Kẻ mù lòa chạy án cho người sáng mắt
Người dân ở khu vực phường Bạch Đằng vốn chẳng lạ gì Dũng, với bề dày thành tích về môn "hai ngón". Học hành lỡ dở, khi mới 17 tuổi Dũng đã tham gia một vụ trộm cắp tài sản, lĩnh án tù giam. Ra tù được mấy tuần, Dũng lại bị bắt vẫn vì tội trộm cắp và phải thụ án tù 2 năm. Năm 21 tuổi, Dũng một lần nữa phải đi "bóc lịch", lần này thời gian tăng lên 4 năm.
Lần thứ 3 ra tù, sau một thời gian làm đủ thứ nghề, bất ngờ Dũng trở thành... thầy bói. Dường như rất “hợp tình hợp cảnh”, khi cùng lúc đó đôi mắt của Dũng cứ mờ dần và cuối cùng không nhìn thấy gì nữa. Nhưng, thầy bói mù Trương Sĩ Dũng lại có thể bày ra vở kịch để ăn được tiền tỷ của một cặp vợ chồng ở Hà Nam.
Thông qua một thầy cúng tên Đinh Văn V. (SN 1965, thường trú tại huyện Trực Ninh, Nam Định), Dũng biết được vợ chồng bà Nguyễn Thị B. (SN 1972, thường trú tại TP Phủ Lý, Hà Nam) đang tìm người để "chạy án" cho con trai. Trước đó, Dũng chém gió với ông V. rằng chuyên đi xem tử vi cho nhiều quan chức to ở Hà Nội, quan hệ rất "khủng" và có thể giúp được nhiều việc khó.
Khi nghe bà B. nói rằng có cậu con trai là Nguyễn Xuân Lộc (SN 1994) bị Công an tỉnh Hà Nam bắt về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, ngay lập tức trong đầu Dũng nảy ra ý định lừa đảo.
Mạo nhận là Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Hà Nội, Dũng khẳng định có thể tác động để cơ quan tố tụng ở Hà Nam giảm án cho con trai bà B., thậm chí có thể xử trắng án. Để bà B. tin tưởng, Dũng hẹn gặp hai vợ chồng bà B. tại... trụ sở Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội để lấy thêm thông tin và bàn phương án gỡ.
Sau cuộc nói chuyện này, Dũng rủ Trần Thúy Vân (SN 1978, thường trú tại phường Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội - là vợ hờ của Dũng) cùng tham gia màn kịch lừa đảo. Ngoài ra, Dũng còn rủ thêm Vũ Văn Chiến (SN 1989, thường trú tại xã Kim Sơn, Ninh Bình) giúp sức.
Đến ngày gặp gỡ, Dũng đeo kính đen đi cùng Vân và Chiến giả bộ từ cổng Phòng CSHS (số 7 phố Thiền Quang) đi ra rồi dẫn vợ chồng bà B. ra một quán cà phê trên phố Trần Bình Trọng (quận Hai Bà Trưng) để nói chuyện.
Cặp đôi Dũng, Vân khẳng định sẽ giúp cho con trai bà B. thoát án. "Do anh Lộc vận chuyển ma túy với số lượng nhỏ nên có thể "tác động" để chuyển anh này từ trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam về trại cai nghiện. Sau 2 tháng ở trại cai nghiện sẽ đưa ra ngoài và được trắng án" - lộ trình mà cặp đôi lừa đảo vẽ ra cho gia đình bà B. là như vậy.
Trong lúc ngồi uống cà phê, Dũng còn gọi điện thoại cho ông V. (thầy cúng ở Nam Định) nói rằng "em đang ngồi ở phòng đây, đang ở số 7 đây...", mục đích để bà B. nghe thấy và thêm phần tin tưởng.
Nhóm đối tượng bày ra màn kịch chạy án để lừa đảo: Trương Sĩ Dũng, Trần Thúy Vân, Vũ Văn Chiến, Nguyễn Phương Thùy.
Tiếp đó Vân, Dũng nói việc "chạy án" này phải bí mật, yêu cầu bà B. không được nói với ai và không được lộ diện, mọi việc sẽ để vợ chồng Dũng, Vân đứng ra lo liệu. Vợ chồng Dũng yêu cầu bà B. chuyển trước 50 triệu đồng để giải quyết nhanh vụ việc. Hôm sau, bà B. nói với chồng ra ngân hàng chuyển 50 triệu đồng vào tài khoản cho Vân.
Về phần cặp đôi lừa đảo, sau cuộc gặp gỡ với bà B. do không có "kênh" nào để chạy án cho anh Lộc nên Vân đã liên hệ với đối tượng Nguyễn Phương Thùy (SN 1981, thường trú tại phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhờ Thùy giúp đỡ. Nghe thấy có mùi tiền, lập tức Thùy nói sẽ nhờ một "ông anh" ở một cơ quan báo chí giúp đỡ cho.
Sau khi nhận 50 triệu đồng của vợ chồng bà B. ngay hôm sau, Dũng và Vân lại yêu cầu người phụ nữ này chuyển tiếp 100 triệu đồng vào tài khoản của Vân. Nhận được tiền, Vân chuyển tiếp số tiền này vào tài khoản cho Thùy.
Thấy "bở", Dũng tiếp tục gọi điện yêu cầu bà B. chuyển thêm 20.000 USD để nhờ một "tướng công an" giúp lo chạy án cho Lộc, 2 ngày sau Lộc sẽ được thả. Tin lời vị "phó phòng", vợ chồng bà B. đã chuyển 460 triệu đồng vào tài khoản của Vân.
Liên tiếp những ngày sau đó, Dũng, Vân và Vũ Văn Chiến gặp bà B. tại Hà Nội hoặc về nhà bà này ở Hà Nam để tạo sự tin tưởng, từ đó nhiều lần yêu cầu bị hại chuyển tiền để lo chạy án.
Trong vụ việc này, bị hại mù quáng đến mức tháng 11-2019, Lộc đã bị TAND TP Phủ Lý (Hà Nam) tuyên phạt 6 năm tù về tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy" song vẫn tin tưởng cặp đôi Vân Dũng có thể giúp gia đình chạy án.
Về phần những kẻ lừa đảo, chúng "tụ" với Thùy bàn việc. Nhóm này tiếp tục dựng lên màn kịch to tiếng với nhau, Vân hỏi lý do chạy án rồi mà Lộc vẫn bị xử. Thùy nói "giờ không thể can thiệp bằng mồm được mà phải có thêm tiền". Sau hồi cãi vã, các đối tượng thống nhất lo cho Lộc chuyển về... Trại tạm giam T16, Bộ Công an.
Vợ chồng Dũng sau đó nhiều lần tiếp tục yêu cầu bà B. phải chuyển tiền. Số tiền nhận được, Vân chuyển một phần cho Thùy để "lo việc". Để vợ chồng bà B. tin tưởng là mình đang lo "chạy án" cho Lộc, cặp đôi Vân - Dũng đã đưa bà B. đến gặp Thùy tại một quán cà phê, nói rằng Thùy là "kép chính" chạy án cho Lộc.
Sau đó Thùy đã dẫn bà B. đến trụ sở Viện KSND TP Hà Nội với mục đích kêu oan. Tại đây, Thùy đi vào phòng tiếp dân để hỏi thủ tục kêu oan rồi lại đưa bà B. về.
Nhóm đối tượng tiếp tục yêu cầu bà B. phải chi thêm tiền để chạy án. Do đã cạn tiền, bà B. nói phải làm thủ tục bán nhà, cần có chữ ký của Lộc. Dũng đã gọi xe taxi cùng với Chiến, Thùy về Hà Nam với mục đích vào trại giam lấy chữ ký của Lộc vào văn bản cam đoan tài sản. Tuy nhiên, Thùy không vào được trại giam nên cả bọn quay về Hà Nội.
Chưa dừng lại ở đây, Dũng tiếp tục gọi điện thoại yêu cầu bà B. phải đưa thêm 250 triệu đồng để chạy án. Bà B. đi vay mượn khắp nơi và lên một quán cà phê ở đường Đền Lừ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đưa cho Dũng. Sau đó Dũng chuyển lại cho Thùy 200 triệu đồng.
Tháng 2-2020, vợ chồng bà B. ngã ngửa người khi nghe con mình bị y án trong phiên tòa phúc thẩm. Ngay lập tức bà B. gọi điện chất vấn Dũng. Thấy màn kịch của mình sắp bị bóc trần, cặp đôi Dũng - Vân đã đổ vấy cho Nguyễn Phương Thùy. Hai đối tượng này làm đơn gửi Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội tố cáo Thùy có hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 600 triệu đồng thông qua việc "chạy án" cho anh Lộc.
Sau một thời gian tự tìm hiểu, biết được mình bị nhóm của Dũng, Vân, Thùy, Chiến lừa nên tháng 5-2020 bà B. đã có đơn tố cáo vợ chồng Trương Sĩ Dũng, Trần Thúy Vân cùng các đồng phạm lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng lo "chạy án" cho con trai.
Phòng CSHS Công an TP Hà Nội đã khẩn trương vào cuộc điều tra. Kết quả xác định, tổng số tiền vợ chồng bà B. đã chuyển cho Trương Sĩ Dũng và Trần Thúy Vân là hơn 1,1 tỷ đồng. Số tiền vợ chồng Dũng đã chuyển cho Thùy để lo "chạy án" là 475 triệu đồng, chiếm đoạt gần 400 triệu đồng của bị hại. Quá trình điều tra, Thùy đã trả cho bà B. 100 triệu đồng.
Tháng 7-2021 Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã kết thúc điều tra, đề nghị truy tố Dũng, Vân, Chiến và Thùy về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Người dân cần cảnh giác
Mới đây, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử đối với bị can Nguyễn Thị Hồng (SN 1960, trú tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Đối tượng Nguyễn Thị Hồng tại tòa.
Dù là kẻ không có nghề nghiệp ổn định song Hồng vẫn tự giới thiệu đang là cán bộ ở cơ quan Trung ương, có mối quan hệ với nhiều lãnh đạo cấp cao có thể chạy án. Nghe Hồng nói vậy, bố mẹ của bị can Phạm Anh Tuấn (SN 1986, trú tại phường Ngọc Thụy, Long Biên) đã nhờ Hồng lo liệu để cho con trai được trắng án.
Trước đó Tuấn bị Công an quận Hà Đông (Hà Nội) khởi tố về tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Hồng hứa như đinh đóng cột rằng trong thời gian 1 tuần sẽ xin cho Tuấn được trả tự do, không bị xử lý hình sự. Đổi lại, Hồng yêu cầu bố mẹ Tuấn phải đưa cho chị ta số tiền 1,5 tỷ đồng để quan hệ giải quyết công việc.
Tin tưởng Hồng, bố mẹ Tuấn đồng ý đưa tiền cho Hồng để nhờ “chạy” cho con mình thoát tội. Tổng số tiền Hồng đã nhận là hơn 1,4 tỷ đồng. Sau 1 tuần thấy Tuấn vẫn chưa được trả tự do như hứa hẹn nên bố mẹ Tuấn truy hỏi thì Hồng lập bản cam đoan “sẽ giúp Tuấn được tại ngoại và không bị xử lý hình sự”.
Sau đó, Hồng bỏ trốn khỏi nơi cư trú nên bị hại làm đơn gửi Cơ quan công an tố cáo hành vi phạm tội của Hồng. Hồng đã bị Cơ quan công an bắt giữ theo lệnh truy nã. Tại cơ quan điều tra, Hồng vẽ ra rằng sau khi nhận tiền của bố mẹ Tuấn, chị ta đã bỏ thêm 63 triệu đồng cho đủ 1,5 tỷ đồng và đưa cho một người tên Đệ để “chạy án”.
Tuy nhiên, Hồng không biết nhân thân, lai lịch của người tên Đệ và cũng không nhớ số điện thoại đã liên hệ với Đệ để nhờ “chạy án”. Xác định lời khai của Hồng là không có căn cứ, HĐXX tuyên phạt Hồng 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đồng thời, buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của gia đình anh Tuấn.
Theo một điều tra viên Phòng CSHS Công an TP Hà Nội, thời gian qua tình trạng các đối tượng giả danh là lãnh đạo một số cơ quan cấp bộ, cấp phòng, là cán bộ của Văn phòng Chính phủ... để lừa đảo có xu hướng gia tăng.
Không chỉ dừng lại ở việc lừa đảo xin việc, chuyển việc, các đối tượng còn cả gan tuyên bố có thể chạy án hình sự, ma túy từ nhiều năm tù xuống trắng án. Tuy nhiên, tất cả đều là những màn lừa đảo.
Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước màn kịch chạy việc, chạy hợp đồng kinh tế, đặc biệt là chạy án. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý thích đáng. Do đó người dân tuyệt đối không nghe lời dụ dỗ chạy án để rồi “tiền mất tật mang”.