Theo hãng tin Sputnik, ngày 26/10 vừa qua, chính quyền Argentina đã trao công hàm cho Đại sứ quán Anh tại Buenos Aires để phản đối các cuộc tập trận quân sự tiến hành từ ngày 30/10 đến ngày 3/11 với sự tham gia của 1.500 quân nhân Anh đồn trú trên Malvinas (hay Falkland) - quần đảo tranh chấp với Argentina ở Nam Đại Tây Dương.
Bức công hàm viết: "Nước Anh không đếm xỉa gì đến các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế kêu gọi hai bên nối lại đàm phán để giải quyết tranh chấp chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình, tránh những hành động đơn phương trên vùng lãnh thổ đang bị tranh chấp".
Nhận định về sự kiện này, chuyên gia Ernesto Alonso, thành viên của Trung tâm cựu chiến binh trên quần đảo Malvinas cho hay, đây không phải là lần đầu tiên nước Anh đơn phương tổ chức tập trận quân sự.
Theo ông Alonso, Anh đang hướng tới mục đích quân sự hóa vùng Nam Đại Tây Dương, sử dụng khu vực này để lấy nguồn tài nguyên thiên nhiên, hydrocarbon và tiếp cận lục địa Nam Cực. Về mặt chiến lược, quần đảo Malvinas là nơi lý tưởng để thực hiện mục đích ấy. Tất cả những gì đang diễn ra ở đó tác động đến toàn bộ khu vực.
Trước đó, vào tháng 9/2016, Argentina và Anh đã ký kết một thỏa thuận về hợp tác mang tên Foradori-Duncan. Chính phủ Argentina đã có những nhượng bộ về thương mại với London, như nối lại các chuyến bay từ đất liền ra quần đảo và đồng ý thực hiện các hoạt động chung trong lĩnh vực khai thác dầu khí, ngư nghiệp ở vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp.
Phe đối lập và những cựu chiến binh của cuộc chiến trên quần đảo Malvinas đã chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận trên.
Đối với cuộc tập trận mới đây của Anh, theo ông Alonso, chính phủ Argentina một lần nữa cho thấy họ "không có lập trường vững vàng".
"Ngoài bức công hàm, chính phủ Argentina không có lập trường vững vàng. Họ thậm chí muốn để lực lượng vũ trang Argentina tham gia cuộc tập trận cùng với lực lượng chiếm đóng.
Lập trường này được phản ánh trong thỏa thuận Foradori-Duncan, trong khi thỏa thuận này không phù hợp với học thuyết lịch sử do Bộ Ngoại giao Argentina thảo ra. Với lập trường như vậy, chính phủ Argentina chỉ phục vụ lợi ích của Anh" - ông Alonso nói.
Cũng theo ông Alonso, quần đảo Malvinas, với diện tích khoảng 12.000 km2, là "nơi lý tưởng" để thử nghiệm các công nghệ quân sự mới nhất trên thế giới.
"Trên quần đảo Malvinas chỉ có khoảng 3.000 cư dân.
Với dân số nhỏ như vậy, không ai can thiệp vào việc lực lượng vũ trang Anh chuẩn bị cho những cuộc thử nghiệm các loại vũ khí thông thường, cũng như những thiết bị gián điệp tối tân nhất và những phát minh mới nhất của khoa học quân sự, bao gồm cả chương trình HAARP nghiên cứu các hoạt động cực quang siêu tần" - ông Alonso nhận định.
Chương trình HAARP của Mỹ có mục đích nghiên cứu những tác động địa-vật lý và tầng điện ly để phát triển các hệ thống phòng thủ chống máy bay và chống tên lửa. Dự án này đã bị chỉ trích mạnh mẽ do Mỹ có thể sử dụng chương trình nghiên cứu các hiện tượng tự nhiên vào mục đích quân sự.