Malaysia là một trong số các quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mua vũ khí và thiết bị hàng không do Nga sản xuất. Năm 1993, Nga tuyên bố sẵn sàng ký hợp đồng với Malaysia và các nước ASEAN trong các lĩnh vực như đóng tàu, công nghệ cao và công nghệ vũ trụ.
Tháng 4-1999, Nga và Malaysia đã ký một biên bản ghi nhớ liên chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, công nghệ quốc phòng và công nghiệp quốc phòng. Đồng thời, một ủy ban hợp tác liên chính phủ Nga-Malaysia về hợp tác kỹ thuật-quân sự cũng được thành lập.
"Thỏa thuận thế kỷ" với MiG và Su
Nga và Malaysia bắt đầu thiết lập quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự song phương vào ngày 7-6 -1994, khi hai bên ký một hợp đồng mua bán 18 máy bay chiến đấu MiG-29 của Nga tại thủ đô Kuala Lumpur. Bộ Ngoại giao Nga gọi hợp đồng này là "thỏa thuận thế kỷ".
Ước tính, bản hợp đồng này có giá trị lên tới 550-600 triệu USD. Theo đó, 16 máy bay chiến đấu một chỗ ngồi MiG-29N và 2 máy bay huấn luyện chiến đấu MiG-20NUB đã được Nga bàn giao cho Malaysia trong giai đoạn 1994-1995.
Những chiếc máy bay này gia nhập vào thành phần chiến đấu của Phi đội số 17 và số 19 thuộc Không quân Hoàng gia Malaysia tại căn cứ không quân Kuantan.
Đội bay nhào lộn nổi tiếng Smokey Bandits của Không quân hoàng gia Malaysia thường thực hiện màn biểu diễn trên 5 chiếc MiG-29N. Sau đó, 2 chiếc máy bay một chỗ ngồi MiG-29N đã bị phá hủy hoàn toàn trong các vụ tai nạn, 4 chiếc khác bị hỏng hóc một số bộ phận.
Không quân Hoàng gia Malaysia lên kế hoạch loại biên những chiếc MiG-29 còn lại vào năm 2009. Tuy nhiên, đến năm 2010, Không quân Hoàng gia Malaysia lại thông báo, các máy bay chiến đấu MiG-29 sẽ được tiến hành sửa chữa.
Máy bay chiến đấu MiG-29N của Không quân Hoàng gia Malaysia. Nguồn: Reuters.
Năm 2016, nước này đã tuyên bố sẽ tiến hành đấu thầu mua 18 máy bay chiến đấu đa nhiệm để thay thế MiG-29.
Tháng 5-2003, trong chuyến thăm thủ đô Kuala Lumpur của Bộ trưởng Quốc phòng Nga lúc bấy giờ là Sergei Ivanov, hai bên đã ký một thỏa thuận, trong đó dự kiến việc Nga sẽ cung cấp 18 chiếc máy bay chiến đấu đa nhiệm Su-30MKM cho Malaysia. Hợp đồng mua bán Su-30MKM được ký vào tháng 8 cùng năm với tổng trị giá khoảng 1 tỷ USD.
Theo đại sứ Malaysia tại Nga Kamarudin bin Mustafa, bản hợp đồng này đã đưa Malaysia lên giữ vị trí thứ ba, sau Trung Quốc và Ấn Độ, trong danh sách khách hàng mua máy bay Nga trên thế giới. Các máy bay chiến đấu Su-30MKM đã được bàn giao cho Malaysia trong khoảng thời gian từ tháng 6-2007 đến tháng 8-2009.
Tháng 4-2007, hai bên đã ký một điều khoản bổ sung vào hợp đồng. Theo đó, vào cuối thời hạn bảo hành cho lô hàng Su-30MKM đầu tiên ở Malaysia, phía Nga đã đưa một trung tâm huấn luyện cho phi công và nhân viên kỹ thuật vào hoạt động tại nước này.
Tại lễ khai mạc trung tâm huấn luyện phi công lái máy bay chiến đấu Su-30MKM thuộc Không quân Malaysia, được tổ chức vào tháng 4-2011, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Ahmad Zahid Hamidi nhận định, Malaysia đang dẫn đầu về chương trình đào tạo phi công lái máy bay Su-30 trong khu vực Đông Nam Á.
Máy bay chiến đấu Su-30MKM của Không quân Hoàng gia Malaysia. Nguồn: Irkut.
Ngày 28-3-2013, trong khuôn khổ Triển lãm Hàng không Vũ trụ và Thiết bị Hải quân LIMA tổ chức tại đảo Langkawi, Công ty Sản xuất Máy bay Sukhoi của Nga đã ký hợp đồng trị giá khoảng 100 triệu USD với Bộ Quốc phòng Malaysia về việc cung cấp các máy bay chiến đấu Su-30MKM.
Tại Triển lãm LIMA 2017, diễn ra trên đảo Langkawi, phi đội Russian Knights (Hiệp sĩ Nga) đã trình diễn trên các máy bay chiến đấu mới Su-30SM. Điều khiến nhiều nhà quân sự Đông Nam Á đặc biệt quan tâm là Su-30SM chính là phiên bản hiện đại hóa của máy bay xuất khẩu Su-30МKI của Không quân Ấn Độ và Su-30MKM của Không quân Hoàng gia Malaysia.
Tại Triển lãm hàng không MAKS-2017 ở Zhukovsky, ngoại ô Moscow, Nga và Malaysia đã ký một số thỏa thuận về việc sửa chữa và hiện đại hóa đội máy bay MiG-29 của Malaysia.
Ngoài ra, Malaysia cũng ký một biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Quốc doanh Nga Rosoboronexport về cung cấp phụ tùng cho MiG-29 và Su-30MKM, cũng như một gói hợp đồng với Tập đoàn Chế tạo động cơ Thống nhất Nga về sửa chữa các động cơ AL-31FP, lắp trên máy bay chiến đấu Su-30MKM.
Trang thiết bị kỹ thuật khác
Ngày 11-12-1998, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Malaysia Hamid Jafar Albar cho biết, Không quân Malaysia bán 2 máy bay trực thăng chiến đấu Mỹ Sikorsky UH-60M Black Hawk để mua 2 trực thăng đa nhiệm Mi-17-1V của Nga. Năm 1999, Nhà máy Trực thăng Kazan của Nga đã cung cấp cả 2 chiếc máy bay này cho phía Malaysia.
Tháng 6-2001, tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, trong một cuộc họp của ủy ban liên chính phủ Nga-Malaysia về hợp tác kinh tế, hai bên đã ký một hợp đồng cung cấp tổ hợp tên lửa chống tăng Metis-M cho Malaysia.
Tổ hợp tên lửa chống tăng Metis-M. Nguồn: TASS
Tháng 4-2002, trong khuôn khổ Triển lãm Vũ khí và Thiết bị quân sự Quốc tế DSA (Defence Services Asia), Nga và Malaysia đã ký một thỏa thuận mua bán lô tổ hợp tên lửa phòng vác vai tầm ngắn Igla trị giá 48 triệu USD.
Ngoài ra, vào năm 2002, phía Malaysia đã mua từ Nga một lô súng trường AK-101 cỡ nòng 5,56 mm. Tháng 4-2012, tại Triển lãm vũ khí và thiết bị quân sự DSA, hai bên đã ký một hợp đồng cung cấp cho Không quân Malaysia tên lửa điều khiển không đối không tầm trung của Nga. Hợp đồng này đã được hoàn thiện trước cuối năm 2014 với giá trị là 35 triệu USD.
Ngày 16-4 vừa qua, Triển lãm Vũ khí và Thiết bị quân sự Quốc tế DSA 2018 đã chính thức khai mạc tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia.
Tại triển lãm này, Công ty xuất khẩu vũ khí quốc doanh Nga Rosoboronexport thuộc Tập đoàn Nhà nước Rostec đã giới thiệu các máy bay chiến đấu thuộc gia đình Su và MiG, máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130, trực thăng vận tải quân sự và trực thăng chiến đấu.
Các dòng máy bay này có thể hoạt động trong điều kiện khí hậu, thời tiết phức tạp và đáp ứng tiêu chí về hiệu quả-chi phí tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Theo Rosoboronexport, các sản phẩm hàng không chiếm vị trí ưu tiên trong cơ cấu xuất khẩu của Nga sang các nước Đông Nam Á.
Sự tham gia tích cực của Nga tại triển lãm vũ khí ở Malaysia cho thấy Đông Nam Á là một thị trường có tầm quan trọng rất lớn đối với Nga. Vũ khí chất lượng tốt và giá không quá đắt cho phép Nga có thể cạnh tranh tốt tại khu vực Đông Nam Á.