lớn khi nhận được câu cảm ơn từ bé tuyệt đối không được nói với bé: "Ôi, cháu đã biết nói cảm ơn rồi á! Giỏi quá!".
Khi giao việc cho bé, trước hết mẹ hãy làm mẫu cho bé xem. Bé nhìn theo mẹ làm mẫu và bắt chước. Đây chính là phương pháp tăng cường rèn luyện "Hệ thần kinh phản chiếu - Mirror Neuron System" trong não bộ của bé.
Nếu bé làm được, mẹ cũng đừng quên khen bé rằng "Ôi! Con làm giỏi thế!". Mẹ có thể khen quá một chút cũng được.
Bé càng được mẹ khen nhiều sẽ càng trở nên tự tin, giúp bé hình thành, nuôi dưỡng cảm giác muốn tự thử sức.
2. Đợi đến khi về nhà rồi hãy khen con
Bé cần phải nhanh chóng học những giao tiếp cơ bản. Mẹ phải cố làm sao để khi được hỏi: "Con mấy tuổi?" thì bé sẽ không ngập ngừng ấp úng mà có thể trả lời ngay rằng: "Con 3 tuổi ạ!".
Thay vào đó, trước tiên người lớn nên đáp lại lời "cảm ơn" của bé bằng câu: "Không có gì". Sau đó, mới tiếp tục nói: "Cháu ngoan lắm" hoặc là "Món ấy ngon lắm!" chẳng hạn.
Người lớn nên sử dụng cách trả lời đúng đối với bé ngay từ đầu.
Tôi cũng thường bắt gặp một số mẹ khen bé luôn tại chỗ rằng: "Tự con biết nói cảm ơn như thế là giỏi lắm, thông minh lắm" sẽ làm cho bé cảm thấy trước đây mình thật là khờ. Khen con thì nên đợi đến khi về nhà rồi làm cũng không muộn.
Đồng thời, mẹ có thể nhắc cho bé nhớ về chuyện tương tự trước đấy như: "Hồi trước con được mẹ bạn nào cho kẹo mà con chưa biết nói cảm ơn nhỉ?". Đây cũng là cách giúp bé rèn luyện được khả năng ghi nhớ của bản thân.
Bài viết trên được trích từ cuốn sách "Mẹ Nhật nuôi con nhàn tênh" của tác giả người Nhật Kubota Kayoko. Bà sinh năm 1932 tại Osaka, là vợ của Giáo sư Kubota Kisou, Giáo sư danh dự của Đại học Kyoto, giáo sư đầu ngành về khoa học thần kinh và là một bà mẹ hai con.
Khoảng 30 năm trước, bà Kayoko đã xây dựng thành công phương pháp nuôi dạy con của riêng bà, được gọi tên là PHƯƠNG PHÁP NUÔI DẠY CON CỦA KUBOTA. Phương pháp này được chọn lọc không chỉ từ những phương pháp nuôi con truyền thống trước đó mà còn được bà đúc kết từ chính kinh nghiệm sinh và nuôi dạy con của bản thân bà khi sinh sống ở Mỹ và Nhật, đồng thời các phương pháp này cũng được lý giải một cách rất khoa học dựa trên lý thuyết Khoa học thần kinh mà chồng bà, Giáo sư KUBOTA đã nhiều năm nghiên cứu.
Cuốn sách là tác phẩm đầu tiên bà viết với tư cách là tác giả độc lập năm 79 tuổi.
Sách do ThaiHaBooks phối hợp với NXB Lao động phát hành.