Venezuela sẽ trở thành chiến địa mới của Nga - Mỹ sau Syria, Ukraine?

Minh Khôi |

Trong khi các cố vấn liên tục công kích Moscow liên quan đến cuộc đảo chính bất thành ở Venezuela, ông Trump lại không có phát ngôn gì về vai trò của Nga tại quốc gia Nam Mỹ.

Liên tục công kích qua lại

Chính quyền Tổng thống Trump đang rơi vào cuộc chiến với Nga liên quan đến Venezuela, xung đột quốc tế mới nhất đe dọa sự trở lại của những năm Chiến tranh Lạnh căng thẳng.

Washington và Moscow đã liên tiếp đưa ra những lời cáo buộc mạnh mẽ sau khi lãnh đạo phe đối lập Venezuela Juan Guaidó kêu gọi người dân và quân đội đứng lên và lật đổ Tổng thống Nicolás Maduro.

Ngoại trưởng Mike Pompeo đe dọa sử dụng hành động quân sự và cáo buộc Tổng thống Maduro có kế hoạch chạy trốn sang Cuba nhưng Nga đã thuyết phục ông Maduro ở lại trong bối cảnh các cuộc biểu tình trên đường phố đang gia tăng. Đến lượt mình, Moscow cáo buộc ông Pompeo vì đã truyền bá tin giả.

Sự bất đồng thể hiện ngay trong một điện đàm vào thứ Tư giữa 2 nhà ngoại giao hàng đầu hai nước: phía Mỹ cho biết, ông Pompeo đã chỉ trích Nga vì hành vi gây bất ổn, trong khi Điện Kremlin cho rằng hành động của Mỹ là sự vi phạm thô bạo luật pháp quốc tế.

Căng thẳng này là một cuộc đối đầu có khả năng bùng nổ giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin khi tổng thống Trump chuẩn bị bước vào cuộc tái tranh cử.

Đồng thời, sự việc này cũng đe dọa bất kỳ nỗ lực nào nhằm nới lỏng mối quan hệ với Điện Kremlin sau khi công tố viên đặc biệt Robert Mueller, kết luận rằng chiến dịch của ông Trump đã không có sự thông đồng với Kremlin để can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Sự im lặng bất ngờ của Tổng thống Trump

Các nhà phân tích cho rằng Nga và Mỹ đang kiểm tra mức độ cam kết của nhau đối với Venezuela. Hồi cuối tháng 1, Tổng thống Trump đã tuyên bố công nhận Tổng thống lâm thời tự xưng Guaido.

Trong khi đó, nước Nga của ông Putin luôn có ý định hồi sinh vị thế một cường quốc toàn cầu. Venezuela là một quốc gia giàu tài nguyên ở một vị trí chiến lược. Molly McKew, một chuyên gia tư vấn cho các chính phủ về truyền thông chiến lược, nói rằng Nga sẽ muốn lợi ích của mình ở đó được bảo đảm và sẽ không thoải mái khi bị "hất" ra khỏi sân sau của Mỹ.

Tuy nhiên, chính quyền Trump dường như đã quyết định kế hoạch lật đổ Tổng thống Maduro sẽ bao gồm cả việc công kích Nga thường xuyên.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo tuyên bố rằng, Tổng thống Maduro đã có kế hoạch lên máy bay đến Cuba nhưng Nga đã thuyết phục ông ở lại. Nga đã phủ nhận cáo buộc này. Ngày hôm sau, ông Pompeo tiếp tục khẳng định rằng, Mỹ sẽ xem xét hành động quân sự nếu cần thiết.

Nga và Mỹ đã xảy ra bất hòa ở một số điểm nóng địa chính trị trên thế giới như Syria và Ukraine

Tuy nhiên, điều đáng chú ý, Tổng thống Trump đã không có phát ngôn gì trong tuần này về vai trò của Nga ở Venezuela. Thay vào đó, ông mạnh mẽ chỉ trích Cuba, đe dọa sẽ tăng cường lệnh cấm vận đối với Havana. 

Mặc dù trước đây, ông Trump từng nói rằng Nga đã phải "rời khỏi" Venezuela, nhưng việc ông không nhắc lại điều này có thể là một dấu hiệu cho thấy ông vẫn hy vọng có được mối quan hệ với Tổng thống Nga Putin.

Ngoài ra, mặc dù đã đe dọa sẽ có hành động quân sự ở Venezuela trong quá khứ, nhưng nhìn chung ông Trump không "mặn mà" với việc đưa quân đội Mỹ ra nước ngoài. Thật vậy, việc gửi quân đội đến Venezuela có nguy cơ gây phẫn nộ cho một số thành viên của đảng Cộng hòa trong bối cảnh ông Trump đang chuẩn bị cho chiến dịch tái tranh cử quan trọng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại