iữa ly loạn, giữa cơn khủng hoảng sau thất bại tại SEA Games 29, bóng đá nam Việt Nam lại một lần nữa nhắc đến cái tên Mai Đức Chung - "người đóng thế chuyên nghiệp" của đội tuyển quốc gia. Gánh nặng ngàn cân ấy, với ông lại nhẹ tợ lông hồng.
Người ta bảo ông dễ tính, HLV Lê Thụy Hải bảo ông hiền, quan chức VFF thì "đập" ông tả tơi ở ngay lễ ra mắt, dù cho trên cổ ông vẫn còn lủng lẳng tấm huy chương vàng bóng đá nữ SEA Games 29 vừa được trao trước đó có vài ngày (là hình tượng thôi, bởi chỉ các các cầu thủ mới có huy chương, còn ông thì không vì Ban tổ chức SEA Games... chỉ làm có 20 cái thôi).
Ông cảm ơn HLV Lê Thụy Hải, dù người đồng đội hơn 40 năm về trước, cũng là người bạn già của ông "chê" ông hiền quá, để người khác bắt nạt mà vẫn chịu. Bởi dù rất ăn ý với nhau thời còn khoác áo, khi ông đá tiền đạo, còn ông Hải "lơ" sắm vai tiền vệ, ông chẳng thể quyết liệt đến mức đanh đá như người bạn già của mình.
Ông dễ tính như 20 năm trước, khi bóng đá nữ Việt Nam chỉ mới manh nha, với 3, 4 đội bóng địa phương tham gia, đội tuyển bóng đá nữ quốc gia cần một HLV, người ta chọn giữa ông và ông Phan Thanh Hùng, rồi ông Lê Thế Thọ "nhờ" ông làm, thế là ông Mai Đức Chung làm thôi, để rồi ngay giải đấu đầu tiên tham dự, đội nữ Việt Nam của ông đã giật vàng trên đất Malaysia.
Đấy là giải đấu tiền SEA Games 1997, cũng là lần đầu tiên đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam "xuất ngoại". Hai mươi năm sau, ông lại đưa bóng đá nữ Việt Nam đoạt chiếc huy chương vàng lần nữa, đoạt ngôi Hậu của Thái Lan. Bóng đá nữ Việt Nam, vinh quang đầu tiên và mới nhất đều do tay ông nắm giữ.
Ông Lê Thụy Hải đốp ngay khi nghe tin ông Mai Đức Chung bị "bắt nạt" ngay lễ ra mắt trên cương vị HLV tạm quyền đội tuyển quốc gia sau khi HLV Hữu Thắng từ chức: "Ông Viễn, ông Thành biết chuyên môn không mà hỏi ông Chung? Nếu đúng có câu chuyện như ông Gụ kể, đề nghị BCH VFF khai trừ ông Thành. Không có một lãnh đạo nào lại như thế cả. Anh là lãnh đạo, mà những người bị lãnh đạo mắng thì họ biết làm sao?".
Nhưng ông Chung thì chỉ cười hiền khi được hỏi: "Các cháu còn trẻ, nếu bán độ thì là một nhẽ, đằng này chỉ là sai lầm nhất thời, mình vì sai lầm ấy mà lấy đi cơ hội của họ thì ai còn dám đá bóng nữa. Khi nào gặp ông Viễn, tôi sẽ nói với ông ấy, ai lại như thế!".
HLV Mai Đức Chung trả lời phỏng vấn
"Tôi vừa từ SEA Games về, vẫn mệt lắm, định nghỉ ngơi một thời gian thì lại nhận nhiệm vụ. Không nhận thì ai nhận bây giờ, giữa cái lúc "nước sôi lửa bỏng" này. Thắng thì không sao, thua thì có khi đi tong cả danh tiếng. Nhưng tôi là một Đảng viên, lúc quốc gia cần thì mình lên đường thôi, dù có khó khăn nữa thì cũng có sá gì", ông mở đầu cuộc trò chuyện bằng lời tâm sự như giãi bày cả nỗi lòng.
Ông hẹn trước là cuộc nói chuyện chỉ diễn ra trong vòng 30 phút, vì còn bận soạn giáo án để sáng mai đội tuyển quốc gia đã phải bước vào buổi tập đầu tiên, nhưng rồi câu chuyện cứ cuốn đi cả tiếng đồng hồ, bởi cứ nói đến bóng đá là ánh mắt của ông lại ánh lên niềm mê say, mê say như bốn chục năm trước được xỏ giầy ra sân thi đấu.
"Ngày ấy chúng tôi tập trung tận Gia Lâm, có hôm thi đấu ở Hàng Đẫy, xe qua cầu Long Biên - lúc ấy bé lắm thì gặp chiếc ô tô bị hỏng, nằm giữa cầu, cả đội phải xuống đi bộ, rồi bắt xích lô ra sân. Ngày ấy khán giả xếp hàng vào sân dài ra tận Hàng Bột, Hàng Cháo, cầu thủ phải xuống đi bộ lách vào. Hai bên đường, người dân sờ tay, sờ đùi, tấm tắc khen "đùi cầu thủ có khác, đẹp quá". Thế là vui lắm!
Trận hôm ấy chúng tôi gặp Cảng Hải Phòng, thắng 2-0, bác xích lô vừa sướng, vừa thương bảo "Tao không lấy tiền chúng mày đâu".
Thời ấy khổ lắm, là công nhân đá bóng chứ có phải cầu thủ chuyên nghiệp đâu. Chiều chiều vẫn phải đi hái rau, nấu ăn thì chia nhau mỗi người nấu một ngày. Phải đi đến từng đầu máy xe lửa để xin than về, nắm lại để có cái mà đun. Nhưng ngày ấy chẳng nghĩ ngợi gì cả, được đá bóng là sướng lắm rồi".
Ông vẫn thế, vẫn chẳng nghĩ ngợi gì khi "bão táp" đã lập tức phủ đầu ngay ngày đầu tiên ngồi vào chiếc ghế HLV tạm quyền, và đằng trước là trận đấu không hề dễ dàng, khi Campuchia dù thất bại đau đớn ở SEA Games, nhưng đội tuyển quốc gia của họ đang mạnh lên, cùng với sự cổ vũ nhiệt thành của hơn 70 nghìn khán giả đến sân theo dõi.
Sức nóng khủng khiếp ấy, với các cầu thủ U22 vừa trải qua một phen ly loạn chưa hoàn hồn trên đất Malaysia mới vừa đầy một tuần trước là cả một thử thách lớn lao, và "dắt tay" họ trên đất Campuchia phải là một HLV dám quăng mình vào lửa cháy để cho các học trò một điểm tựa để đứng lên. Và người đó không ai khác, là Mai Đức Chung.
Thời đại số, thế giới phẳng với những sai đúng mập mờ, những fake news, những bài viết câu like, câu share ngập tràn mạng xã hội, ông vẫn bình thản như ngày nào để tập trung vào công việc, chăm lo và nghĩ cho cầu thủ như những đứa con của mình.
Hỏi ông về việc cư dân mạng đồn ầm lên rằng bóng đá nữ bị bỏ rơi, ông chép miệng lắc đầu: "Không có đâu! Liên đoàn lo cho bóng đá nam và bóng đá nữ như nhau. Chế độ hoàn toàn giống nhau, không hề có sự phân biệt. Thậm chí đội nữ còn được hỗ trợ thêm 100.000 đồng tiền ăn mỗi ngày, thêm vào đó là 1 triệu đồng tiền kem chống nắng. Đừng nói thế mà phải tội".
Ông kể ngày ấy, làm gì có giày Adidas hay Nike "xịn" như bây giờ, thời của ông giày cầu thủ phải tự đi đóng riêng. Đá trên sân trơ cả đất, có hôm gãy móng, đinh 3 phân dùng để đóng móng vào đế giày trồi lên đâm chảy máu chân, vẫn phải cố chạy, rồi giờ nghỉ lại ngồi ngoài sân vác búa gò đinh vào, xong lại xỏ giày vào đá tiếp.
Khó khăn, chỉ trích với ông chỉ như chiếc đinh 3 phân trong giày ngày ấy, cứ gò vào xong đá tiếp, chứ chẳng thể vì nó mà buông xuôi.
Ngày U22 Việt Nam đá với Thái Lan, ông và các cầu thủ nữ buồn đến chán chường. "Thua một bàn, rồi thua hai bàn, quả penalty ấy mà Công Phượng đá vào, tỷ số là 2-1 thì chúng ta vẫn còn có cửa gỡ hòa, nhưng đá với Thái mà thua đến 3 bàn thì hỏng hẳn", ông ngậm ngùi. Cầm tuyển nữ, nhưng ánh mắt của ông chưa bao giờ thôi đau đáu dõi theo bóng đá nam nước nhà.
Nhưng dù thất bại ở SEA Games lần này, trong mắt ông Mai Đức Chung, bóng đá Việt Nam vẫn đứng trước một tương lai tươi sáng, bởi với ông: "Bầu Đức đã làm rất tốt, dồn tâm huyết để bóng đá Việt Nam có được một lứa cầu thủ vừa giỏi về chuyên môn, vừa sáng về đạo đức. Việc được tu nghiệp tại nước ngoài như Công Phượng, Xuân Trường hay Tuấn Anh cũng sẽ đem lại rất nhiều điều tốt, thúc đẩy sự phát triển của bóng đá Việt Nam trong tương lai.
Bên cạnh đó, sự vươn lên của các lò đào tạo trẻ như PVF, Hà Nội, Viettel hay SLNA cũng hứa hẹn những lứa cầu thủ tốt như U20 của HLV Hoàng Anh Tuấn cũng là điểm sáng của bóng đá trẻ. Tuy nhiên để đón đầu sự phát triển này, cần phải cải tổ để V-League tốt hơn, làm bàn đạp cho sự phát triển của bóng đá trẻ Việt Nam".
Bên cạnh sự tin tưởng đặt vào lứa cầu thủ Việt Nam hiện tại và tương lai, ông cũng không khỏi trăn trở về sự trưởng thành về mặt ý thức của các cầu thủ trẻ: "Cách làm của HLV Hoàng Anh Tuấn như thu điện thoại, cách ly học trò với mạng xã hội ở những thời điểm quan trọng, hay thả lỏng như HLV Hữu Thắng thực ra đều có lý của mình. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là cầu thủ phải tự trưởng thành về ý thức, chuyên nghiệp trong sinh hoạt, đấy là điều các cầu thủ Việt Nam còn thiếu.
Thời chúng tôi, đá xong trận vẫn ở lại sân tự tập bổ túc cho mình, anh nào có "ngón tủ" nào thì tập ngón đấy, để vào trận gặp đúng tình huống ấy, thế trận ấy là có thể dùng ngay. Đấy là điều các cầu thủ trẻ bây giờ rất ít người làm được".
Quyết định đầu tiên của ông Mai Đức Chung trên cương vị HLV tạm quyền của đội tuyển quốc gia là một quyết định gây tranh cãi, thậm chí là tranh cãi kịch liệt ngay trong lễ ra mắt - điều chưa từng xảy ra trong lịch sử bóng đá Việt Nam, khi hai thành viên Ban chấp hành VFF phản bác thẳng mặt ông trước sự hiện diện của báo giới.
Nhưng ở buổi tập đầu tiên sáng 30/8, người ta thấy đội tuyển rộn rã tiếng cười, bởi đằng sau quyết định ấy là sự mã thượng của một người đàn ông, là tấm lòng của người thầy đối với cầu thủ của mình, dù chỉ là một trận đấu, bởi nó đem lại lòng tin, sự yên tâm khi thấy đồng đội của mình được tôn trọng, thay vì chà đạp như những gì dư luận đã làm trong nỗi đau thua trận.
Phỏng vấn HLV Mai Đức Chung
Cuối buổi tập, ông Chung là người rời sân sau cùng, nhặt từng chiếc áo bib vương vãi trên sân gom lại, xách giỏ nhặt từng quả bóng cho học trò, nhắc nhở từng cầu thủ gõ giày cho sạch đất trước khi vào phòng thay quần áo.
Khi đó, trông ông giống một người cha cặm cụi lo cho đàn con nhỏ, hơn là một HLV trưởng đội tuyển quốc gia. Cái nết giản dị, hiền lành dường như đã ăn sâu vào tính cách của ông, như căn phòng khách chỉ vỏn vẹn mỗi một bộ bàn ghế, cùng chiếc xe đạp Peugeot cũ nhưng sạch bong dựng ở góc nhà - ngôi nhà nhỏ sâu trong trong ngõ làng hoa Ngọc Hà.
Ông Lê Thụy Hải nói ông Chung dại, bởi ở cái ghế "làm tạm" ấy, "được thì cũng chả ai khen, mà thua thì người ta chửi, chỉ làm cái bung xung cho liên đoàn thôi". Nhưng người viết tin rằng những người yêu bóng đá rồi đây sẽ nhớ đến ông, đến trận đấu duy nhất ấy với tư cách người lao vào lửa bỏng để tạo nên bước ngoặt, tạo nên bệ đỡ cho bóng đá Việt Nam bước lên đỉnh cao từ vực sâu thảm bại SEA Games 29.