Đó là một chiến thắng đậm đà 4-0 trước đối thủ nặng ký Chelsea ngay trên sân nhà Old Trafford trong trận mở màn mùa giải mới. Lần gần nhất Man United thắng Chelsea đậm đà như thế tại giải đấu cao nhất của bóng đá Anh đã từ năm 1965, dưới thời nhà cầm quân huyền thoại Sir Matt Busby.
Tác giả 4 bàn thắng cho Man United ngày hôm đó là David Herd (cú đúp), Denis Law và Goerge Best. Đêm qua công thức lặp lại khi Rashford lập cú đúp, các bàn thắng còn lại được ghi do công của Martial và tân binh Daniel James. Đối với James, cầu thủ này vào sân từ băng ghế dự bị và ghi bàn ngay ở trận đấu chính thức đầu tiên cho đội bóng mới, một khởi đầu không thể tuyệt vời hơn.
Và không chỉ có James, hai tân binh đắt giá khác của Man United trong mùa Hè vừa qua là Wan-Bissaka và Harry Maguire đều thi đấu ấn tượng, thậm chí còn đóng góp vào chiến thắng của Quỷ đỏ lớn hơn cả James. Bởi lẽ, chính sự hiện diện của bộ đôi này đã lột xác hoàn toàn bộ tứ vệ của Man United.
Harry Maguire chính là cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu.
Từ một hàng phòng ngự hớ hênh hay mắc sai lầm, với sự hiện diện của Wan-Bissaka và Maguire hàng thủ Man United hôm nay lần đầu tiên làm tròn nhiệm vụ giữ sạch lưới sau… nửa năm. Lần gần nhất Quỷ đỏ không để thủng lưới trong một trận đấu chính thức là ở trận hòa 0-0 với Liverpool vào cuối tháng Hai.
Với Wan-Bissaka, Man United có tốc độ, sự nhiệt huyết và nguồn năng lượng vô tận, những phẩm chất mà chính họ trước đó rất thiếu. Với Maguire, đơn giản Quỷ đỏ đã tìm thấy một thủ lĩnh hàng phòng ngự. Điềm tĩnh, mạnh mẽ, phán đoán tình huống nhạy bén và chơi chân hiệu quả, Maguire đang gợi nhớ tới hình ảnh của Rio Ferdinand hay Jaap Stam trước đây.
Tất nhiên, Man United chiến thắng không chỉ nhờ dấu ấn tân binh mà cả sự bùng nổ của các cựu binh. Paul Pogba thực hiện những pha kiến tạo ở đẳng cấp thế giới, Rashford cho thấy anh xứng đáng với chiếc áo số 10, còn Martial trở nên nhạy bén khi được trao chiếc áo số 9. Phần nào đó, Solskjaer cho thấy ông không cần Lukaku thật.
Tuy nhiên, nhận xét một cách công tâm, Solsa là người đáng bị chấm điểm thấp nhất bên phía Man United trong chiến thắng trước Chelsea. Bởi lẽ Quỷ đỏ tuy thắng đậm nhưng chiến thắng mang đậm dấu ấn nỗ lực cá nhân, đáng kể là sự ngẫu hứng của Paul Pogba. Ngược lại về bài vở tổ chức, từ pressing, phòng ngự, cầm bóng đến tấn công đều có sự trúc trắc nhất định.
Cần lưu ý rằng trong hiệp 1 trận đấu này, Chelsea đã 2 lần đưa bóng dội khung gỗ. Suốt trận đấu thì thầy trò Lampard cũng là bên cầm bóng nhiều hơn và dứt điểm nhiều hơn. Ngược lại, Man United chuyền hỏng khá nhiều, với 35 tình huống mất quyền kiểm soát bóng và tỷ lệ chuyền bóng chính xác toàn đội chỉ là 81%.
Dẫn chứng cụ thể hơn, những pha thoát pressing của Man United chủ yếu dựa trên kỹ năng của các cầu thủ hơn là tổ chức một cách lớp lang, thế nên những pha phối hợp của Quỷ đỏ luôn có sự phiêu lưu. Người phải chịu trách nhiệm cao nhất về vấn đề này không phải ai khác ngoài Solskjaer.
Con đường phía trước còn dài lắm, Solskjaer!
Bài học cho việc phụ thuộc vào sự ngẫu hứng của các ngôi sao, đặc biệt là Pogba, ở mùa cuối mùa trước hẳn nhà cầm quân người Na Uy chưa thể quên. Để có thể ganh đua với những đội bóng không chỉ có chất lượng mà còn được tổ chức tốt như Man City, Liverpool hay Tottenham, Man United cần có sự đồng bộ và kết dính cao hơn nữa.
Tất nhiên đây mới chỉ là vòng đấu đầu tiên, Man United có thể tiếp tục thăng hoa hoặc bất chợt sa sút. Thời hậu Ferguson, Quỷ đỏ đã quá quen với sự trồi sụt, khi bình minh luôn ló rạng rực rỡ nhưng chẳng lâu sau mây đen vần vũ, giông bão tung hoành. Tóm lại, các CĐV Man United có thể hô khẩu hiệu "cứ vui khi cuộc đời cho phép", nhưng Solsa thì không.