"Năng nhặt chặt bị" là quan niệm đã ăn sâu vào tư tưởng của người châu Á. Để đảm bảo cho cuộc sống tuổi già an nhàn, người ta thường tìm cách tiết kiệm từ sớm, cách thường thấy nhất là giao tiền cho các ngân hàng uy tín rồi chờ nhận lãi suất.
Vợ chồng cô Kỷ sống tại tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) vốn làm công viên văn phòng bình thường. Vì tương lai của con cái và đảm bảo cuộc sống về già, họ đã dành dụm tiền suốt nhiều năm đem gửi dần vào ngân hàng chờ con trai cưới vợ.
Sau 15 năm tích góp vợ chồng cô Kỷ đã để ra được 1,2 triệu NDT (hơn 4 tỷ đồng). Thế nhưng vào năm 2020, cô Kỷ lại nhận được cuộc gọi từ phía ngân hàng thông báo rằng cô đang có một khoản nợ 130.000 NDT cần thanh toán gấp. Nếu cô không thanh toán thì sẽ bị báo nợ xấu.
Ngân hàng mà cô Kỷ gửi tiền là China Construction Bank - một trong bốn ngân hàng quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc. Ảnh: Net Ease
Cô Kỷ như chết lặng trước thông tin này. 15 năm nay cô chỉ gửi tiền vào chứ chưa hề rút hay vay ngân hàng bất kỳ khoản nào. Tại sao bây giờ lại thành nợ ngân hàng?
Cô Kỷ vốn có một người "quản gia tài chính" tên là Tiểu Đồng, người đồng thời là nhân viên ngân hàng cô đang gửi tiền. Do cô tuổi đã cao nên không hiểu các dịch vụ ngân hàng nên những quyết định tài chính của cô suốt nhiều năm qua đều là do Tiểu Đồng hỗ trợ. Thế nhưng lúc này cô lại không thể liên lạc với Tiểu Đồng.
Con gái cô Kỷ nghe tin cũng vội vã đến ngân hàng, chị an ủi mẹ và yêu cầu nhân viên mang lên các hồ sơ liên quan đến khoản nợ. Lúc này, cô con gái mới nhận ra trong hồ sơ có rất nhiều điểm bất thường.
Cô Kỷ lau nước mắt kể lại câu chuyện với phóng viên Net Ease. Ảnh: Net Ease
Ngoài phần tiền gửi, tài khoản của cô Kỷ có những giao dịch chuyển khoản rất lớn. Hồ sơ ghi nhận cô Kỷ đã chuyển tiền 7 lần cho một công ty tư vấn công nghệ, tiêu tốn 700.000 NDT và chi hàng ngàn NDT cho hợp đồng tương lai dầu thô (đầu tư vào dầu thô).
Cô Kỷ khẳng định chắc nịch mình chưa từng nghe đến công ty tư vấn này, càng không thể hiểu hợp đồng tương lai dầu thô là gì. Thế nhưng trên mỗi giao dịch này đều có chữ ký của cô Kỷ.
Trong tuyệt vọng, cô Kỷ và con gái đã chọn cách trình báo với cảnh sát. Vì liên quan đến số tiền lớn nên vụ án đã được thụ lý, cạnh sát lập một tổ chuyên án để điều tra sự việc.
"Tôi đã mất sạch số tiền tiến kiệm 15 năm. Mất nhiều tiền như vậy tôi biết làm gì đây? Không có số tiền này, con trai tôi không thể lấy vợ được..." - cô Kỷ lau nước mắt kể lại với phóng viên.
May mắn thay, sau quá trình điều tra gắt gao, phía cảnh sát cuối cùng đã tìm ra điểm bất thường trong các hợp đồng đầu tư. Đúng là mỗi giao dịch đều có chữ ký của cô Kỷ nhưng thông tin liên hệ bên dưới lại là số điện thoại của người khác.
Lần theo dấu vết, cảnh sát phát hiện chủ nhân số điện thoại này không ai khác ngoài vị "quản gia tài chính" Tiểu Đồng.
Chân tướng vị "quản gia tài chính"
Theo lời cô Kỷ, Tiểu Đồng chính là nhân viên của chính ngân hàng mà cô gửi tiền. Tiểu Đông là cô gái trẻ rất thân thiện, nhiệt tình. Cô Kỷ và Tiểu Đồng thường cùng nhau trò chuyện, ăn uống, cô nhân viên còn tặng quà cho khách hàng mỗi dịp Tết hay ngày lễ. Từ đây hai người trở nên thân thiết và Tiểu Đồng trở thành người quản lý tài chính cho khách hàng.
Tiểu Đồng giới thiệu cho cô Kỷ nhiều sản phẩm đầu tư có lợi suất cao hơn tiền gửi ngân hàng mà lại rất an toàn, tất cả những gì cô Kỷ cần làm chỉ là ký tên. Ban đầu cô cũng đọc qua hợp đồng và thấy nhanh nhận về tiền lãi nên rất vui vẻ. Những hợp đồng cần ký sau này cô Kỷ cũng ký rất nhanh mà không tìm hiểu gì.
Tiểu Đồng là dùng chính các này để bòn rút dần tiền trong tài khoản khách hàng.
Nhân viên ngân hàng lừa đảo này được nạn nhân tin tưởng coi là "quản gia tài chính". Ảnh: Net Ease
Hóa ra tất cả số tiền kia đã được Tiểu Đồng đem nạp vào một ứng dụng có tên "Tài Vận 8", thực chất là một app cờ bạc trực tuyến. Cô này vốn ham mê cờ bạc, khi nghe nói có sự kiện kỷ niệm thành lập app, nạp 1 triệu NDT có thể nhân 10 nên cô đã nghĩ cách lấy tiền của khách hàng để nạp vào chơi.
Tất nhiên là số tiền này cũng nhanh chóng mất trắng sau một thời gian cá cược.
Theo cảnh sát, những ứng dụng cờ bạc online này là trò lừa đảo vô cùng phổ biến, tiền nạp vào rất khó để thu hồi. Điều khó hiểu là một nhân viên ngân hàng có nghiệp vụ như Tiểu Đồng lại bị lừa và say mê trò chơi này. Đến giờ cô đã hoàn toàn không còn khả năng chi trả cho khách hàng.
Để xảy ra vụ việc này, phía ngân hàng cũng phải chịu một phần trách nhiệm nên đã bồi thường cho cô Kỷ 693.000 NDT, số tiền còn lại vẫn đang trong quá trình thương lượng
Đến nay vụ việc của cô Kỷ và nhân viên ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn đang được tiếp tục điều tra. Đây chính là một bài học lớn khi bất kỳ ai muốn giao tiền của mình cho người khác quản lý, cho dù đối phương có là người uy tín đến đâu.