Rồng lửa phá rào đánh bốt của Lục quân Việt Nam
Được giới thiệu lần đầu tiên trong trong phóng sự "Thành tựu 40 năm Viện Tên lửa" vào năm 2016, trải qua quá trình thử nghiệm trên thực địa cũng như tại các đơn vị bộ binh, cho đến nay vũ khí phá vật cản FMV-B1 đã bắt đầu được Lục quân Việt Nam đưa vào biên chế cho một số đơn vị.
Điều này được thể hiện rõ qua bài viết "Vận dụng sáng tạo phương pháp huấn luyện, làm chủ khai thác vũ khí, khí tài mới" trên báo Quân đội Nhân dân về công tác huấn luyện làm chủ vũ khí mới tại Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 (Quân khu 4), với nội dung huấn luyện cho chiến sĩ làm quen với vũ khí phá vật cản FMV-B1 mà đơn vị mới được trang bị.
Hiện tại trong huấn luyện cũng như chiến đấu mở cửa đánh chiếm đầu cầu bộ binh của ta đa phần vẫn sử dụng phương pháp đánh bộc phá liên tục, tuy nhiên cách đánh này có nhiều điểm hạn chế và không còn phù hợp trong môi trường chiến tranh hiện đại.
Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 huấn luyện triển khai vũ khí phá vật cản FMV-B1. Ảnh: QĐND.
Trước yêu cầu trên, Viện Tên lửa đã phát triển vũ khí phá vật cản FMV-B1 dành cho nhiệm vụ mở cửa đánh chiếm đầu cầu trang bị cho các đơn vị bộ binh.
Với vũ khí phá vật cản FMV-B1, bộ binh của ta có thể dễ dàng tấn công và vô hiệu hóa hệ thống hàng rào cũng như bãi mìn của đối phương một cách an toàn khi FMV-B1 được triển khai khá xa hệ thống phòng ngự của địch.
Từ đó giảm thiểu tối đa thương vong cho lực lượng tấn công khi không phải đối mặt trực tiếp với hỏa lực bắn thẳng từ các công sự phòng thủ như cách đánh dùng bộc phá. Bên cạnh đó hiệu quả tấn công của FMV-B1 cũng vượt trội hơn hẳn so với bộc phá hay các loại vũ khí phá vật cản trước đây.
Theo như công bố của Viện Tên lửa, vũ khí phá vật cản FMV-B1 hoạt động theo nguyên lý sử dụng động cơ tên lửa nhiên liệu rắn kéo chuỗi nổ mềm dài liên tục. Tên lửa đưa chuỗi nổ đến hàng rào nhiều lớp, bãi mìn và được kích nổ bằng ngòi nổ cơ khí cháy chậm.
Theo Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Hồng Anh - Chủ nhiệm đề tài vũ khí phá vật cản FMV-B1, so với các mẫu vũ khí phá vật cản do Việt Nam chế tạo trước đây các tính năng kỹ-chiến thuật trên FMV-B1 vượt trội hơn hẳn.
Sức mạnh kinh thiên động địa của "Rồng lửa" FMV-1B
Với vũ khí phá vật cản FR cũng do Viện Tên lửa chế tạo (trước đây là Phòng Nghiên cứu Vũ khí và Thiết kế) vũ khí có thể tạo ra cửa mở rộng từ 4-6m, sâu hơn 100m vào bên trong lớp rào của hệ thống phòng ngự, hoặc tạo cửa mở từ 2-3m đối với bãi mìn chống tăng.
Trong khi đó, FMV-B1 có thể tạo cửa mở rộng từ 6-9m, sâu vào bên trong lớp rào gần 200m, cửa mở đối với bãi mìn chống tăng cũng tăng lên gấp đôi.
Thử nghiệm khả năng phá rào của FMV-B1 trên thực địa...
và kết quả thu được. Ảnh: QPVN.
Mặt khác, thiết kế của vũ khí phá vật cản FMV-B1 cũng có nhiều bước cải tiến đáng kể so với "người tiền nhiệm" FR như sử dụng bộ phóng với kết cấu dạng trượt đơn giản, sử dụng động cơ nhiên liệu rắn thuận tiện cho việc triển khai trên nhiều loại địa hình.
FMV-B1 cũng sử dụng cáp thép thay cho thang dây mang thuốc nổ của FR, cáp thép này có chức năng liên kết bộ phóng với chuỗi nổ, cáp có độ dài vừa đủ để chuỗi nổ không bị ảnh hưởng bởi luồng phụt của động cơ khi động cơ hoạt động. Ngòi nổ được lắp ở đầu cuối của chuỗi nổ.
Chuỗi nổ neo là các đoạn chuỗi nổ dạng mềm được cố định trên dây trục và có thể tách rời thành 11 module thuận tiện cho mang vác. Hệ thống neo hãm dạng mềm trên cơ sở kết hợp hãm bằng lực cản khí động dù hãm với neo hãm bằng dây mềm có độ đàn hồi lớn.
Trong Kháng chiến chống Mỹ, vũ khí phá vật cản FR từng nhiều lập công trong các trận đánh lớn, nổi bật trong số đó có thể kể tới trận đánh cao điểm 544 vào ngày 30/3/1972 phá sạch chướng ngại, mở cửa rộng 4m và bộ binh của ta đã xung phong qua cửa mở. Dù vậy FR không được sử dụng rộng rãi trong toàn quân.
Ngày nay, kế thừa những kinh nghiệm có được từ việc phát triển và sử dụng FR, Viện Tên lửa tiếp tục cho ra đời vũ khí phá vật cản FMV-B1 với các tính năng kỹ - chiến thuật vượt trội hơn, không chỉ phù hợp với yêu cầu tác chiến của lực lượng bộ binh hiện tại mà còn đối với lực lượng bộ binh cơ giới.
Thành tựu 40 năm Viện tên lửa