Trong cuộc gặp ở Nhật Bản cuối tháng 6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng thuận việc nối lại đàm phán thương mại và đình chỉ kế hoạch đánh thuế bổ sung. Tuy nhiên, họ không đưa ra khung thời gian cho các cuộc đàm phán tiếp theo hay thời hạn cuối cùng để đạt được thỏa thuận.
Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow hôm 5/7 cho biết Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã nói chuyện với nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Trung Quốc, Lưu Hạc, qua điện thoại và nhiều kế hoạch đàm phán được đưa ra. Tuy nhiên, Kudlow không cho biết thêm chi tiết.
"Một cuộc đàm phán trực tiếp cũng đã được lên kế hoạch và sẽ diễn ra một lúc nào đó trong tương lai gần. Sẽ không có lịch trình chi tiết bởi chất lượng được đặt lên hàng đầu chứ không phải tốc độ", ông Kudlow nói.
Cuộc đàm phán giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã sụp đổ vào tháng 5 khi các quan chức Mỹ cáo buộc Trung Quốc "lật kèo", quay lưng lại với những thỏa thuận đã đạt được. Hiện tại, Trung Quốc yêu cầu Mỹ dỡ bỏ tất cả các khoản thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu của nước này để có thể có được tiếng nói chung.
Tuy nhiên, hôm 5/7, một trang mạng có ảnh hưởng và kết nối với truyền thông Trung Quốc cho biết đàm phán sẽ lại đi vào ngõ cụt một lần nữa nếu Mỹ không dỡ bỏ thuế quan. Nó lặp lại những quan điểm mà Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong cuộc họp báo hàng tuần hôm 5/7.
"Nếu muốn hai bên đạt được một thỏa thuận thương mại, tất cả thuế quan cần phải được gỡ bỏ. Thái độ của Trung Quốc với vấn đề này là rõ ràng và nhất quán", ông Gao Feng, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết.
Ở chiều khác, Kudlow cho biết khả năng công ty Huawei của Trung Quốc vẫn nằm trong danh sách đen bị hạn chế mặc dù Bộ Thương mại Mỹ đã nới lỏng cấp phép cho các công ty Mỹ giao dịch với gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc. Tất cả các giấy phép trong lĩnh vực được Mỹ cho là đe dọa an ninh quốc gia vẫn được giữ nguyên với Huawei.
Trước đó, sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Trump cũng cho biết sẽ giảm mức độ trong lệnh cấm với Huawei bằng cách cho phép các doanh nghiệp Mỹ bán sản phẩm cho công ty này miễn nó không gây ra các mối quan ngại với an ninh quốc gia.
Hiện tại, vẫn chưa thể xác định được tương lai cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và phần lớn các chuyên gia đều chia sẻ nhận định sẽ cần thêm thời gian để có được kết quả cuối cùng.